Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 40
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 15 tháng 05 năm 2010
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 42, dòng thứ hai từ dưới lên, chúng ta học từ câu thứ hai.
Hựu, Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới Kinh vân, Bồ tát liễu tri, chư Phật cập nhất thiết pháp giai duy tâm lượng, đắc tùy thuận nhẫn, hoặc nhập Sơ địa, xả thân tốc sanh diệu hỷ thế giới, Cực lạc Tịnh Phật độ trung.
Ngày hôm qua chúng ta học đến đoạn này, hết giờ nên không thể giảng giải kỹ được. Đoạn kinh ngắn này thôi nhưng rất quan trọng: Bồ tát liễu tri, liễu là hiểu rõ, tri là biết, chỗ này trong Phật pháp gọi là khai ngộ, nhưng mà ngộ có giải ngộ và chứng ngộ, giải ngộ thì có thể đạt được cảnh giới này, gọi là thâm nhập kinh tạng, trường thời huân tu. ở trong đây cũng có hai trường hợp, đều đạt được lợi ích. Hạng thứ nhất là đọc qua nhiều, bác học đa văn, thời đại hiện nay hạng người như thế rất nhiều, Phật giáo Đại thừa, Bát tông phái phổ biến xem qua, nhưng cần có thời gian, cũng cần phải có thầy hay hướng dẫn. Người này đối với cảnh giới của chư Phật Như Lai có thể hiểu được, đây thuộc về giải ngộ, bản thân không đạt được thọ dụng giống như pháp thân Bồ tát.
Phương thức thứ hai là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Hạng người này thời gian học một bộ kinh, tu tập một pháp môn rất dài, chắc chắn có thể được tam muội, tam muội thì hàng phục được phiền não, được tự tại, được khai trí huệ. Công phu tam muội sâu dày, thì hốt nhiên được đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đó là vị này chứng ngộ, hoàn toàn khác với cảnh giới giải ngộ. người này thật sự siêu việt lục đạo, siêu việt Thập pháp giới, được thọ dụng thật sự.
Hai hạng này đều có thể liễu tri, liễu tri điều gì? Chư Phật cập nhất thiết pháp giai duy tâm lượng. Ngày nay các nhà khoa học nói là lượng tử lực học, rất tương ưng với câu kinh văn này. Lượng tử là gì? Là một điểm ánh sáng cực kỳ vi tế, điểm ánh sáng này từ đâu mà có? Từ chấn động mà có, nó không phải là tĩnh, nó là động, giống như tia sáng, từng tia từng tia, tốc độ của nó rất nhanh. Một tia sáng chính là một hiện tượng lượng tử, cái này giống như một ý niệm nói trong kinh điển Đại thừa, ý niệm cực kỳ vi tế. Trong kinh Nhân Vương đức Phật có dạy rằng: Một khảy móng tay có 60 sát na, 1 trong 60 phần trong một khảy móng tay gọi là 1 sát na, một khảy móng tay có 60 sát na, trong một sát na có 900 sanh diệt. Nói cách khác, lượng tử thấy ánh sáng của tia sáng, một sát na có 900 lần ánh sáng, trong ánh sáng đó có hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất. Khi không mê thì hiện tượng tinh thần là kiến văn giác tri, khi mê thì gọi là thọ tưởng hành thức, thọ tưởng hành thức chính là kiến văn giác tri, mê ngộ bất tương đồng. Trong kiến văn giác tri, chẳng những không có phân biệt chấp trước, mà ngay cả khởi tâm động niệm cũng không có, trong tự tánh vốn sẵn có, không hề có sanh diệt. Khi mê, hiện tượng này gọi là A Lại Da, gọi là vọng tâm, có sanh diệt, thời gian sanh diệt rất ngắn, các nhà khoa học phát hiện được rồi. Chúng ta học đến đoạn Đức Thế Tôn đối thoại với Di Lặc Bồ tát, thì nói càng rõ hơn. Di Lặc Bồ tát nói một khảy móng tay, một khảy móng tay có 32 ức bá thiên niệm, Ngài không nói đến sát na, cũng không nói đến sanh diệt, một khảy móng tay 60 sát na, một khảy móng tay 900 sanh diệt, vẫn chưa gọi là nhiều, chưa nhiều bằng Di Lặc Bồ tát nói. Di Lặc Bồ tát nói một khảy móng tay có 32 ức bá thiên niệm, có nghĩa là chúng ta tính ra thì bằng 320 triệu, một khảy móng tay có 320 triệu niệm. Đó chính là điểm sáng mà trong lượng tử lực học thấy được, mỗi điểm sáng đều là độc lập, ánh sáng này diệt, ánh sáng kia sanh. Các nhà khoa học suy nghĩ cũng rất có lý, sau khi tia sáng phía trước diệt rồi, tia sáng phía sau lại tiếp tục, ở giữa nhất định có khoảng trống, vi tế hơn nữa thì ở giữa cũng vẫn còn có khoảng trống, không thể không có khoảng trống. Giống như thước phim của máy chụp hình vậy, khi đặt vào máy chiếu để mở ra, cũng là ống kính đóng mở, mở là sanh, đóng là diệt, giữa sự đóng mở của mỗi tấm hình, chắc chắn ở giữa có khoảng cách, nhưng mà cự ly của khoảng cách này quá ngắn, nhục nhãn của chúng ta không thể phân biệt kịp, thì nó