Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 58
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 15 tháng 06 năm 2010
Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội HongKong
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi sáu, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên. Bắt đầu từ Thất, nhân đa la võng pháp giới môn, học từ đoạn này. Tôi đọc một đoạn.
Nhân đa la võng pháp giới môn, dĩ thượng vi tế tương dung môn, minh nhất trùng chi tương nhập tương tức, nhi vị minh trùng trùng vô tận tương nhập tương tức chi nghĩa. Cố giả nhân đà la võng chi dụ dĩ minh thử nghĩa.
Công đức của tự tánh thật sự không thể nghĩ bàn, chúng ta không thể tưởng tượng được. Môn thứ sáu nói về vi tế tương dung, chỉ nói về nhất trùng tương nhập tương tức, và nói đến chỗ tướng vi tế cuối cùng, hiện tượng vật chất, nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn nữa. Người xưa nói, nếu chúng ta dùng hai câu này để hình dung tự tánh, cũng rất thích hợp, chính là câu: “kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, hai câu này rất có ý nghĩa, dùng để miêu tả tự tánh rất thích hợp. Khoa học ngày nay nói đến lượng tử, lượng tử gọi là lượng tử quần, không phải đơn độc mà là lượng tử quần, do nhiều tiểu quang tử hợp thành. Đây có phải là một vi trần trong kinh điển đại thừa đức Phật thường nói chăng? Rất khó nói. Nếu khoa học tiến bộ hơn nữa, phát hiện ra lượng tử cũng do nhiều yếu tố nhỏ hợp thành, thì lượng tử quần cũng không phải là vật nhỏ nhất rồi, hiện tượng này là nhỏ nhất. Một hạt vi trần nhỏ nhất đó, lại có thể hàm dung biến pháp giới hư không giới, đại thế giới này ở trong một hạt vi trần, tuyệt đối không phải hạt cải chứa núi Tu Di. Khi mới bắt đầu học Phật, lão hòa thượng thường nói với chúng tôi, trong kinh nói giới tử là hạt cải, hạt cải rất lớn, hạt cải này có thể dung nạp núi Tu Di, chúng tôi nghe như vậy, đúng là như bịp bịp nghe sấm, hạt cải sao có thể dung nạp núi Tu Di chứ? Núi Tu Di không thu nhỏ lại, hạt cải chẳng lớn ra, làm sao dung chứa núi Tu Di đây? Ngày nay thấy trong kinh Hoa Nghiêm, hiện tượng nhất trần đây đem so với hạt cải quả thật vi diệu hơn nhiều. Nhất trần mắt thường không thấy được, nó rất nhỏ. Trong kinh đức Phật dạy rằng: Thiên nhãn của bậc A La Hán thấy được vi trần, vi trần chẳng phải là vật nhỏ nhất, trong kinh nói nhất trần bậc A La Hán không thể thấy được, vi trần còn có vật nhỏ hơn, chúng ta thường thấy trong kinh, gọi là sắc tụ cực vi, là một phần bảy của vi trần, bậc A La Hán không thấy được. Sắc tụ cực vi cũng không phải vật nhỏ nhất, bởi nó còn phân ra được, một phần bảy của sắc tụ cực vi gọi là cực vi chi vi, là vật chất nhỏ nhất trong kinh điển đại thừa, không thể phân ra được nữa, nhất trần trong kinh nói là chỉ cho cực vi chi vi.
Ngày nay chúng ta thấy trong kinh Bồ Tát Xứ Thai, Bồ Tát Di Lặc dạy, lại càng nhỏ hơn nữa. Bồ Tát Di Lặc nói rằng, một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình đều có thức. Một niệm là một vi trần, thời gian tồn tại của vi trần rất ngắn, tuy ngắn nhưng trong vi trần đều có thức. Trần là hiện tượng vật chất, là cảnh giới tướng của A Lại Da. Thức là hiện tượng tinh thần, đứng về mặt A Lại Da mà nói đó chính là thọ tưởng hành thức, chúng ta thường nói đến Ngũ Uẩn, Ngũ Uẩn làn nền tảng của vật chất. Một vi trần có đầy đủ ngũ uẩn. Hình là sắc uẩn, hình có bốn hiện tượng, là địa, thủy, hỏa, phong, nó không phải bốn phần, một vi trần có bốn hiện tượng, gọi là tứ đại. Thứ nhất là vật chất, ta thấy được, tuyệt đối không phải dùng mắt thấy được, thiên nhãn cũng không thấy được. Trong kinh đức Phật dạy, đến trình độ nào mới có thể thấy được? đến địa vị Bát Địa mới có thể thấy được. Thiên nhãn của Bồ Tát Bát Địa mới thấy được duyên khởi của vũ trụ, nghĩa là thấy được A Lại Da, tam tế tướng: nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng của A Lại Da, tam tế tướng sanh khởi như là đồng thời, bởi nó quá nhanh, một khảy móng tay có một phần trong ba trăm hai mươi triệu, chúng ta không thể tưởng tượng được, ngắn đến mức chúng ta không có khái niệm về nó, nó quá nhanh, người xưa hình dung nó là đá lửa điện quang, thời gian đó vẫn rất dài. Người xưa muốn có lửa dùng cục đá làm ra lửa, lúc nhỏ chúng tôi có dùng qua, thời chiến tranh ở vùng quê còn dùng cách này lấy lửa. Điện quang là chớp, thời gian cũng rất ngắn. Thời gian của tam tế tướng sanh khởi còn ngắn hơn nhiều so với đá lửa điện quang, không thể so sánh được.