/ 600
756

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 50

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 26 tháng 05 năm 2010

Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội HongKong

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi hai, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa.

Kim y Thám Huyền Ký sở thuyết Thập Huyền thứ đệ, dẫn chứng kinh văn, dĩ minh bổn kinh thật cụ Thập Huyền. Ư thị tắc xác chứng bổn kinh chánh thuộc viên giáo tức thị trung bổn Hoa Nghiêm.

Đoạn trước chúng tôi giảng đến chỗ này, dưới đây chính là đồng với Thập Huyền Môn của kinh Hoa Nghiêm, tổng cộng có mười đoạn. Hoàng Niệm Lão y cứ vào Thám Huyền Ký của quốc sư Hiền Thủ. Thám Huyền Ký là cuốn chú giải Lục Thập Hoa Nghiêm, nói về thứ đệ của Thập Huyền.

Dẫn chứng kinh văn: Dẫn chứng kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ cũng có Thập Huyền, nói lên kinh Vô Lượng Thọ thật sự cũng có đầy đủ Thập Huyền Môn. Thập Huyền Môn chỉ có trong kinh Hoa Nghiêm.

Khi Đức Thế Tôn còn trụ thế, suốt bốn mươi chín năm giảng kinh thuyết pháp, chỉ ở pháp hội Hoa Nghiêm, Ngài giảng về chân tướng sự thật, những kinh khác Ngài không nói đến. Trong bộ kinh này thật sự nói lên thật tướng của các pháp, chúng ta nói áo bí thật tướng các pháp đều được tiết lộ, hy hữu thù thắng không gì bằng. Không hề biết rằng kinh Vô Lượng Thọ cũng có đủ, cho nên người xưa giảng kinh Vô Lượng Thọ, chính là trung bổn Hoa Nghiêm, kinh Di Đà là tiểu bổn Hoa Nghiêm. Đây là có căn cứ, chứ chẳng phải tùy tiện nói đâu. Liên Trì đại sư viết cuốn Sớ Sao cho kinh Di Đà, cũng chỉ ra áo nghĩa trong kinh, có liên quan tới Thập Huyền.

Dĩ chứng như thượng chi thuyết giai thị thật tướng ngữ phi nhân tịnh tông hành nhân chi  vọng tự tôn đại dã.

Liên Trì đại sư đưa kinh Di Đà lên bằng với kinh Hoa Nghiêm, ngang bằng nhau. Khi đó giảng kinh Hoa Nghiêm là toàn viên, giảng kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà, một bộ phận thuộc về viên gọi là phân viên. Không thể nói là toàn bộ, mà một bộ phận tương đồng với kinh Hoa Nghiêm, đây là lời khiêm nhường, lời này vào thời đó, nó có ý nghĩa của thời đại. Thật sự mà nói, ba bộ kinh này, là kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, và kinh Hoa Nghiêm, thực tế mà nói là một bộ kinh. Kinh Vô Lượng Thọ là giảng kỹ, kinh Di Đà là lược thuyết, nội dung không khác nhau. Cho nên đã nhiều năm rồi tôi thường khuyên bảo mọi người: Quí vị thật sự muốn tu Tịnh Độ, hoằng dương Tịnh Độ, muốn giảng tốt kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, thì chẳng thể không đọc Hoa Nghiêm. Vì sao vậy? Bởi kinh Hoa Nghiêm giảng kỹ kinh Vô Lượng Thọ, giảng kỹ kinh Di Đà. Quí vị có nền tảng này rồi, quí vị đọc tiếp hai bộ kia thì sẽ hiểu thấu được. Hai bộ kinh này kinh văn không dài, nghĩa lý thâm sâu huyền diệu, không khác gì Pháp Hoa và Hoa Nghiêm.

Thứ đệ ở đây hoàn toàn tương đồng với Thám Huyền Ký, bây giờ chúng ta xem điều thứ nhất.

Nhất, đồng thời cụ túc tướng ưng môn. Điều này vô cùng quan trọng, điều này có thể nói là tổng thuyết, chín điều sau gọi là biệt thuyết, điều này là tổng. Chú trọng vào đâu? Vào đồng thời, đồng thời cũng đồng xứ. Đồng thời đồng xứ tương ưng, tương ưng với ai? Tương ưng với biến pháp giới hư không giới.

Thám Huyền Ký do đại sư Hiền Thủ viết, lúc trước chúng ta đã từng học qua, Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, bài luận văn này do đại sư Hiền Thủ viết. Bài luận văn này là nói kỹ về đồng thời cụ túc tương ưng. Quí vị xem giảng về duyên khởi của vũ trụ, chúng ta dùng ngôn từ thời nay mà nói, chính là triết học tối cao mà Phương Đông Mỹ tiên sinh nói. Năm xưa thầy Phương giới thiệu triết học trong kinh Phật cho tôi. Thầy nói: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế gian này. Triết học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất trong thế giới triết học”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đồng thời cụ túc tương ưng môn”, chính là đỉnh cao nhất, chẳng những là đỉnh cao nhất của triết học, cũng là đỉnh cao nhất của khoa học. Triết học và khoa học ngày nay đều không nói đến cảnh giới này, cho nên vấn đề của nó rất nhiều, trong Phật Pháp hoàn toàn giải quyết được, đồng thời đồng xứ tương ưng. Vì sao vậy? Chúng ta xem ba đoạn trước trong bài luận văn của đại sư Hiền Thủ, chẳng phải đã hiểu rõ rồi sao? Vũ trụ từ đâu mà có? Vạn vật từ đâu mà có? Ta từ đâu mà có? Ta cùng vạn vật và vũ trụ có liên quan gì? Đây là vấn đề rất lớn! Vấn đề này giải quyết được rồi, thì những thứ khác đều là chuyện nhỏ, đều là nhỏ nhặt tầm thường không đáng kể. Thật sự hiểu được rõ ràng minh bạch rồi, con người chúng ta ở thế gian này, chuyện kiết hung họa phước bản thân mình có thể làm chủ được, thọ mạng dài ngắn bản thân mình cũng có thể làm chủ được, môi trường chúng ta sinh sống, xã hội ngày nay loạn động, địa cầu thiên tai rất nhiều. Dùng phương pháp nào để đối phó, quí vị đều biết cả rồi. Vì sao vậy? Bởi đồng thời cụ túc tương ưng môn sao không giải quyết được? Phương pháp này vi diệu cực kỳ!

/ 600