Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 49
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 24 tháng 05 năm 2010
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ năm mươi mốt, hàng thứ nhất, bắt đầu từ câu cuối cùng.
“Phu Pháp Hoa giả, nãi Thiên Thai tông sùng vi thuần viên độc diệu giả dã. Hoa Nghiêm nãi Hiền Thủ tông tôn vi Biệt Giáo nhất thừa, sự sự vô ngại, toàn viên chi giáo dã. Kim Ngẫu Ích đại sư chỉ xuất, Thiên Thai chi thuần viên, Hiền Thủ chi toàn viên. Kỳ mật tủy dữ áo tạng, giai bất xuất thử đại kinh chi ngoại”. Chúng ta xem đến đoạn này.
Đoạn trước Niệm lão dẫn chứng Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư. Đức Thế Tôn ở sau thời mạt pháp, kinh điển của đạo Phật trên thế gian này đều mất hết, không tìm lại được nữa. Cuối cùng đặc biệt lưu lại bộ kinh này, chính là kinh Vô Lượng Thọ trụ lại thế gian một trăm năm. Kinh điển của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đến cuối cùng chỉ còn lại bộ kinh này. Bây giờ chúng ta biết được kinh Vô Lượng Thọ, tổng cộng có chín bản khác nhau, trong tương lai lưu lại thế gian là bản nào? Chúng tôi có thể khẳng định rằng, là cuốn hội tập của Hạ Liên Cư lão cư sĩ. Vì sao vậy? Chúng tôi mở chín bản ra xem, thấy kinh văn trong cuốn này rất thông suốt, đọc rất dễ, ai thấy cũng thích, chắc chắn sau này người đọc tụng rất nhiều, người học tập rất nhiều, người lưu truyền cũng rất nhiều. Pháp duyên của bộ kinh này thù thắng không gì sánh bằng, tôi đã giảng qua rất nhiều lần, đây là lần thứ mười một. Bất luận là giảng ở đâu, thính chúng bao giờ cũng đông hơn giảng những bộ kinh khác, từ thâm sâu cảm nhận được pháp duyên này không thể nghĩ bàn. Cho nên chúng tôi biết được, bộ kinh này sẽ lưu truyền đến đời sau chín nghìn năm. Quảng độ chúng sanh, vì bộ kinh này người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không biết được là bao nhiêu.
Đại Sư lại tán thán nói: Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy, là tất cả tâm yếu của chư Phật, là kim chỉ nam của Bồ Tát vạn hạnh, đều không rời bộ kinh này, đều ở trong bộ kinh này. Bây giờ chúng ta xem tiếp Pháp Hoa, Thiên Thai tông tôn sùng là tất cả kinh giáo mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt bốn mươi chín năm, thuần viên độc diệu. Người xưa phân nói thành Nhất Thừa Giáo, cao hơn Đại Thừa một bậc. Nhất Thừa Giáo người xưa công nhận ba bộ kinh là: Kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Phạm Võng. Rất tiếc là kinh Phạm Võng không truyền vào Trung Quốc, truyền vào Trung Quốc chỉ có một phẩm, Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm, toàn bộ quyển kinh không truyền đến. Hoa Nghiêm nghĩa là tông Hiền Thủ tôn sùng là Biệt Giáo nhất thừa, Biệt là đặc biệt. Những điều trong bộ kinh này nói, trong những bộ kinh khác Đức Phật chưa từng nói, đây là nhất thừa. Điều gì đức Phật chưa từng nói qua? Là sự sự vô ngại, lý sự vô ngại thì có, trong những kinh khác có nói, nhưng sự sự vô ngại thì không có, cho nên đây là điều duy nhất có trong kinh Hoa Nghiêm, gọi là Biệt Giáo Nhất Thừa, “toàn viên chi giáo”.
“Kim Ngẫu Ích đại sư chỉ xuất, Thiên Thai chi thuần viên, Hiền Thủ chi toàn viên. Kỳ mật tủy dữ áo tạng, giai bất xuất thử đại kinh chi ngoại”. Ở đây đưa kinh Vô Lượng Thọ lên rồi, cho thấy bộ kinh này đúng là toàn viên, lại là tinh túy của kinh Pháp Hoa, cũng là thuần viên. Nói cách khác, bộ kinh này là viên trong viên, cách nhìn này, cùng với sự phân giáo của chư vị Tổ Sư Nhật bản, là dị khẩu đồng thanh. Điều này ở đoạn trước chúng ta có thấy, Niệm lão dẫn chứng chư vị Tổ Sư của Nhật Bản ngày xưa, họ cũng có cách nhìn này. Đúng như tông môn gọi là, lỗ mũi thông khí vậy, cách nhìn của họ hoàn toàn giống nhau.
