645

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 45

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 20 tháng 05 năm 2010

Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 49, dòng thứ 3 từ dưới lên, chúng ta coi từ  đoạn giữa.

“Hựu Viên Trung Sớ vân, viên đốn pháp môn, diệc tất tu tiên khai viên giải, nhi thứ tu viên hạnh, phá tam hoặc nhi phương chứng viên quả, dĩ giai bất thoái.”

Đến đây là một đoạn ngắn, đây là lời U Khê đại sư nói. Tiểu bổn kinh Di Đà chú giải rất nhiều, trong chú giải chư vị cổ đức hầu như khẳng định Sớ Sao của Liên Trì đại sư, Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, Viên Trung Sao của U Khê đại sư, ba bộ chú giải này rất đầy đủ, rất kỹ càng, bất luận là phương pháp hay lý luận, đều đáng để cho các vị học Tịnh tông học tập, đây là ba loại chú giải kinh Di Đà.

Ở đây nói đến pháp môn viên đốn, chúng ta thấy chư vị cao tăng từ xưa đến nay, cũng phân kinh Vô Lượng Thọ là pháp môn viên đốn, pháp môn viên đốn chỉ có Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, bộ kinh này phân làm viên đốn cũng rất có lý, bởi vì nó là một đời viên mãn thành tựu. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, thật sự phải là bậc thượng thượng căn mới có thể thọ trì được, bậc trung hạ căn thật sự không thể nào tu học theo được. Nhưng Tịnh tông thì khác, tam căn phổ bị, đây là thượng trung hạ tam căn, lợi độn toàn thu. Chỉ cần bạn năng tín, năng hành, giải thì không có việc gì đáng ngại, chỉ cần năng tín năng hành. Đây là ngài Ngẫu Ích đại sư nói trong cuốn Yếu Giải, có thể được vãng sanh hay không, vấn đề ở chỗ có tín nguyện hay không, phẩm vị cao thấp là ở chỗ công phu niệm Phật của bạn cạn hay sâu, sâu cạn ở đây ý muốn nói là bạn buông bỏ được bao nhiêu, nếu bạn buông bỏ hết được vọng tưởng phân biệt chấp trước, thì bạn vãng sanh về Thật báo độ. Chưa buông bỏ vọng tưởng, buông bỏ phân biệt chấp trước, thì sanh về Phương tiện hữu dư độ. Nếu như còn đầy đủ vọng tưởng phân biệt chấp trước, thì sanh về Phàm thánh đồng cư độ. Nhưng thế giới Cực lạc vô cùng thù thắng, điều này ở trong sát độ của chư Phật mười phương không có. Dùng cách nói của các nhà khoa học ngày nay, thì sát độ của chư Phật mười phương đều có không gian tần số bất đồng, cho nên quả vị chứng được không tương đồng, họ không thể sống cùng một chỗ. Thế giới Tây phương rất đặc thù, ở nơi đó không có tần số không gian, tứ độ tam bối cửu phẩm, ở chung một chỗ không có sai biệt, cho nên sanh về Đồng cư độ, cũng bằng sanh về Thật báo độ. Như Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền là các vị Bồ tát ở Thật báo độ,  Phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh ở thế giới Cực lạc, cũng thấy được các vị Bồ tát này, hàng ngày họ sống cùng Bồ tát, đây là chỗ thù thắng của thế giới Cực lạc so với sát độ của chư Phật mười phương. Cho nên đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên chúng ta cầu sanh Tịnh độ, thập phương chư Phật đều tán thán pháp môn này. Trong kinh Di Đà chúng ta thấy sáu phương Phật tán thán, trong kinh Vô Lượng Thọ bạn cũng thấy thập phương Phật tán thán. Trong Viên Trung Sớ nói mấy câu rất hay, đây là chỉ cho pháp môn viên đốn thông thường, còn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa thì tất tu tiên khai viên giác, nên có khác. Khai viên giác ở đây là thật sự khai ngộ, sau đó là tu hành, mới có thể tu viên hạnh, viên hạnh là nhất tu nhất thiết tu. Tiêu chuẩn khai viên giác ở đây cao quá, trong Đại thừa giáo gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, bạn mới có thể khế nhập pháp hội Hoa Nghiêm. Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh Hoa Nghiêm là ngài giảng ở trong định, người thường chúng ta thấy đức Phật ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ đề. 3 nhân 7 bằng hai mươi mốt ngày, ngài đã nhập định ở đó, nhưng không ngờ ngài đã ở trong định giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Người không có năng lực này thì không thể vào được, định ở đây không phải là tiểu định, không phải Tứ thiền bát định mà trong bộ kinh này thường nói tới, không phải định này, vì đây là tiểu định. Tứ thiền bát định chưa ra khỏi luân hồi lục đạo, Cửu Thứ Đệ Định mà các vị A La Hán chứng được, trong kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, vị này mới có thể siêu việt được lục đạo, nhưng bất quá cũng chỉ vào được pháp giới Thanh Văn trong pháp giới tứ thánh thôi, cao nhất là đến pháp giới Duyên Giác, trên nữa còn có Bồ tát, còn có Phật, vị này không có phần. Nhất định phải đại triệt đại ngộ, đoạn trước nói là phá tam hoặc, nghĩa là buông bỏ hết vọng tưởng phân biệt chấp trước, thế mới là chứng viên quả, tu viên hạnh. “Dĩ giai bất thoái”, bất thoái ở đây nghĩa là có đầy đủ ba loại bất thoái: Vị bất thoái, hành bất thoái, niệm bất thoái. Đó là nói về đại pháp viên đốn.