/ 600
1.107

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 35

Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư

Chuyển ngữ: Tử Hà

Biên tập: Bình Minh

Giảng ngày 10 tháng 05 năm 2010

Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu

 

  Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 37 hàng thứ tư từ dưới lên.

  Hựu bổn kinh đại tiểu nhị bổn, Tần dịch tiểu bổn, hữu nhất tâm bất loạn chi văn, kim thử đại bổn bất vân nhất tâm bất loạn, nhi chuyên chủ nhất hướng chuyên niệm, lưỡng giả tương giảo, tắc bổn kinh sở tông cánh vi minh xác, cánh khế chúng sanh căn cơ, di hiển Từ Tôn ân đức vô cực.

  Chúng ta đọc đến đây. Tam kinh nhất luận của Tịnh tông. Người xưa cũng thường gọi đó là kinh Vãng Sanh, chuyên giảng đến việc vãng sanh về thế giới Cực lạc. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà là một bộ, cho nên người xưa gọi kinh Vô Lượng Thọ là đại bổn, kinh Di Đà là tiểu bổn. Tiểu bổn có hai bản dịch, đại bổn có 12 bản dịch. Tần dịch, là đời Diêu Tần ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch, trong kinh có câu nhất tâm bất loạn, có câu này.

Kim thử đại bổn bất vân nhất tâm bất loạn, nhi chuyên chủ nhất hướng chuyên niệm. Nghĩa là câu này có sự khác biệt; Tiểu bổn là do ngài Huyền Trang đại sư phiên dịch vào đời Đường, Ngài dịch không phải là nhất tâm bất loạn, mà là nhất tâm hệ niệm, đây là nguyên văn trong kinh điển tiếng phạn, ý nghĩa của nguyên văn. Huyền Trang đại sư dùng trực dịch, Cưu Ma La Thập dùng ý dịch, Ngài không dịch chữ, mà dịch ý nghĩa trong kinh, cho nên chúng ta đọc bản dịch của Ngài La Thập, giống như văn chương của người Trung Quốc viết vậy, rất thích hợp với khẩu vị của người Trung Quốc. Kinh Di Đà lưu thông rất rộng rãi, bản dịch của ngài Huyền Trang, từ trước đến nay đều được bảo tồn trong Đại tạng kinh, không có ai đọc bản dịch của Ngài, bản dịch đó giống như văn chương của người ngoại quốc vậy, chúng ta đọc không thấy suôn sẻ.

Nhất tâm bất loạn, trên thực tế không dễ gì đạt được, cho nên rất nhiều người nhìn thấy nhất tâm bất loạn trong kinh, đều lắc đầu nói rằng không đạt được. Nhất tâm hệ niệm thì đại khái là không có vấn đề gì. Nhất tâm hệ niệm nghĩa là trong lòng mình thường nhớ đến, cái này thì dễ đạt được, nhất hướng chuyên niệm lại càng dễ đạt được, chỉ một phương hướng là thế giới Tây phương Cực lạc, chuyên niệm A Di Đà Phật, chuyện này lại càng dễ làm. Ngài La Thập dịch là nhất tâm bất loạn, có phải là Ngài đề cao cảnh giới hay không? Có lỗi lầm này hay chăng? Thật ra không có! Nếu bạn thật sự niệm đến công phu thành phiến, đó chính là nhất hướng chuyên niệm. Trong nhất hướng chuyên niệm cũng có tam bối cửu phẩm, nếu là thượng bối, chính là thượng tam phẩm. Lúc lâm chung khi Phật Di Đà đến tiếp dẫn, chắc chắn là Ngài phóng quang phổ chiếu trước, được phóng quang nên công phu của bạn nâng cao, cùng hướng thượng nâng cao, công phu thành phiến thì nâng cao đến nhất tâm bất loạn, trong nhất tâm bất loạn, vẫn còn có tam bối cửu phẩm, sự nhất tâm có tam bối cửu phẩm. Ở thế giới của chúng ta, phương tiện hữu dư độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ở đâu? Là Tứ thánh pháp giới trong Thập pháp giới, trong đó vẫn còn bốn đẳng cấp.  Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, Phật, bốn đẳng cấp, đều gọi là phương tiện hữu dư độ,  đều là sự nhất tâm bất loạn, cho nên sự sai biệt trong đây còn rất lớn, A La Hán đem so với Phật với Bồ tát đúng là còn cách xa nhiều lắm. Lý nhất tâm bất loạn là bình đẳng sanh về Thật báo trang nghiêm độ, công phu này lại càng khó hơn. Cho nên kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà so ra, tôn chỉ của kinh này chính là nguyên tắc hướng dẫn tu tập, thì càng rõ ràng, càng chính xác.

