/ 600
1.295

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 38

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 13 tháng 05 năm 2010

Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu


Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 40, dòng thứ 6 từ dưới lên. Giờ chúng ta đọc một đoạn kinh văn.

Hành Quyển Kệ tiền, khai thị Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh chi cơ viết, kỳ cơ giả, tắc nhất thiết thiện ác đại tiểu phàm ngu dã. Hôm qua chúng ta học đến đoạn này, hôm nay coi đoạn kế tiếp: Đại sư chi thuyết, thượng khế thánh tâm, hạ hợp quần cơ, thật đại hữu công ư Tịnh độ, cố trung nhật chi sư đa tông thử thuyết.

Ở đây Hoàng Niệm Tổ lão cư sĩ cho chúng ta biết, những điều Thiện Đạo đại sư nói, phía trước đều là của Thiện Đạo đại sư nói, những lời này nói rất hay, dưới đây là những lời tán thán, “thượng khế thánh tâm”, chữ thánh ở đây chỉ cho chư Phật Như Lai. Sự thật chư Phật Như Lai nói bộ kinh này, giảng bộ kinh này, hoằng dương bộ kinh này, ý nghĩa thật sự của nó chính là phổ độ chúng sanh. “Hạ hợp quần cơ”, hợp có nghĩa là châu biến, trong đó bao gồm tất cả chúng sanh, thật sự là “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thu”. Đối với pháp môn Tịnh độ mà nói, không có ai chẳng khế hợp, không có ai chẳng phải là đương cơ, then chốt ở chỗ chúng sanh có chịu tin hay không, có chịu phát nguyện hay không mà thôi. Cho nên Thiện Đạo đại sư, và cách giảng nói của chư vị Tổ sư ngày xưa, cách nhìn không giống nhau, cách nhìn của Thiện Đạo đại sư, thật sự có công rất lớn đối với pháp môn Tịnh độ.

Cố trung nhật chư sư đa tông thử thuyết. Vào đời Tùy, Đường, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã phái rất nhiều các vị xuất gia đến Trung Quốc tham học, cho nên Tịnh độ tông lưu hành ở Nhật Bản và Hàn quốc, đa số đều tuân theo lời chỉ dạy của Thiện Đạo đại sư.

Dưới đây đưa ra một ví dụ: “Như Nhật Hợp Tán vân, cuốn Hợp Tán này do pháp sư Quán Triệt trước tác. “Đệ thập bát nguyên, thập phương chúng sanh, tam bối chúng sanh, giai thị cụ phược phàm phu, thị kỳ cơ dã.” Các vị cao tăng ở Nhật Bản, trong đệ thập bát nguyện, không nói đến Bồ tát, cũng không nói đến A La Hán, mà nói thập phương chúng sanh, tam bối chúng sanh. Tam bối này đều là phàm phu, là lục đạo phàm phu, khi lâm mạng chung, nhất niệm, thập niệm đều được vãng sanh.

