/ 600
1.023

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 41

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 16 tháng 05 năm 2010

Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 43, dòng thứ năm từ dưới lên, chúng ta học từ đoạn giữa. Chúng ta học từ chỗ Di Đà chi nhất thừa nguyện hải, lục tự hồng danh, viên dung cụ đức, siêu tình ly kiến, cử thể thị sự lý vô ngại, sự sự vô ngại chi nhất chân pháp giới, cố phi tư lượng phân biệt chi sở năng tri, ngữ ngôn văn tự chi sở năng cập, cố vân phi cửu giới tự lực sở năng tín giải.

Chúng ta coi đến đoạn này, hôm qua chúng ta học đến đoạn này, đây là những lời khuyên bảo hết lòng của chư vị Tổ sư, giúp chúng ta xây dựng tín tâm đối với pháp môn Tịnh độ, vì chúng ta mà nói lên bổn nguyện của Di Đà, thật sự kỳ vọng tất cả chúng sanh, trong một đời có thể thành tựu được vô thượng Bồ đề, đó gọi là Nhất thừa nguyện hải. Việc này có thể làm được hay không? Trong kinh luận thường nói, “trược ác phàm phu, ngũ trược ác thế”, những phàm phu tạo tác ác nghiệp này, trong một đời có thể thành Phật được chăng? Điều này ai có thể tin được? Thực tế mà nói, điều này có ai tin được hay không không quan trọng, quan trọng nhất là bản thân chúng ta có tin tưởng được hay không? Khiến cho chúng ta nhớ đến Di Đà Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích, nói cho chúng ta về 6 đức tin. Đức tin thứ nhất trong 6 đức tin là tin chính mình, thứ hai mới là tin người, người ở đây là chỉ cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật Di Đà. Nếu như không có niềm tin đối với chính mình, người không có niềm tin rất nhiều, chẳng phải là người xấu mà là người tốt. Khi tôi mới học Phật, có người đồng sự của bạn tôi, là thư ký của lớp chúng tôi, chúng tôi thường qua lại, tôi học Phật, vợ của anh ta không dám đến chùa, không dám vào trong chánh điện, tôi hỏi cô ấy vì sao vậy? Cô ấy nói bản thân mình tạo nghiệp quá nặng, không dám gặp chư Phật Bồ tát, người tốt đấy, chẳng phải là người xấu đâu, biết được bản thân mình khởi tâm động niệm, hành vi bất thiện, biết được đấy, chẳng phải không có lương tâm, biết đấy, không dám. Điều này đối với pháp môn Tịnh độ, thì rất khó trong một đời đạt được lợi ích. Nghe thấy có thể tin, có thể lý giải, thì chính là bậc thượng căn mà trước đây chúng ta nói, chẳng phải là hạ căn đâu. Trong kinh Di Đà nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”. Có thể tin, có thể lý giải, có thể phát nguyện, có thể làm theo, đây chính là bậc thượng căn, ở đây nói chuyên tiếp thượng căn, là chỉ cho những người này.

