/ 600
1.121

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 59

Chủ Giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Chuyển Ngữ: Tử Hà

Biên Tập: Bình Minh

Giảng Ngày: 16 Tháng 06 Năm 2010

Địa Điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 57, hàng thứ 7 từ dưới đếm lên. Đoạn thứ tám: thác sự hiển pháp sanh giải môn.

Do thượng chi trùng trùng vô tận, cố trần trần pháp pháp giai thị sự sự vô ngại pháp giới. Cố khả nhậm tựu nhất trần nhất sự hiển thử pháp giới toàn thể. Như Đại Sớ vân, lập tượng thụ tý độc mục giai đạo.

Đến đây là một đoạn, đoạn trước nói về nhân đà la võng pháp giới môn, là nói đến sự trùng trùng vô tận, đây chính là khoa học mà trong kinh đề cập đến, nói cho ta biến chân tướng của vũ trụ, khiến chúng ta nhớ đến Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ. Hoàn Nguyên Quán nói về hiển nhất thể, khởi nhị dụng, thị tam biến. Thị là giảng về ba loại châu biến.

Tương tức tương nhập là nói về tất cả pháp, tất cả pháp tương tức tương nhập trùng trùng vô tận, đây chính là loại thứ hai trong ba loại châu biến: “xuất sanh vô tận”, là cảnh giới không thể nghĩ bàn, nhưng nó là chân tướng sự thật. Các nhà khoa học ngày nay tìm hiểu, không có cách nào nghiên cứu đến cảnh giới này, họ nghiên cứu đến tam tế tướng, vật chất từ đâu mà có, họ nghiên cứu đến chỗ này. Phát hiện ra nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng của A Lại Da. Danh từ trong khoa học và danh từ Phật học không giống nhau, nhưng cùng nói về một thứ. Khoa học nói về năng lượng, năng lượng chính là nghiệp tướng. Nghiệp ở đây nghĩa là động, nghiệp là tạo tác cho nên nó có nghĩa là động. Cũng chính là hiện tượng ba động mà các nhà khoa học nói, ba động vô cùng vi tế. Các nhà khoa học thời cận đại rất hứng thú với vấn đề này, đây là phát hiện mới. Ba là gì? Là làn sóng ý niệm, sức mạnh của ý niệm rất lớn, ý niệm thật sự có thể làm thay đổi vũ trụ, vũ trụ còn thay đổi được huống là sinh lý của chúng ta, thân thể, sinh lý đều có thể thay đổi. Thay đổi được là ý niệm, các nhà khoa học gọi ý niệm là tin tức, ở chỗ A Lại Da gọi là chuyển tướng, chuyển tướng cũng có nghĩa là kiến phần. Hiện tượng vật chất là cảnh giới tướng của A Lại Da, lượng tử lực học ngày nay nói về những thứ này, nhưng nhất trùng tương dung tương tức dễ hiểu, trùng trùng vô tận tương dung tương tức thì rất khó hiểu. Điều này chỉ có ở trong Phật giáo đại thừa. Giới khoa học có thể hiểu được chuyện này chăng? Không dễ đâu, rất khó! Điều này trong thiền định thâm sâu mới thấy được. Trong kinh đức Phật thường dạy, công phu thiền định như thế nào mới có thể thấy được cảnh giới này? Trong kinh điển đại thừa đều nói rằng Bồ Tát Bát Địa. Từ đó cho thấy, bảy địa trước không thể thấy được, như chúng ta, cũng không thấy được, chỉ nghe nói thôi, trong kinh đức Phật nói cho chúng ta biết, ta biết được thông tin này. Muôn sự muôn vật trong vũ trụ này đều là tương dung tương nhập. Vì là tương dung tương nhập nên mới thật sự là một thể, không phải là một thể tưởng tượng, mà thật sự là một thể, chính là một sinh mạng thể cộng đồng. Do đó chúng ta khởi tâm động niệm, đức Thế Tôn nói “tâm hữu sở niệm”. Bất luận vô tình hay cố ý, tâm niệm này chính là ba loại châu biến. Thứ nhất năng lượng của nó châu biến pháp giới. Thứ hai xuất sanh vô tận. Thứ ba hàm dung không hữu.

Trong kinh đưa ra ví dụ nhất trần, một vi trần. Nhất sự, một sự việc, bất cứ một sự việc nào. Trong một sự việc có thể nhìn thấy toàn thể pháp giới. Trong một vi trần có thể nhìn thấy bất cứ một sự việc nào. Cho nên người minh tâm kiến tánh sẽ thấy được, thấy được chân tướng sự thật, cũng chính là Thập Huyền Môn trong kinh Hoa Nghiêm, môn nào cũng nhập được. Nhập được một môn thì tất cả các môn khác đều nhập. Vì sao vậy? Bởi tương dung tương nhập, bất luận môn nào cũng có đủ mười môn khác, bất luận vào từ môn nào cũng thấy được tất cả. Một là tất cả, tất cả là một. Biết được muôn sự muôn vật trong vũ trụ với mình là một thể, thân thiết biết bao!

Chúng tôi thường nói đến nền giáo dục luân lý, luân lý là nói về quan hệ. Kinh Hoa Nghiêm trong Phật giáo đại thừa nói về quan hệ, nói rất mật thiết. Chúng ta thấy trong kinh có ghi: “mười phương tam thế Phật, cộng đồng nhất pháp thân”. Tôi nghĩ rất nhiều người đã đọc qua câu kinh này, đều nhớ, rất quen thuộc. Nhưng có ai lãnh hội được không? Họ và mình thật sự là một pháp thân sao? Đúng vậy, không sai tí nào! Cảnh giới này không dễ lãnh hội được đâu. Mười phương ba đời Phật, ở trong đó có chúng ta. Ba đời Phật là nói về Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai. Chúng ta là Phật vị lai, trong tương lai đều sẽ thành Phật. Vì sao? Vì chúng ta có Phật tánh, hiện tại còn mê, mê mất tự tánh, sẽ có ngày giác ngộ, vấn đề này chỉ ở chỗ sớm hay muộn mà thôi, chắc chắn ta sẽ thành Phật. Sau khi thành Phật, chứng được Thập Huyền Môn, chứng được thanh tịnh pháp thân. Đến khi đó quí vị sẽ biết được, tất cả y chánh trang nghiêm trong pháp giới hư không giới và minh là một thể, gọi là pháp thân.

/ 600