Pháp sư Ấn Quang của Tịnh Tông thời cần đại, tán thán cuốn Yếu Giải. Đoạn văn này ngài hoàn toàn dẫn chứng, Ấn Quang đại sư, tán thán Di Đà Kinh Yếu Giải: Lý sự mỗi cái đến chỗ cùng. Lý là nói về lý luận, sự là nói về sự tướng, đều giảng đến chỗ rốt ráo, văn của cuốn Yếu Giải không nhiều, nhưng giảng rất thấu triệt. Người xưa giảng bộ kinh này, chú bộ kinh này, những điều không nói đến, thì Ngẫu Ích đại sư nói đến, là bộ chú giải đầu tiên từ khi Đức Phật nói bộ kinh này. Đây là lời tán thán của Ấn Quang đại sư đối với cuốn Di Đà Yếu Giải, “diệu cực xác cực”. Diệu là vi diệu, là huyền diệu, xác là chính xác, không hề có một chút sai lầm. Những điều chú giải thật sự là bổn nghĩa của đức Phật. Cho dù Cổ Phật xuất thế, để chú giải lại bộ kinh này, thì cũng không thể hay hơn cuốn này. Tán thán như thế, là tán thán đến đỉnh điểm, không có gì cao hơn điều này nữa. Chúng ta nên biết rằng, tiểu bổn kinh Di Đà và bộ kinh này thuộc về một loại, thuộc về cùng một bộ. Đối với kinh Di Đà mà tán thán như vậy, thì cũng có nghĩa là tán thán kinh Vô Lượng Thọ. Bộ kinh này ở trong Phật Pháp, nó có địa vị thế nào, là chúng ta biết được rồi. Cho thấy cuốn Yếu Giải phân bộ kinh này, giống như đích thân Đức Phật phân vậy. Phán giáo của Ngẫu Ích đại sư, như đức Phật A Di Đà, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân phân giáo vậy. Những lời này đều là giúp cho chúng ta kiến lập niềm tin, nếu như chúng ta thật sự tin tưởng, không hề hoài nghi chút nào, thì thiện căn phước đức của người này không thể đo lường được. Năng tín, năng giải đó là thiện căn viên mãn, sự việc này, với chuyện có học qua không, có biết chữ hay không, nói cho các vị biết, không hề liên quan. Học nhiều lại sanh tâm hoài nghi, những ông bà già ở thôn quê không có học, không biết chữ, họ nghe rồi tin ngay, họ không hoài nghi, chịu niệm Phật, nguyện vãng sanh họ đều thành tựu được, họ đều về thế giới Cực Lạc để làm Phật. Trên thế gian này có rất nhiều học giả chuyên gia, họ còn hoài nghi, đối với thế giới Cực Lạc có rất nhiều nghi vấn, vẫn gieo nhân lục đạo luân hồi như cũ. Chúng ta suy nghĩ thử xem, ai là người có trí huệ, ai là người có phước báo? Chẳng phải đã rõ ràng rồi sao? Chúng ta thấy rõ ràng rồi, nhất định phải quay trở lại suy nghĩ chính bản thân mình xem, mình có thiện căn phước đức hay không? Duyên thì gặp rồi đấy, nhưng có thiện căn phước đức hay không? Thiện căn là năng tín, năng giải, chân tín, chân giải, phước đức là thật tu. Người có đại phước đức, chắc chắn là người buông bỏ thân tâm thế giới, đó thật là phước đức. Chúng ta ngày nay chẳng thể nói là không tin, chẳng thể nói là không giải, chẳng thể nói là không có nguyện, vì sao công phu không đắc lực? Trong tín nguyện giải hành của chúng ta có nghi vấn, có xen tạp. Vì sao lại xen tạp? Vì thế duyên không buông bỏ được, đối với danh văn lợi dưỡng của thế gian này, đối với ngũ dục lục trần vẫn còn tham luyến, quan trọng nhất trong tham luyến không gì bằng tình chấp. Có thể siêu việt tình chấp, thì thật sự là đại thiện căn, đại phước đức. Vì sao vậy? Vì người này chắc chắn thành tựu, hơn nữa sự thành tựu này chắn hẳn cao hơn người thường. Tình chấp sâu dày không chịu buông bỏ, tuy được vãng sanh cũng chỉ ở Phàm Thánh Đồng Cư độ, điều này chúng ta cần nên hiểu rõ ràng. Chúng ta hy vọng bản thân mình sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị cao, hay chấp nhận hạ phẩm hạ sanh là vừa lòng rồi? Chúng ta cần nên nhận biết rõ ràng, tình chấp quá nặng, e rằng đến khi đó không được vãng sanh đấy. Phải buông bỏ, khi nào thì buông bỏ? Bây giờ cần phải buông bỏ, đừng nói rằng bây giờ mình còn trẻ, chờ mình già rồi hãy buông bỏ, chờ đến khi mình gần chết rồi buông bỏ, e rằng đến khi đó không kịp nữa đâu, đến khi đó ngay bản thân mình không làm chủ được, ngay bây giờ phải tập thành thói quen.