/ 600
758

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 57

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 14 tháng 06 năm 2010

Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội HongKong

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 55, hàng cuối cùng.

Lục, vi tế tương dung an lập môn. Đại Sớ viết, như lưu ly bình thịnh đa giới tử. Dĩ thượng các môn hàm minh quảng hiệp vô ngại, nhất đa tương dung chi nghĩa, kim thử đệ lục môn, cánh chỉ vô luận như hà vi tế chi trung, diệc khả hàm dung nhất thiết chư pháp, nhất mao nhất  trần chi trung vô biên sát hải, nhất thiết chư pháp đồng thời thông hiện, như nhất cảnh trung ương hiện vạn pháp. Chúng ta xem đến đây.

Môn này giảng về vi tế tương dung an lập. Năm môn trước đây, đều thuyết minh về tất cả pháp của thế và xuất thế gian, không  một pháp nào ngoại lệ, tất cả đều có quảng hiệp vô ngại, tương dung tương tức. Hôm nay đại sư giảng cho chúng ta môn thứ sáu, môn thứ sáu này giảng càng vi tế hơn, bất luận trong vi tế như thế nào, ý nghĩa của câu này rất sâu rộng. Nương theo sự tiên tiến của khoa học, chúng ta thấy báo cáo của các nhà khoa học, trong phòng thí nghiệm họ thấy được, thấy được nguồn gốc của vũ trụ, duyên khởi của vũ trụ, họ báo cáo với mọi người, nghĩa là khoa học lượng tử ngày nay. Trong báo cáo nói, tất cả muôn sự muôn vật trên thế giới, đều do vật chất tương đồng. Vật chất tương đồng này là ánh sáng vô cùng vi tế, danh từ khoa học là quần lượng tử. Tốc độ chấn động của nó, không tương đẳng, có nhanh có chậm. Chúng ta nói nó chậm, cũng không phải vấn đề ta có thể tưởng tượng được. Nói nó nhanh, nhanh đến mức độ nào. Nói nó chậm chậm đến mức độ nào, đều không phải là những thứ chúng ta có thể tưởng tượng được. Tia sáng chấn động chậm sẽ biến thành cố thể, như cát, đá, núi đá, là tần suất chấn động chậm. Nhanh hơn một chút nữa nó biến thành động thực vật. Nhanh nhất là biến thành điện từ. Đây là những điều con người thời cận đại phát hiện ra. Các nhà khoa học còn cho chúng ta biết, giải thích cho chúng ta chân tướng sự thật. Một nhà khoa học người Đức, chuyên môn nghiên cứu về lượng tử lực học đã nói rằng: Duyên khởi và sự tồn tại của tất cả vật chất trên thế gian này, đều do một sức mạnh khiến cho nguyên tử và phân tử chấn động.

Đạo Phật nói tự tánh là thanh tịnh, quang minh là vĩnh hằng, là bất động. Khi Lục Tổ Huệ Năng khai ngộ, ngài đã dùng ngôn từ đơn giản nói lên chân tướng sự thật. Các nhà lượng tử lực học nói nguyên tử, điện tử, quang tử, đều là vật chất. Vật chất không tách rời chấn động, cũng có nhà khoa học gọi là ba động, cùng chung một ý nghĩa. Từ đó chúng ta mới biết được, tần suất chấn động và ba động chung một ý nghĩa. Nếu không có ba động này, thì chẳng có hiện tượng. Điều này gần giống với vũ trụ duyên khởi trong Phật pháp thường nói. Đức Phật dạy, đây cũng là cảnh giới ngài đã thân chứng. Ngài chứng được cách nào? Ngài thấy được từ trong thiền định thâm sâu. Thiền định là gì? Thiền định là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ, tâm bình đẳng chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Công phu của người xưa đều học tập trong thiền định, nói công phu là nói về thiền định, thiền định chính là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh của quí vị đến trình độ nào? Đức Phật dạy chúng ta, tâm thanh tịnh này tất cả mọi người đều có, là chân tâm, là bản tánh của tất cả chúng ta, nó vốn như vậy. Bây giờ thì sao? Bây giờ vẫn như vậy? Sao biến thành phàm phu lục đạo? Trong kinh điển đại thừa nói rất rõ ràng, chúng ta quên mất, quên mất nên mê lầm, không dùng chân tâm. Có chân tâm mà không dùng nó. Chúng ta dùng tâm nào? Dùng vọng tâm. Thế nào là vọng tâm? Trong giáo lý đại thừa nói a lại da chính là vọng tâm. Học Pháp Tướng Tông, đây không phải là môn học chuyên của chúng ta, ta học một chút kiến thức như Bách Pháp Minh Môn Luận, Duy Thức Tam Thập Tụng, chúng ta đã học qua những môn này rồi.