“Cánh khế chúng sanh căn cơ”, khiến cho tất cả chúng sanh thấy cuốn kinh này không sanh tâm hoài nghi, cảm thấy mình có thể tiếp nhận, có thể học tập theo được nên gọi là Di hiển, Từ tôn là Phật A Di Đà. Ân đức của Phật Di Đà đối với tất cả chúng sanh là vô cực.

Di Đà Yếu Giải vân: Nhược chấp trì danh hiệu vị đoạn kiến tư, tùy kỳ hoặc tán hoặc định, ư đồng cư độ, phân tam bối cửu phẩm.

 Tam bối cửu phẩm trong đồng cư độ.  Chấp trì danh hiệu nhưng kiến tư phiền não vẫn chưa đoạn. Trong công phu có tán, có định, đây là nói về tâm của bạn. Bạn dùng tâm tán loạn trì danh, có khả năng vãng sanh hay không? Có khả năng, không nhất định, then chốt là ở niệm cuối cùng, một niệm cuối cùng khi lâm chúng, là Phật A Di Đà, quyết định được vãng sanh, nguyện thứ 18, một niệm mười niệm đều được vãng sanh. Bởi vì một câu A Di Đà Phật đã khống chế được vọng tâm của bạn, vọng niệm của bạn biến thành A Di Đà Phật, then chốt là ở một niệm cuối cùng, bình thường thì không sao, nhưng sau cùng thì liên quan rất lớn. Được định là thật sự công phu đã thành phiến, công phu hàng ngày niệm Phật, thật sự có thể hàng phục được tập khí phiền não, kiến tư phiền não chưa đoạn, ở trong Phàm thánh đồng cư độ, phẩm vị đã cao rồi, ở đây nói rất rõ, tam bối cửu phẩm, tam bối thượng trung hạ, trong mỗi bối đều có tam phẩm thượng trung hạ. Đến Thật báo trang nghiêm độ, trong kinh luận của Tịnh tông không giảng, nhưng trong kinh Hoa Nghiêm thì giảng rất rõ ràng, 41 vị Pháp thân đại sĩ, có 41 cấp bậc, chúng ta được hiểu rõ ở trong hội Hoa Nghiêm, ở giai đoạn này không thể nói có, cũng chẳng thể nói không. Ở thế giới Tây phương Cực lạc, Thật Báo Trang Nghiêm Độ cũng có tam bối cửu phẩm, cũng giống như vậy, không thể nói là có, chẳng thể nói là không. Thế giới Cực lạc thù thắng không gì bằng, trên thực tế chính là nói về Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Bởi vì nó là Đồng Cư Tịnh Độ, trong Mười pháp giới của Thập phương thế giới chư Phật Như Lai,  thì lục đạo là uế độ, chẳng phải là tịnh độ, Tứ thánh pháp giới là tịnh độ. Ý muốn nói rằng tâm có tịnh uế, ở trong uế độ thì có thiện ác, trong tịnh độ thiện ác không còn, có thiện ác thì không thanh tịnh, nên không có thiện ác, trong lục đạo có thiện ác, cho nên trong đó có tam thiện đạo và tam ác đạo. Sự thật chân tướng của những cảnh giới này, chúng ta phải hiểu ràng, chúng ta nghĩ đến một nơi nào, đó là ý niệm, ý niệm quyết định sự thật, bạn thật sự muốn đi, thì cảnh giới đó sẽ hiện tiền. Vì sao vậy? Vì nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh, đó là sự thật, không hề sai chạy. Y chánh trang nghiêm của Thập pháp giới đều từ tâm tưởng sanh, duy thức sở biến, thức chính là tâm ý thức, thức là năng biến, cảnh giới là sở biến. Trong pháp Đại thừa hiện nay, giảng về nguyên tắc đạo lý này, các nhà khoa học thời cận đại, cũng đang dần dần hiểu ra. Hội trưởng Lăng tặng tôi một cuốn sách, đây là mật mã giảng về lời tiên đoán, tôi lật mấy trang và phát hiện ra, không ít các nhà khoa học thời cận đại, các nhà tiên tri, nói giống như trong đại thừa Phật giáo, chính là ý niệm làm chủ tất cả. Quả địa cầu này đang đi về hướng hủy hoại, có thể cứu được chăng? Đáp án là khẳng định được, chỉ cần chúng ta chuyển đổi ý niệm, mỗi người đều nghĩ đến hòa bình, thì sẽ có hòa bình, mỗi người đều nghĩ đến an định, thì an định sẽ hiện tiền. Trong đây nói rất hay, nhỏ là nói đến cơ thể của mình, tâm niệm của bạn đúng đắn, thì cơ thể của bạn sẽ khỏe mạnh, sẽ không bị bệnh, chúng ta có một ví dụ gần đây rất rõ ràng, Lưu Tố Vân cư sĩ ở Đông bắc Trung Quốc, 10 năm trước cô ấy bị bệnh hồng ban rất nặng, căn