“Hậu phục vân, như Nguyên Hiểu vân”, Nguyên Hiểu là chuyên tông tịnh độ của Hàn Quốc. “tứ thập bát đại nguyện, sơ tiên vi phàm phu, hậu kiêm vi tam thừa thánh nhân”. Nói cách khác, Đức Phật Di Đà nói kinh Vô Lượng Thọ, thập phương Như Lai tiếp nhận pháp môn này, phổ biến hoằng dương pháp môn này, mục đích là phổ độ kẻ phàm phu nghiệp chướng sâu dày. Tâm của đức Phật giống như tâm của cha mẹ vậy, cha mẹ đối với con cái, chư Phật đối với chúng sanh, tâm trạng như nhau. Không gì ngoài việc mong cho chúng sanh sớm có ngày thành Phật. Có thể thành Phật được chăng? Đáp án là khẳng định thành, không có một chút hoài nghi nào hết. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh vốn là Phật. Trong Đại thừa kinh giáo, chư Phật Bồ tát thường dạy chúng ta rằng: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Bạn vốn là Phật, chỉ cần ngay bây giờ trong tâm bạn nghĩ đến Phật, thì làm sao không thành Phật được? Cho nên phàm phu thành Phật ngay trong một niệm, thật sự nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Vấn đề ở chỗ bạn có chịu niệm hay không thôi? Bạn niệm cái gì thì nói biến ra cái đó. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, sát na sát na đều đang biến hóa, nó không phải là định pháp. Trong Đại thừa giáo đức Thế Tôn thường nói với chúng ta, đức Phật nói không có định pháp. Vì sao vậy? Vì cả vũ trụ này sát na sát na đều đang biến hóa, vốn là không có định pháp, cho nên Đức Phật giáo hóa chúng sanh cũng không có định pháp. Biến hóa từ đâu mà có? Người nào có thể chủ trì được sự biến hóa này? Trong Đại thừa kinh giáo Đức Phật thường dạy: “Nhất thiết pháp duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đó chẳng phải là đã nói rất rõ ràng hay sao? Vì sao lại có nhiều biến hóa như vậy? Tâm năng hiện năng sanh, những pháp sở hiện sở sanh này, nó sẽ sản sinh biến hóa, đó là thức khởi tác dụng. Thức là gì vậy? Thức là phân biệt, là chấp trước, thế bạn nên suy nghĩ, không cần nghĩ đến người khác, mà nghĩ về chính mình, sự phân biệt của chúng ta vô lượng vô biên, chấp trước của chúng ta cũng là vô lượng vô biên. Nhất thiết pháp sở sanh, nó không phải là định pháp, nó sát na sanh diệt, cho nên sát na tùy theo tâm niệm của chúng sanh, nó khởi lên sát na biến hóa. Dù là chư Phật Như Lai, hay Pháp thân Bồ tát ứng hóa ở trong lục đạo, giống như kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”, cho nên pháp của Phật nói cũng không có định pháp, tùy theo tất cả chúng sanh mà biến hóa. Đức Phật gọi là : “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, trong tùy thuận có bất biến, tùy thuận là biến. Sự phiền phức của phàm phu chúng ta chính là tùy theo chúng sanh mà biến hóa, tùy duyên tùy biến, đó là khổ, sự sáng suốt của chư Phật Bồ tát là tùy duyên bất biến, đó là các Ngài sáng suốt, duyên nào cũng có thể tùy, Thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều có thể tùy. Bất biến là gì? Bất biến, các ngài dùng chân tâm. Cái gì là chân tâm? Là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi, những cái này bất biến, vĩnh hằng bất biến. 10 chữ này chính là Đại Bồ Đề Tâm mà kinh giáo thường nói. Trong Tứ thánh pháp giới dùng cái tâm này, ở cõi nhân thiên, ở tam đồ, ở địa ngục vẫn là dùng cái tâm này. Y chánh trang nghiêm hàng ngày đều đang biến hóa, sát na biến hóa, Bồ đề tâm bất biến, phàm phu thì không được, phàm phu tùy duyên tùy biến, Thế nào là tùy biến? Là tùy theo cảnh giới bên ngoài, khởi lên thất tình ngũ dục, tham sân si mạn, thế nên biến đổi. Nên biết rằng, tùy duyên tùy biến là tạo nghiệp, tùy duyên bất biến thì không tạo nghiệp. Trong kinh Đức Phật miễn cưỡng gọi nó là tịnh nghiệp. Kỳ thật nếu như nói tạo tịnh nghiệp, là đối với Tứ thánh pháp giới trong Thập pháp giới mới gọi là tịnh nghiệp. Ở trong Thật Báo Độ, không có dấu vết, không có nhiễm tịnh, đó mới là sự khỏi dụng của tự tánh, không có gì chẳng gọi là tánh, đó là quả địa của Như Lai. Chúng ta học Phật thì phải học năng lực này, năng lực này trong Hoàn Nguyên Quán, chính là câu đầu tiên: “Tùy duyên diệu dụng”. Diệu dụng nghĩa là vĩnh hằng bất biến, không chấp tướng, chẳng những không chấp tướng mà thật sự dấu vết cũng không tìm thấy. Có thể nói là tự tánh khởi dụng, trong tự tánh hai đầu có không đều không có, nó không phải là vật chất, nó cũng chẳng phải là tinh thần, cho nên chỉ có thể lãnh ngộ, chứ không thể dùng ngôn ngữ, không nói được, ngôn ngữ đạo đoạn, diệu mà! Khi khởi tác dụng, “oai nghi hữu tắc”, cũng có nghĩa là hoàn toàn tùy thuận chúng sanh, ở trong tùy thuận khởi tác dụng, khởi lên tác dụng thích hợp nhất, tác dụng thù thắng nhất, tác dụng hoàn mỹ nhất, cũng không có định pháp. Chúng sanh tự tư tự lợi, còn nó khởi tác dụng là đại công vô tư, tương phản với bạn. Tâm hành của chúng sanh niệm niệm chấp trước tham sân si, nó thị hiện khởi tác dụng cho bạn, niệm niệm đều tuân thủ giới định huệ, giúp cho chúng sanh giác ngộ, giúp cho chúng sanh quay đầu. Quay về đâu? Quay về tự tánh, quay về tánh đức, đó chính là oai nghi hữu tắc, người này có nguyên tắc. Điểm chính xác của nguyên tắc này không có nhất định. Nhân con người, nhân sự việc, nhân thời, nhân địa, mà khởi biến hóa. Nó có một nguyên tắc bấn biến, chính là tuyệt đối lợi ích chúng sanh, chắc chắn là dẫn dắt chúng sanh hồi đầu thị ngạn, điều này là bất biến. Có tám vạn bốn ngàn pháp môn, Tịnh độ tông niệm Phật cũng là một pháp môn. Thái độ của chư Phật Bồ tát miên viễn là nhu hòa chất trực, cho nên các Ngài ở trước chúng sanh, đều khiến chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Người thiện thích Ngài, người ác cũng thích Ngài, không có ai ghét Ngài hết, điều này quá giỏi giang. Trời người hoan hỷ Ngài, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục cũng hoan hỷ Ngài. Làm người được như thế thật quá viên mãn, điều này chúng ta nên học, đó gọi là nhu hòa. Nhu là dịu dàng, hòa là hài hòa, tuy dịu dàng hài hòa, nhưng Ngài làm việc không do cảm tình, Ngài chất trực. Đầy đủ trí huệ, không hề có một chút hồ đồ. Câu cuối cùng rất ghê gớm: “Thay khổ cho chúng sanh”. Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế đã thị hiện chúng ta, suốt cuộc đời Ngài thật sự đã buông bỏ hết, ba y một bát, ngày ăn một bữa, nghỉ dưới gốc cây, giảng kinh thuyết pháp, chẳng có ngày nào Ngài ở không. Đó là thay khổ cho chúng sanh, suốt 49 năm cũng như một ngày. Chúng ta mở lịch sử ra, cả ngàn vạn năm, tìm đâu ra được một người thầy như thế? Tìm không ra người thứ hai. Đức Thế Tôn hy vọng rằng, đời đời kiếp kiếp, học trò của Ngài học theo gương Ngài, nên Ngài đã làm gương, học theo Ngài mới thật sự là một người đệ tử chân chánh, Ngài là khuôn mẫu của đệ tử Phật, Ngài đã làm được điều này. Cho nên làm nhà giáo dục thì đầu tiên phải giáo dục chính mình, bản thân không làm được, thì làm sao đi dạy người khác? Đó là chân lý.

/ 600