đã tiêu mất rồi, nhưng chắc chắn là có. Cho nên tất cả đều là tâm hiện thức biến, Chư Phật Như Lai, tất cả vạn pháp. Chân tướng là gì? Chân tướng là tâm hiện thức biến. Hiểu rõ chân tướng sự thật này rồi, cho nên Bồ tát chứng được tùy thuận nhẫn. Nhẫn là gì? Nhẫn là định, nhẫn là tam muội, nhẫn là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Nhất thiết vạn pháp, vô lượng vô biên sát độ của chư Phật, Thập pháp giới y chánh trang nghiêm để trước mắt, mà không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, hơn nữa còn liễu liễu phân minh, giống như cái gì? Giống như chúng ta xem Ti vi vậy, những tiết mục trong Ti vi có phải là sát na sanh diệt hay không? Trong lượng tử lực học nói, nghĩa là ánh sáng cực kỳ vi tế sát na sanh diệt, hợp thành hiện tượng này, phải dùng lượng tử, chúng ta nói dùng khoa học cũng được, dùng ánh mắt lượng tử khoa học để xem Ti vi, nó chính là từng tia từng tia ánh sáng liên tục. Liên tục không thể gọi là tương tục, tương tục là trước và sau hoàn toàn tương đồng, còn ở đây mỗi điểm sáng đều không tương đồng, cho nên nó là tướng liên tục, chứ không phải là tướng tương tục. Tướng liên tục này, trên thực tế là không vô sở hữu, nó sanh diệt quá nhanh, hốt sanh hốt diệt, sanh diệt không ngừng, là hiện tượng như vậy. Cho nên trong hiện tượng này, giống như trong kinh Bát Nhã đức Thế Tôn đã nói, nhất thiết pháp, chư Phật Như Lai nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc, đó gọi là tùy thuận nhẫn. Người này ở trong tất cả pháp, nghĩa là trong tất cả mọi hiện tượng, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, được tùy thuận nhẫn. Đây là người chứng ngộ, chúng ta nói đó là pháp thân Bồ tát, vị này ở trong tất cả hiện tượng, đã có thái độ như thế, tuyệt đối chính xác. Chẳng phải vị này không thấy rõ, chẳng phải là không nghe rõ, mà thấy rõ ràng, nghe rõ ràng, gọi đó là Như Lai, người này chính là Như Lai, Ngài sanh trí huệ không sanh phiền não, không khởi tâm không động niệm, sanh trí huệ gì? Sanh căn bản trí. Trong kinh Bát Nhã nói, “Bát Nhã vô tri”, đó là căn bản trí, không khởi tâm không động niệm là căn bản trí. Khởi tác dụng là, có người đến thỉnh giáo với vị này, vị này giảng giải cho họ, đó là “vô sở bất tri”, Bát nhã vô tri, vô sở bất tri. Cho nên Ngài ứng hóa trong Thập pháp giới, khi đối diện với những kẻ phàm phu, thì Ngài vô sở bất tri, khi không đối diện với những kẻ phàm phu này thì Ngài là vô tri. Vô tri và vô sở bất tri là một chẳng phải hai, ý này rất sâu. Vô tri là gì vậy? Vô tri là ẩn, vô sở bất tri là hiển, ẩn hiện bất đồng. Khi đối mặt với chúng sanh là duyên, khi không còn duyên, thì ẩn không hiện nữa, khi gặp được duyên, thì từ chỗ ẩn hiển lộ ra, hiển lộ ra rồi thì vô sở bất tri. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp, không có một pháp nào ra khỏi tự tánh, cho nên người kiến tánh, đã khế nhập được cảnh giới này, mục đích học Phật cuối cùng không gì khác, ngoài việc dạy bạn minh tâm kiến tánh. Chư Phật Như Lai không hề có chút tơ hào tâm đố kỵ, không hề có mảy may tâm chướng ngại bạn, đều hy vọng bạn mau chóng quay trở lại tự tánh, những điều chúng ta chứng đắc hoàn toàn tương đồng. Trong chứng phần của Cổ Phật, chẳng có một chút gì tăng, ở chỗ người sơ chứng nhập cảnh giới, cũng không thiếu một tí nào, không tăng không giảm, không sanh không diệt, được Tùy thuận nhẫn. Tuy chúng ta chưa chứng được, ngày nay chúng ta từ trong thánh giáo của chư Phật Bồ tát, nghe rõ ràng, mà hiểu được, cho nên cần học chư Phật Bồ tát, trong tất cả mọi cảnh giới, chúng ta đều có thể tùy thuận. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta rằng: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Vì sao phải hằng thuận? Vì sao phải tùy hỷ? Vì biết được tất cả pháp vô sở bất tri, tất cánh không, bất khả đắc. Sự tùy thuận này của bạn là tự nhiên, thuật ngữ trong đạo Phật gọi là “pháp nhĩ như thị”, pháp vốn là như vậy mà. Tự tại tùy duyên. Tự tại từ trong tùy duyên mà thấy được, tùy duyên từ trong tự tại mà thấy được. Nói cách khác, không thể tùy duyên thì làm cách nào cũng không thể được tự tại, bị phiền não ràng buộc, người thật sự tự tại thì chắc chắn là tùy duyên. Từ chỗ này có thể quan sát người đó, ngộ nhập cảnh giới sâu cạn có khác nhau, có thể thấy được công phu tu chứng của vị này.