Ở đây hiển thị điều gì? Hiển thị tánh đức, trong tự tánh có đầy đủ trí huệ đức năng là không thể nghĩ bàn. Vũ trụ vạn pháp là tự tánh sở hiện sở sanh, tự tánh năng sanh năng hiện, vạn đức vạn năng, chẳng hề nói việc này nó làm không được, trong kinh không hề nói như vậy. Đức Phật không độ người vô duyên, vô duyên nghĩa là họ không tiếp nhận, họ không thể y giáo phụng hành, nếu họ tiếp nhận, nếu họ y giáo phụng hành, thì chẳng có người nào là không được độ, trước đây chúng ta có học đến, ngũ nghịch thập ác, lâm mạng chung thời nhất niệm thập niệm đều được vãng sanh. Ngữ khí kiên định như thế, khiến chúng ta thấy rồi không còn chút nghi ngờ nào nữa, đó là tánh đức khởi dụng. Cho nên nhất định phải biết, lục tự hồng danh viên dung cụ đức. Vì sao vậy? Vì siêu tình ly kiến, đã nói ra ý nghĩa của câu này rồi, lục đạo phàm phu hữu tình chấp, Tứ thánh pháp giới không ly kiến. Bốn chữ siêu tình ly kiến, nghĩa là siêu việt Thập pháp giới, siêu tình là siêu việt lục đạo, siêu kiến là siêu việt Tứ thánh pháp giới. Cho nên cử thể, thể là tự tánh. Sự lý vô ngại, sự sự vô ngại, thế mới gọi là nhất chân pháp giới. Các vị nên biết rằng, nhất nghĩa là chân, nhị là vọng chẳng phải là chân, cho nên trong kinh điển Đại thừa Đức Phật nói rất nhiều, khởi tâm động niệm là vọng. Vì sao vậy? Vì khởi tâm động niệm là hai, vừa động là hai rồi. Đạo giáo cũng nói như vậy, nhất sanh nhị, nhị sanh tam, tam sanh vạn vật, cái này nói rất có vị đấy. Nhất là gì không nói rõ ràng, chỉ nói nhất, nhị là gì cũng không nói rõ ràng, nhị sanh tam, tam sanh vạn vật. Chúng ta đã học Hoa Nghiêm, đã học Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, rất rõ ràng, nhất là gì? Nhất là thể tự tánh thanh tịnh viên minh. Nhị là gì? Nhị là y chánh trang nghiêm. Tam là gì? Tam là thị tam biến, cũng có thể nói, tam là tam tế tướng của A Lại Da, thật sự tam sanh vạn vật. Những thánh triết của Đạo giáo này, đã khơi dạy cho chúng ta điểm khởi đầu, không nói kỹ, đạo Phật thì nói rất rõ ràng, hiển nhất thể là nhất, khởi nhị dụng là nhị, thị tam biến là tam, tam sanh vạn pháp. Tam biến trong Hoàn Nguyên Quán nói, bất luận là hiện tượng vật chất hay hiện tượng tinh thần, đều có đầy đủ ba loại châu biến. Thứ nhất là châu biến pháp giới, thứ hai là xuất sanh vô tận, biến hóa vô cùng, năng sanh vạn pháp. Thứ ba là hàm dung không hữu, đó là trong Hoàn Nguyên Quán nói. Y theo Đại thừa giáo nói, nhất là tự tánh, cũng gọi là pháp tánh, nhị là nhất niệm bất giác mà có vô minh. Vô minh ở đây là gì? Là A Lại Da thức, bạn xem, nhất chân nhất vọng, là nhị rồi, nhất là chân tâm, nhị là vọng tâm, vọng tâm xuất hiện rồi. Trong vọng tâm có ba đặc tánh, ba hiện tượng, nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng đồng thời hiện ra. Các nhà khoa học nói là năng lượng, tin tức, vật chất, nó năng sanh vạn pháp. Năng lượng là nghiệp tướng của A Lại da, cũng chính là chấn động, khoa học ngày nay nói là chấn động. Chuyển tướng là tin tức, cảnh giới tướng là vật chất, từ đây mà sanh khởi ra. Đây là nói về vũ trụ vạn pháp, nhân sinh là nói chính mình từ đâu mà có, đã nói rất rõ ràng minh bạch, vũ trụ từ đâu mà có. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ, vì sao lại có biến hóa, những biến hóa này đều là chuyển tướng, gọi là kiến phần, nó khởi tác dụng.  Ba loại châu biến trong Hoàn Nguyên Quán, đây là loại thứ hai, xuất sanh vô tận, câu này có nghĩa là biến đổi vô cùng. Vì sao nó biến? Bởi vì hữu tình chúng sanh có phân biệt, có chấp trước, cho nên tất cả tướng cảnh giới, cũng theo tâm niệm đó mà chuyển biến, cái lý là như vậy. Tâm niệm thanh tịnh thì biến thành Tịnh độ, tâm niệm không thanh tịnh thì biến thành uế độ, tâm niệm thiện biến cảnh giới thiện, ba đường thiện, tâm niệm bất thiện hiện ba đường ác, thiên biến vạn hóa. Đức Phật dạy chúng ta, chúng ta đừng cho đó là thật, tất cả đều là giả, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, không có cái gì là thật cả. Cho nên chư Phật Bồ tát sống cùng với lục đạo chúng sanh, vì sao lại sống cùng? Vì vốn là cùng nhau mà, chỉ là bản thân bạn không biết, bạn bị mê, chứ vốn là sống cùng nhau mà. Sống cùng nhau, chúng ta ở uế độ, các Ngài ở Tịnh độ. Vì sao vậy? Kỳ thật giáo lý Đại thừa chúng ta thường đọc, đọc cái gì đây? Trong cuộc sống bạn đã lãng quên mất, không dùng đến nó, tâm tịnh tắc Phật độ tịnh. Các Ngài giác ngộ rồi, tâm thanh tịnh, cho nên mặc dù sống cùng chúng ta nhưng các Ngài vẫn ở Tịnh độ, còn chúng ta thì sao? Tâm chúng ta bị nhiễm nên ở uế độ, tâm chúng ta thiện thì ở cõi trời, tâm bất thiện thì ở tam đồ. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, không rời một niệm ngay đây, đó hoàn toàn là những lời nói chân thật, bạn xem cảnh giới nào chẳng phải là cảnh giới Hoa Nghiêm! Bạn không tìm thấy chỗ nào ở ngoài Hoa Nghiêm đâu, tìm không thấy. Nói cách khác, cứu cánh viên mãn chính là cảnh giới Hoa Nghiêm, Vô Lượng Thọ chính là nòng cốt của cảnh giới Hoa Nghiêm, viên mãn thù thắng không gì sánh bằng, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Cho nên nhất chính là chân, khởi lên một niệm chính là vọng, nhất chân không còn nữa. Ai thấy được nhất chân? Ai sống ở nhất chân? Bồ tát Sơ trụ của Viên Giáo, Sơ địa trở lên của Biệt Giáo, thật ra là trùng điệp với chúng ta, chứ không hề tách rời.

/ 600