Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 36
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 11 tháng 05 năm 2010
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 38, hàng thứ 2 từ dưới lên, cũng chính là đoạn thứ 5, “sở bị căn khí”. Tiền minh bổn kinh quảng thu vạn loại, phổ bị tam căn. Chữ này không đọc là bị mà đọc là phi, chữ này gồm chữ bì và bộ thủ bên cạnh, có nghĩa là khoác trên mình. Cổ âm đọc là phi, phổ phi tam căn.
Kim đương cánh minh, vạn loại chi nội, như hà thị khí, tam căn chi trung, thùy thị đương cơ.
Đầu tiên trước đây nói về bộ kinh này, về pháp môn này, là tất cả căn tánh đều có thể hấp thụ được lợi ích, cho nên Tịnh độ tông thường nói, “tam căn phổ phi, lợi độn toàn thu”. Đây nói về sự rộng lớn của pháp môn, cũng là một sự dặn bảo, với vô số người bất đồng căn tánh, rốt cuộc là căn tánh như thế nào, là căn khí khế nhập pháp môn này nhất. Điều này chẳng thể không biết, dưới đây cho chúng ta biết.
“Phu căn khí hữu thị khí dữ phi khí chi biệt”. Khí ở đây là ví dụ, là đồ đựng, giống như ly uống trà. Ly uống trà, dùng cái này để ví dụ. “Thị khí” là đã hoàn thiện, có thể đựng nước. “Phi khí”, là cái ly này bị bể, dưới đáy ly bị nứt ra một đường, thì không còn là khí nữa, chúng ta đựng nước vào thì nước rò rỉ ra hết, đây gọi là phi khí. Dùng cái này để làm ví dụ, có nghĩa là người như thế nào thì có thể tiếp nhận được pháp môn này, người như thế nào thì không thể tiếp nhận được, tiếp nhân được là thị khí, không tiếp nhận được là phi khí.
“Phá lậu chi khí bất kham thừa thọ pháp lộ”. Pháp là Phật pháp, lộ là cam lồ, chính là cái hay nhất trong Phật pháp, vì đây cũng là một ví dụ, dùng người cõi trời, thức uống của cõi trời, cam lộ là thức uống tốt nhất. Nếu như đồ đựng bị nứt, đi đựng cam lồ, thì cam lồ sẽ bị chảy mất, cho nên những thứ không thể thọ nhận được cam lồ trong Phật pháp thì gọi là phi khí. Đó là giải thích sơ lược về ý nghĩa của danh tướng.
Dưới đây dẫn chứng lời Liên Trì Đại sư nói về tiền tam phi khí trong Sớ Sao. Ba hạng người trước đây không thể tiếp nhận được lời chỉ bảo của Tịnh tông. Thứ nhất là “vô tín”, người này không tin. Thứ hai là tuy có tin nhưng không phát nguyện cầu vãng sanh, người đó rất lưu luyến thế gian này, cảm thấy thế gian này rất đẹp, rất thú vị nên không muốn đi. Thứ ba là vô hạnh, tuy cũng muốn vãng sanh nhưng không chịu làm, không thể y giáo tu hành. Ba hạng người này chính là phi khí.
“Phản thị giai khí”. Còn như ngược lại thì là khí, người này tin được, nguyện được, làm được, người như thế quyết định được vãng sanh, bắt buộc phải đầy đủ ba điều kiện này. Có tín có nguyện, hạnh không rốt ráo, không chân thật làm, không làm được. Nếu như khi lâm chung gặp được thiện hữu, khi lâm chung có một điều kiện quan trọng, là đầu óc sáng suốt, nếu đầu óc không sáng suốt thì bó tay thôi, cho nên người già bị bệnh mất trí thì không có cách nào đâu. Suốt đời niệm Phật niệm đến cuối đời bị tình cảnh này, thì không thể nắm chắc được vãng sanh. Người già bị bệnh mất trí trong đạo Phật nói đó là oan thân trái chủ, là nghiệp chướng. Cho nên học Phật không thể không biết một số chân tướng sự thật này. Chúng ta còn sống một ngày, không nói đến năm, sống một ngày phải biết nỗ lực tiêu trừ nghiệp chướng, tiêu trừ một ngày nghiệp chướng, nhất định không kết oán thù với người. Phải học được ở đâu cũng chịu thiệt thòi, chịu thiệt thòi là có phước, chịu thiệt thòi thì bạn mới tiêu trừ được nghiệp chướng, không chịu thiệt thòi thì nghiệp chướng không tiêu được. Nếu như còn muốn chiếm một chút về mình, thì mỗi ngày bạn làm tăng trưởng nghiệp chướng, như thế hoàn toàn sai rồi. Ở thế gian này, tuy bạn được cả thế giới thì có nghĩa gì chứ, tạo tội nghiệp bao lớn. Giống như trong cuốn sách này có nói, thời đại đế quốc La Mã, đế vương Khải Tát phái đoàn quân, đến xâm lược Trung Quốc, mười mấy vạn người, vào thời đó hành quân đường bộ, đi 1 năm 2 tháng mới đến biên giới của Trung Quốc. Vất vả quá! Đi bộ đường dài như thế, đội quân đã mất đi một phần ba người rồi, người thì bị bệnh chết, người thì già yếu mà chết. Cho nên đến Trung Quốc còn chưa đến được Trung Nguyên, đến được Cam Túc, thì hình như chỉ còn lại hơn sáu ngàn người. Bạn nghĩ xem mười mấy vạn người, chỉ còn lại hơn sáu ngàn người, đánh mấy trận còn lại 600 người, cuối cùng còn lại 600 người. 600 người này sau khi đánh một trận với tướng quân của Trung Quốc thì còn lại 200 người, cuối cùng toàn bộ tự sát, hủy diệt hết toàn quân. Bạn nghĩ xem có ý nghĩa gì chứ, đó là do dục vọng của Khải Tát quá lớn, muốn chinh phục toàn thế giới, hơn 3 năm gần 4 năm, mười mấy vạn quân đều chết hết. Cho nên chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật của thế gian này, dù bạn có được cả thế giới này, thì bạn hưởng được phước mấy năm đây? Bạn đã tạo tội nghiệp nặng cỡ nào! Sau khi chết chắc chắn đọa vào địa ngục A Tỳ. Cho nên hiểu được chân tướng sự thật về nhân quả, thì bạn sẽ không khởi lên tâm niệm như vậy, tâm niệm này là tâm niệm bất thiện. Thật sự có duyên, có phước báo lớn gặp được Phật pháp, nguyện vọng lớn nhất khi gặp được Phật pháp, đời này làm Phật, bạn mới thật sự giải quyết được vấn đề. Phật là gì? Phật là người hiểu biết rõ ràng, bạn hiểu rõ ràng chân tướng sự thật về nhân sinh vũ trụ, không hề có tơ hào sai chạy, thì người này chính là Phật. Phật là người thông đạt rõ ràng, thật là xứng đáng, thật sự đạt được cứu cánh viên mãn. Cho nên Tín hạnh nguyện, là ba điều kiện quyết định tánh, cho việc tu tập pháp môn Tịnh độ. Phàm người có đầy đủ ba điều kiện này, đều là người học Tịnh tông, là những người học Tịnh tông mà được.