/ 600
893

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 46

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 21 tháng 05 năm 2010

Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 50, dòng thứ 6 từ dưới lên.

“Di Đà Yếu Giải vân, Thích Ca nhất đại thời giáo, duy Hoa Nghiêm minh nhất sanh viên mãn, nhi nhất sanh viên mãn chi nhân, tắc mạt hậu Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm trung, thập đại nguyện vương đạo quy an dưỡng, thử dĩ thử khuyến tấn Hoa Tạng hải chúng” .

Chúng ta đọc đến đoạn này, đây là lời dạy của Ngẫu Ích đại sư. Nhất đại thời giáo là chỉ cho tất cả kinh mà đức Phật nói trong suốt 49 năm. Khi đức Phật còn tại thế, 30 tuổi ngài khai ngộ, sau khi khai ngộ rồi ngài bắt đầu thuyết giáo, 79 tuổi ngài viên tịch, cho nên giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm. Hội ở đây giống như ngày nay chúng ta chia lớp vậy, một đời ngài dạy hơn 300 lớp, thời gian dài ngắn không đồng nhau, nội dung giảng dạy sâu cạn cũng không tương đồng. Có khi một bài mà giảng mấy năm, cũng có khi một bài một ngày là giảng xong, tình trạng này rất nhiều, chúng ta có thể tưởng tượng được, khi còn tại thế đức Phật thuyết pháp không có một chế độ nhất định. Quần chúng ở tứ phương có trường hợp cá biệt đến thỉnh giáo, trường hợp đoàn thể đến thỉnh giáo, đức Phật rất từ bi, không từ chối người nào, ngài đều khiến cho họ cảm thấy thỏa mãn rồi mới ra về, cho nên đúng là hữu giáo vô loại. Những điều ngài dạy cũng không có định pháp, đức Phật không có định pháp để nói. Người đến thỉnh giáo với ngài có nghi hoặc điều gì, có vấn đề gì, có kỳ vọng gì, đức Phật đều có thể giúp cho họ giải quyết hết, đây là tình hình đức Phật giảng dạy vào thời đó. Cũng có một bộ phận gọi là thường tùy chúng, điều này trong kinh thường đề cập đến, 1255 vị, đây là những người thường theo đức Phật, đều theo ngài mười mấy năm. Đối với những người này, sự giảng dạy có thứ đệ, có sâu cạn, cho nên sau này chư vị tổ sư phán giáo, phân sự thuyết pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm 5 thời kỳ, trước đây chúng tôi có giảng qua. Thời A Hàm, thời Phương Đẳng, thời Bát Nhã, thời Pháp Hoa, giống như ngày nay chúng ta nói, tiểu học, trung học, đại học, nghiên cứu sở. Đối với thường tùy, giúp cho họ từng bước tiến lên. Đoàn thể này cũng không phải là nhỏ, thường thường là mấy ngàn người, ở đây chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Trong kinh nói đức Phật dùng một âm mà thuyết pháp, chúng sanh mọi loài đều hiểu được. Đây là diệu âm, chúng ta khó mà tưởng tượng được, ngày nay chúng ta mượn công cụ khoa học, dùng micro để nói, ngày xưa không có những công cụ này. Đức Phật đăng tòa thuyết pháp, thính chúng có đến 2,3 ngàn người, mọi người đều nghe được rõ ràng, tất cả đều không hoài nghi, cảnh giới này chúng ta rất khó tưởng tượng. Đức Phật có năng lực này hay không? Chúng ta tin là có. Thính chúng ngày đó không giống như người bây giờ, tuy có bậc hạ hạ căn, chúng ta có thể lý giải được, bậc hạ hạ căn thời đó, đại khái còn giỏi hơn nhiều so với bậc thượng thượng căn ngày nay. Vì sao vậy? Vì tâm người ta thanh tịnh, người thời nay tâm trạng bồng bột, không có định công đó, người thời xưa trung hậu lão thành, ít vọng niệm, tâm thanh tịnh, cho nên việc thuyết thính đó sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Đó là nhất đại thời giáo.

49 năm thuyết pháp, chỉ có kinh Hoa Nghiêm, trong tất cả kinh chỉ có bộ kinh này, là giảng đến nhất sanh viên mãn. Nhất sanh nghĩa là từ khi chúng ta sơ học Phật, viên mãn là thành Phật. Chúng ta mới bước vào đạo Phật, giống như đi học vậy, chúng ta vào tiểu học, cho đến lớp tiến sĩ, nhận được học vị tiến sĩ, đây gọi là nhất sanh viên mãn. Đức Phật nói những bộ kinh khác, đều không nói đến viên mãn như vậy, có khi nói đến quả vị A La Hán là ngừng, giống như mở trường tiểu học, tốt nghiệp tiểu học rồi, chỉ nói đến tiểu học. Kế đến vào trung học, tốt nghiệp trung học rồi, cũng chỉ nói đến trung học, tốt nghiệp đại học, cũng chỉ nói đến đại học, không nói đến nghiên cứu sở. Chỉ có Hoa Nghiêm là thật sự cứu cánh viên mãn, từ lớp 1 tiểu học nói đến lớp tiến sĩ, chỉ có bộ kinh này là giảng đến viên mãn.

Cái nhân nhất sanh viên mãn, viên mãn ở đây nghĩa là thành Phật, nghĩa là chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chứng được quả Phật. Nhân chơn chánh là cuối cùng, trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Thập đại nguyện vương đạo quy Cực lạc”. An dưỡng nghĩa là thế giới Cực lạc, điều này chúng ta thấy được trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, phẩm kinh này rất hiếm có, có duyên với người Trung Quốc, toàn bộ truyền vào Trung Quốc. Chư vị Tổ sư đã dịch sang Trung văn, tổng cộng 40 quyển, đây gọi là Tứ thập Hoa Nghiêm trong bộ kinh Hoa Nghiêm. Trong Tứ thập Hoa Nghiêm có một phẩm tên là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, hoàn chỉnh không thiếu, trong đây nói về Thiện Tài Đồng Tử ngũ thập tam tham, đã thành tựu như thế nào, rất đáng để cho chúng ta học tập.

/ 600