/ 600
964

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 43

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 18 tháng 05 năm 2010

Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu


Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 45, dòng thứ 2.

Đây là đoạn cuối cùng của Sơ Bỉ Căn Khí.

Cái thử pháp môn xảo bỉ chư căn, như Yếu Giải vân, thượng thượng căn bất năng du kỳ khổn, hạ hạ căn diệc năng trăn kỳ vực, phàm thánh kỳ thu, lợi độn tất bỉ.

Đây là kết luận cuối cùng, tổng kết pháp môn này, thật sự là phương tiện cứu cánh của Như Lai. Cứu cánh ở đây cũng có nghĩa là viên mãn, không hề khiếm khuyết một tí nào, viên mãn không gì bằng, bất kỳ người có căn tánh như thế nào đều có thể thích hợp được. Tu học pháp môn này, đều có thể thành tựu, điều này thật không thể nghĩ bàn.

Trong cuốn Yếu Giải, Ngẫu Ích Đại sư nói, “thượng thượng căn bất năng du kỳ khổn”, hai câu này hay, nói rất hay. Khổn là gì? Ở đây khổn có nghĩa là phạm vi, bạn không thể siêu việt phạm vi của nó, phạm vi của nó quá lớn, biến pháp giới hư không giới. “Hạ hạ căn diệc năng trăn kỳ vực”, trăn là đạt đến, cũng có thể đạt đến cảnh giới của Đức Phật. Ngẫu Ích Đại sư chẳng phải là người bình thường, Ngài chú cuốn Yếu Giải này, tuy chỉ dùng thời gian có 9 ngày, phía sau có lời bạt, thời gian 9 ngày là viết xong. Ấn Quang Đại sư tán thán cuốn yếu giải này, nói rằng thật sự cổ Phật tái lai, để viết chú giải cho cuốn kinh Di Đà, thì cũng không thể hơn cuốn này được, lời tán thán này cũng tán thán đến đỉnh điểm.

Năm xưa tôi ở Singapore, có một lần pháp sư Diễn Bối đưa ra vấn đề này để hỏi tôi. Thầy ấy nói, lời Ấn Quang Đại sư tán thán cuốn Yếu Giải, có phải là hơi quá chăng? Đã hỏi tôi vấn đề như vậy. Tôi trả lời Thầy ấy rằng, tôi nói sự tán thán của Ngài Ấn Quang, không hề quá đáng chút nào, Ngài đã tán thán rất hợp lệ, đó là lời chân thật. Đời này chúng ta may mắn, còn gặp được thắng hội như thế, chỉ cần có thể tin được, chân tín, y giáo phụng hành, thì đời này cũng có thể trăn kỳ vực, nghĩa là chúng ta cũng có thể đạt đến Thật báo trang nghiêm độ của Di Đà Như Lai. Cho nên hai câu của Ngài Ngẫu Ích Đại sư tán thán kinh Di Đà, cũng giống như Ấn Quang đại sư tán thán Yếu Giải vậy, đều tán thán đến độ viên mãn, tán thán đến độ cứu cánh như thế. Chỉ cần có một chút xíu thiện căn, sau khi gặp được là có thể sanh tâm hoan hỷ rồi, phát nguyện y giáo phụng hành, cho nên pháp môn này thật sự là phàm thánh tề thu. Lợi là thượng căn, độn là hạ căn, lợi căn hay độn căn đều có phần cả.

Di Đà Sớ Sao vị thử pháp môn vi tận nhiếp lợi độn chư căn, tất giai độ thoát. Đây là lời dạy của Đại sư Liên Trì. Đây là Trung Hưng Tam đại sĩ của Tịnh độ tông, Đại sư Liên Trì là vị thứ nhất, kế đến là Ngẫu Ích đại sư, tiếp theo là U Khê Đại sư, viết cuốn Viên Trung Sao. Cuối nhà Minh sang đầu nhà Thanh, Tịnh tông được phục hưng, có 3 vị Đại sư này.

Trong cuốn Sớ Sao có nói: “Tận nhiếp lợi độn chư căn”, là nói tất cả căn tánh, từ thượng thượng căn đến hạ hạ căn đều được độ thoát. Những lời này đều là nói về phương tiện cứu cánh.

“Binh vân”, Đại sư Liên Trì nói: “Chư dư pháp môn”, câu này muốn nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều bao gồm trong lời nói này. Ngoài pháp môn Tịnh độ, thì gọi là chư dư pháp môn, “cao chi tắc hạ cơ tuyệt phân, ti chi tắc bất bỉ thượng căn”. Đức Thế Tôn khi còn tại thế, mỗi ngày đều giảng kinh thuyết pháp, Ngài nói rất hay, đều là những lời nói chân thật, không giả dối, nói pháp không nhất định. Người có trình độ cao thì nói pháp cao cho họ, người có trình độ thấp, thì nói cho họ pháp môn cần tu học trong cuộc sống hàng ngày. Vì người mà khác, vì thời mà khác, vì nơi chốn mà khác, vì sự việc mà khác, không có pháp nhất định. Cho nên chỉ cần thấy được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì chắc chắn bạn được mãn nguyện, đó là điểm tuyệt vời của Đức Phật. Tất cả pháp Ngài nói ra, bất luận là cao thấp, sâu cạn, đều từ tự tánh lưu xuất ra. Đức Phật không bao giờ nói rằng, xem con người này, mình nên nói gì với họ, Đức Phật không có tâm niệm như vậy. Vừa tiếp xúc là hiểu rõ, là thông đạt rồi, bạn hỏi hay không hỏi Ngài cũng đều biết hết. Bạn đang nghĩ điều gì, bạn muốn cầu điều gì, bạn muốn được điều gì, Ngài hoàn toàn biết rõ, Đức Phật một đời hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy chúng sanh tâm, ưng sở tri lượng”, tuyệt đối Đức Phật không đòi hỏi một người nào. Đức Phật thật sự làm đến chỗ tùy duyên bất biến, trong Hoàn Nguyên Quán nói là “tùy duyên diệu dụng”. Đức Phật trụ thế 80 năm, thị hiện cho chúng ta thấy tùy duyên diệu dụng, tuyệt hay! Diệu ở đây chính là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Cho nên pháp môn cao, thì bậc căn cơ trung hạ không hiểu, giảng những điều thật là nông cạn, thì bậc thượng thượng căn không thích nghe. Giống như ngày nay bạn dạy học vậy, bạn đối mặt với học sinh lớp tiến sĩ, thì những học sinh bậc trung học và tiểu học không thích nghe, họ bỏ đi hết, bạn giảng quá sâu. Bạn giảng quá nông cạn, là bạn dạy những học sinh trường mầm non, học sinh đại học đứng bên cạnh cười rồi bỏ đi, họ cũng không nghe. Vì sao vậy? Vì không khế cơ. Cho nên Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, đây là kinh nhất thừa, cao! Bậc La Hán và Thanh Văn đều rút lui, họ nghe không hiểu.

/ 600