 Nhất niệm bất giác gọi là vô thỉ vô minh. Vì sao gọi là vô minh? Bởi chân tâm là quang minh. Ba động cực kỳ vi tế vừa khởi,  quang minh biến mất, quang minh biến thành đen tối, cho nên gọi sự đen tối đó là vô minh, vô minh chính là đen tối, là vọng tâm. Thật không may mắn vọng tâm đã làm chủ, chân tâm đứng bên cạnh không khởi tác dụng. Lục đạo như vậy, pháp giới Tứ Thánh cũng như vậy. Khi nào giác ngộ không dùng vọng tâm? Quí vị nên biết, chúng ta khởi tâm động niệm, ý niệm đầu tiên nghĩ gì? Nghĩ đến ta. Bất luận vô tâm hay cố ý, chắc chắn niệm đầu tiên là ta, không quên được ta. Đức Phật dạy, lục đạo chúng sanh, ý niệm về ta là giả chẳng phải chân. Cho nên trong lúc giảng dạy, đức Phật thường nói  vô ngã, đây là chân chẳng phải giả. Người học Phật, nhất là hàng sơ học, nghe nói vô ngã là sợ, vô ngã thì tiêu rồi, cho nên họ không dám vào đạo Phật. Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện thiện xảo trước nói về ẩn hiển, đối với hàng sơ học, đức Phật không nói về vô ngã. Đức Phật nói có ngã, có ngã mọi người sẽ hưng phấn, có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Đức Phật không vọng ngữ, thật có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Ngã có nghĩa là gì? Ngã có nghĩa là chủ tể, là tự tại. Đức Phật thêm cho nó ý nghĩa. Nghĩ thử xem, ngày nay chúng ta có ngã, trong đó có ý nghĩa chủ tể hay không? Có tự tại không? Tự tại chính là vô ngại trong Thập Huyền Môn đề cập đến, sự sự vô ngại. Chúng ta không cảm nhận được mình có thể làm chủ tể. Nếu ta có chủ tể, ta hy vọng  vinh hoa phú quí, mạnh khỏe sống lâu,  làm được chăng? Không làm được. Không làm được là không có ngã, thật sự làm được mới là ngã. Khi nào quí vị tìm được ngã. Trong Thiền Tông có câu thoại đầu: “bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”. Đó là gì? Đó là tự tánh. Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, là tìm lại được ngã. Có Ngã, có Thường. Thường là gì? Thường là bất sanh bất diệt. Có Lạc, Lạc nghĩa là gì? Lạc nghĩa là vĩnh viễn không khổ, gọi là Lạc. Lạc không phải là hoan lạc, không phải là rất vui, không phải ý nghĩa này. Hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục, được gọi là thất tình. Thất tình ngũ dục đều là khổ. Cho nên Lạc trong đạo Phật không phải là tương đối, không phải đối lập với khổ. Không có nghĩa quí vị vui, người ta khổ. Đạo Phật nói hoan lạc cũng là khổ. Hoan lạc là gì? Hoan lạc là Hoại Khổ. Nó không thể vĩnh viễn bảo trì, nó là một sát na rất ngắn, khiến cho quí vị hưng phấn một chút, như ngày nay chúng ta nói hút á phiện, hút heroin. Cái lạc đó không thể gọi là vui, đó là khổ. Cái gì là Lạc? Sau sự hưng phấn đó là khổ không thể nói hết. Đức Phật nói cho chúng ta biết, chúng ta tư duy quan sát xem, không sai một chút nào, đó là thật không phải giả đâu. Đạo Phật nói Lạc, ly khổ chính là Lạc. Thất tình lục dục là khổ, sanh lão bệnh tử là khổ, mê hoặc điên đảo là khổ. Đức Phật nói những ý nghĩa này, chúng ta phải dùng tâm cảm nhận, mới đạt được sự thọ dụng chân thật ở trong đó. Cuối cùng là Tịnh, là thanh tịnh, thanh tịnh là vui. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “tịnh cực quang thông đạt”. Tịnh đến một trình độ nhất định trí huệ sẽ khai mở, hốt nhiên đại ngộ. Đại ngộ là gì? Đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh, trong những buổi giảng chúng tôi thường dùng sáu chữ: tánh tướng, lý sự, nhân quả của tất cả các pháp, đều hiểu hết. Thật sự hiểu rõ này là Lạc, đạo Phật nói pháp hỷ sung mãn. Khổng Tử cũng nói: “học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”. Sự hỷ duyệt này không đến từ bên ngoài, hỷ duyệt ở đây là hiểu rõ, hiểu rõ chân tướng của tất cả pháp, sanh ra lạc, được phát ra từ nội tâm, từ trong tự tánh lưu xuất ra, đây là chân lạc. Lạc của phàm phu được đến từ bên ngoài, cho nên nó không phải là chân lạc. Từ trong tự tánh lưu xuất ra là tánh đức, tánh đức lưu xuất ra, là chân thật, là vĩnh hằng, không hề gián đoạn, là thường sanh hoan hỷ tâm, cho nên nó có ngã. Hiện nay chúng ta mê mờ trong lục đạo, không còn chân ngã nữa, xem thân này là ta, nó là giả. Thân này ta không làm chủ được, mỗi năm mỗi năm suy thoái, thời gian qua đi quá nhanh.

/ 600