/ 600
1.226

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 53

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên Tập: Bình Minh

Giảng ngày 10 tháng 06 năm 2010

Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội HongKong


Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi bốn, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ chữ tam.

Tam, nhất đa tương dung bất đồng môn. Đại Sớ vân, nhược nhất thất chi thiên đăng, quang quang tương thiệp, cái nhất trung hữu đa, đa trung hữu nhất, thị vi tương dung, nhi nhất đa chi tướng bất thất, thị vi bất đồng.

Thập Huyền đúng là tướng chân thật của các pháp, chỉ có đức Như Lai ở quả địa mới thấy được rõ ràng. Ngày xưa đức Thế Tôn giảng kinh suốt bốn mươi chín năm, duy nhất trên hội Hoa Nghiêm, tuyên thuyết với đại chúng, dùng ngôn từ ngày nay nói cho thân thiết một chút, là chia sẻ với mọi người. Sau này ở hội A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, ngài đều không nói đến nữa, đều không nói như vậy nữa.

Pháp Hoa là thuần viên, Hoa Nghiêm là toàn viên, đương nhiên đều khế nhập cảnh giới này. Thật hiếm có, khoa học ngày nay, khoa học lượng tử lực học tối tân, đã chứng minh cho chúng ta thấy. Chứng minh điều gì? Chứng minh Thập Huyền Môn là có thật, chẳng phải giả. Mỗi một môn đều là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Nhưng môn môn tương nhập, mỗi một môn đều hàm chứa chín môn còn lại, bất luận môn nào. Cho nên nói, một môn nhập rồi thì môn môn đều nhập. Xem trong mười môn này, môn nào khế hợp với căn cơ của mình, thì mình đi vào từ môn đó, giống như một chánh điện lớn, có mở mười cửa vậy.

Nhập cảnh giới Hoa Nghiêm chính là nhất chân pháp giới, chính là minh tâm kiến tánh, trong tịnh độ tông là lý nhất tâm bất loạn, là nhập được cảnh giới này.

Nhập có đốn nhập và tiệm nhập, dĩ nhiên đốn là hay, nhất ngộ nhất thiết ngộ. Ngày xưa đức Thế Tôn thị hiện cho chúng ta thấy là đốn ngộ. Vì sao có thể đốn ngộ? Bởi Ngài đốn xả, chỉ trong một niệm là buông bỏ hết vọng tưởng phân biệt chấp trước, sạch sẽ. Nếu quí vị hỏi phàm phu thành Phật, cần mất bao nhiêu thời gian? Nói thiệt với quí vị rằng, chỉ một niệm! Một niệm giác phàm phu thành Phật. Giác ở đây chúng ta có thể dùng đề kinh của bộ kinh này giải thích. Đề kinh của bộ kinh này nói về tu hành, nói về tu nhân, có năm chữ: “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Năm chữ này nghĩa là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tâm Thanh Tịnh thành Chánh Giác là A La Hán, Tâm Bình Đẳng thành Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, Phật thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chính là chứ Giác này. Chỉ trong một niệm! Chúng ta biết được phương pháp này, hiểu được đạo lý, tin chắc không nghi ngờ. Vấn đề ở chỗ nào? Vấn đề ở chỗ không buông bỏ được! Không buông bỏ được chính là bất Giác, không Bình Đẳng, không Thanh Tịnh. Với tình trạng như vậy, trong một đời muốn thành tựu, ngoài pháp môn niệm Phật ra, chẳng còn con đường thứ hai nào khác. Đây là sự thật, không dối gạt đâu! Đây là con đường tắt trong tiệm tu, một đời chắc chắn thành tựu. Thành tựu sớm hay muộn, về thế giới cực Lạc có quả vị cao hay thấp, vẫn ở chỗ buông bỏ. Thế mới biết được việc buông bỏ quan trọng mức nào. Vì sao đức Phật lại nhấn mạnh việc buông bỏ như vậy? Bởi trên thế gian này tất cả đều là giả! Bây giờ quí vị muốn quay về chân tánh, trong chân không có giả, cho nên những thứ giả không mang đi được. Nhất định phải hiểu đạo lý này! Cống cao ngã mạn là giả, ý niệm đố kỵ cũng là giả, tham sân si cũng là giả, chẳng có gì là chân, vì sao không buông bỏ đi? Buông bỏ thì niệm Phật có phần nắm chắc, buông bỏ phẩm vị rất cao. Tam bối cửu phẩm vãng sanh. Thiện Đạo đại sư nói rất hay: “tổng tại ngộ duyên bất đồng”, ngoài ra không có nguyên nhân gì đặc biệt cả. Bạc địa phàm phu nếu ngộ duyên thù thắng, thì có thể trong một đời này, sẽ sanh về Thật Báo độ thượng phẩm thượng sanh, không khác gì Đức Phật Thích Ca và Lục Tổ Huệ Năng. Sanh về Thật Báo Trang Nghiêm độ ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, thượng thượng phẩm vãng sanh. Không buông bỏ được là vì sao? Vì không thật sự hiểu! Làm sao đây? Đọc nhiều kinh, nghe nhiều kinh. Nếu thật sự học được chiêu tu hành này của bậc cổ nhân, “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, thì quí vị sẽ thành tựu. Cho nên người chân thật niệm Phật, không phải làm giả đâu nhé. Cái cần buông bỏ phải buông bỏ hết, cái không nên buông bỏ phải giữ cho kiên cố. Pháp môn này dạy chúng ta chấp trì danh hiệu. Chấp là chấp trước, trì là bảo trì, cũng có nghĩa là chấp trì một thứ: “lục tự hồng danh”, thì chắc chắn quí vị đắc sanh tịnh độ. Trong tâm có Phật, tâm ức niệm, khẩu xưng danh, thân lễ kính, tâm cung kính không được gián đoạn. Chúng ta không đối diện với tượng Phật, vậy tâm cung kính còn hay mất? Vẫn còn! Làm sao có thể sanh khởi? Quí vị không biết, nếu quí vị thật sự biết tất cả chúng sanh vốn là Phật. Họ là vị Phật nào vậy? Chúng ta niệm Phật A Di Đà, thì họ chính là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà ở ngay trước mặt quí vị, Phật A Di Đà ở ngay cạnh quí vị, ở xung quanh quí vị. Tất cả chúng sanh không có ai chẳng phải là Phật Di Đà. “Một là tất cả, tất cả là một”. Đây là chân tướng sự thật! Nếu quí vị hỏi là đạo lý gì vậy? Trong kinh Đức Phật đã dạy rất rõ ràng: “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, Phật A Di Đà cũng là một pháp, Ngài cũng từ tâm tưởng sanh. Nếu thật sự hiểu được, tất cả chúng sanh, tất cả người, tất cả động vật, tất cả thực vật, hoa cỏ cây cối, sơn hà đại địa, tất cả đều là báo thân của đức Phật A Di Đà, quí vị khẳng định, nhận biết thì sẽ chứng được báo thân, báo thân của đức Phật Di Đà. Một nguyện lễ kính chư Phật của Bồ Tát Phổ Hiền là quí vị viên mãn. Nếu quí vị còn phân biệt, đây là Phật A Di Đà, còn đó không phải, thì nguyện này của quí vị không được viên mãn. Một là tất cả, tất cả là một là đại viên mãn.

/ 600