bệnh này quí vị đều biết, trầm trọng hơn ung thư nhiều, người mắc bệnh này, hầu như không còn khả năng để tồn tại, thuốc nam thuốc tây đều không thể chữa được. dùng thuốc thang để trợ duyên cho cô ấy, nhiều lắm cũng chỉ sống được 3 tháng, rất trầm trọng. Cô ấy chỉ có một ý niệm, ý niệm rất mãnh liệt, A Di Đà Phật. Lần này trước khi tôi đến Úc Châu, giảng kinh ở Hongkong, cô ấy đến Hongkong thăm tôi, nói cho tôi biết sự học tập của mình trong mấy năm nay. Tôi thấy, nền tảng của cô ấy rất vững, trong kinh nói thiện căn thâm hậu, đó là sự tu tập trong đời quá khứ tích lũy lại, tuy đời này cô ấy không tiếp xúc với Phật pháp, công phu tu học trong Phật pháp của cô ấy hoàn toàn hiện tiền. Thứ nhất là thành thật, suốt đời không lường gạt người, không có bất cứ chuyện gì giấu người khác. Nói cách khác, cô ấy không có gì riêng tư hết, trong ngoài nhất như, không biết đến danh, không màng đến lợi, cho nên không có khái niệm về vấn đề tiền bạc, cho đến bây giờ cũng như vậy. Cô ấy nói người ta cười cô ấy, bạn bè cười chê,  cô ấy không biết số, cô ấy đếm từ một đến hai thì được, từ ba trở đi thì mơ hồ, cô ấy còn làm quan của chánh phủ nữa, làm xứ trưởng của tỉnh Hắc Long Giang, tiền lương hàng tháng, cô ấy không biết là bao nhiêu, sau khi lãnh tiền lương, nhìn thấy những người đáng thương cô ấy liền bố thí, đều có thể giúp đỡ người khác, hỏi cô ấy một tháng được bao nhiêu tiền lương, cô ấy không biết, trong tâm của cô ấy không có những thứ này. Sau khi học Phật, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, một đời không vọng ngữ, thật sự buông bỏ hết danh văn lợi dưỡng, trước khi chưa học Phật cô ấy đã buông bỏ được, cho nên tâm cô ta thanh tịnh. Bị bệnh rồi, nên không thể đi làm được, ở nhà nghỉ ngơi. Cô ấy nói với tôi, mỗi ngày nghe kinh Vô Lượng Thọ 10 tiếng đồng hồ, ngoài việc nghe kinh là niệm Phật A Di Đà, cô ấy thâm tín không nghi ngờ, Phật A Di Đà chắc chắn sẽ chữa khỏi bệnh cho cô ấy, ý niệm chữa khỏi, cô ấy không còn nghĩ đến bệnh tật. bác sĩ nói với cô ấy, bệnh của cô rất nặng, có thể chết bất cứ lúc nào. Cô ấy nói với bác sĩ, không sao đâu, nếu như tôi chết, tôi rất vui mừng, tôi về thế giới Cực lạc, nơi đó là quê hương của tôi. bác sĩ cảm thấy rất ngạc nhiên, không hề sợ sệt, một chút lo sợ cũng không có, trở về quê mà, vô cùng vui mừng. Cô ấy nghe kinh nghe cách nào đây? Chắc là nghe bộ đĩa tôi giảng ở Singapore lúc trước. Lần đó tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ, tất cả giảng 1 tháng là xong, mỗi ngày giảng hai giờ, 60 giờ đồng hồ, mỗi đĩa là 1 giờ đồng hồ, mỗi ngày cô ấy nghe một đĩa, một đĩa nghe 10 lần, đây gọi là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, cho nên 2 tháng là nghe xong, nghe hết là 10 lần, 10 bộ, từ đầu đến cuối nghe 10 bộ, mỗi ngày nghe một đĩa, cho nên bây giờ cô ấy giảng, giảng rất là lưu loát. Khiến tôi nhớ đến người xưa nói rất hay, trong Học Ký có dạy rằng: “thất niên tiểu thành, cửu niên đại thành”, đây là học những điều hay của thánh hiền. Bạn học tập như vậy, học 7 năm, tiểu thành nghĩa là có thành tựu nho nhỏ, bạn có thể đảm nhiệm trợ giảng, 9 năm thì bạn có thể đảm nhiệm giáo thọ. Nhất môn thâm nhập, không có tạp niệm, cô ấy khế nhập rồi, chắc chắn có chỗ ngộ, cho nên cô ấy ở Thâm Quyến 2 ngày, mỗi ngày giảng 8 tiếng đồng hồ, 16 tiếng đồng hồ, không hề có dàn bài. Học kinh có khó không? Không khó! Trí huệ đức tướng là thứ vốn sẵn có trong tự tánh của bạn, chỉ cần trừ bỏ chướng ngại, thì nó sẽ hiện tiền. Chướng ngại là gì? Là phiền não, đức Phật thường nói, kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não. Trong kinh Hoa Nghiêm nói là; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ cần trừ bỏ được hết những thứ này là thành công thôi. Lưu Tố Vân nói với tôi, tôi tin rằng cô ấy nói thật, vì cô ấy không vọng ngữ. Bây giờ cô ấy sống trên thế gian này, giúp cho Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh, chính là công việc này, thân hành ngôn giáo. Nếu như trên thế gian này không còn người có duyên, thì bất cứ lúc nào Phật A Di Đà cũng tiếp dẫn tôi đi, thiệt đó, không hề sai trái. Tu tịnh độ nên lấy Phật tâm, tâm của Phật A Di Đà, cùng với tâm của mình phải tương ưng. Tâm là tâm của Phật, nguyện là nguyện của Phật, 48 nguyện, Phật A Di Đà phát 48 lời nguyện, tôi cũng phát 48 lời nguyện, tôi và Phật A Di Đà đồng nguyện, đồng tâm đồng nguyện, đồng đức đồng hạnh. Phật A Di Đà từ bi vô cùng, trong tâm ngài nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật. Như kinh Hoa Nghiêm nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, bây giờ nó bị mê, bất luận làm việc gì sai trái, tạo ngũ nghịch thập ác, trong ánh mắt của đức Phật thì người này vẫn là một vị Phật, có tâm niệm trách móc hay không? Không có! Có tâm niệm trách móc thì chính bản thân chúng ta đã đọa lạc vào cảnh giới phàm phu rồi, phàm phu có phiền não, có vọng tưởng phân biệt chấp trước, nên mới trách móc người khác, Phật Bồ tát đã đoạn tận những thứ này, cho nên Phật Bồ tát không trách móc những người tạo ngũ nghịch thập ác. Người tạo ngũ nghịch thập ác, khi lâm mạng chung, niệm Phật A Di Đà cầu sanh tịnh độ, thì vẫn được vãng sanh, vấn đề ở chỗ sợ người này không có đức tin, họ không chịu niệm, thì đành bó tay thôi, nghĩa là không có duyên rồi. Chúng ta vốn giống như đức Phật A Di Đà, cho nên cần phải học, đây chính là tu tập! Khi chưa hiểu biết, khi mê hoặc điên đảo, chúng ta sẽ trách móc chính mình, và chúng ta trách móc người khác, nhất là những người phỉ báng chúng ta, người sỉ nhục chúng ta, người bêu nhục chúng ta, người hãm hại chúng ta. Chúng ta có tâm oán hận hay không? Chắc chắn là có, chẳng những có oán hận, mà còn tìm cách để báo thù. Thế là đã gây nên oan oan tương báo không bao giờ chấm dứt. Sau khi giác ngộ, những cảnh giới này có hiện tiền, thì tâm địa vẫn thanh tịnh, không hề bị nhiễm trước, thản nhiên như không, đây chính là thật sự công phu, người đời gọi là tu dưỡng, thản nhiên như không. Vì sao người này có thể làm được thản nhiên như không vậy? Bởi vì người này hiểu được chân tướng sự thật. Chân tướng sự thật là gì? Trong kinh Bát Nhã nói, nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc. Nếu như bạn còn nhớ trong lòng là bạn đã sai rồi, bạn đã mê hoặc như người đó vậy, cho nên bạn mới khắc ghi trong lòng, khi bạn không bị phóng tâm đi thì hoàn toàn khác hẳn, người đó dùng tâm ý thức, còn bạn dùng Giới Định Huệ, thì làm sao giống nhau được. Người đó dùng vọng tâm, còn bạn dùng chân tâm, chân tâm là thanh tịnh bình đẳng giác, cho nên bạn mới hiểu được Phật Bồ tát, gọi đó là chân thiện, là chí thiện. Chẳng những không tìm thấy trong lục đạo, mà trong Tứ thánh pháp giới cũng không tìm thấy, vậy đi tìm ở đâu đây? Tìm ở nhất Chân pháp giới, tìm ở Thật báo trang nghiêm độ, họ ở Thật báo độ, thị hiện ở nhân gian, sống cùng với chúng ta, hòa quang đồng trần, nhưng trên thực tế thì họ vẫn sống ở Thật báo trang nghiêm độ. Phàm phu chúng ta ở trong lục đạo luân hồi, còn họ thì sống ở Thật báo trang nghiêm độ, tuyệt đối không phải là họ từ Thật báo trang nghiêm độ bị thoái lui về đây, không có chuyện đó. Vô lượng vô biên pháp giới là trùng điệp, một là tất cả, tất cả là một, đồng thời, đồng xứ, trùng điệp nhưng không chướng ngại nhau, đây là cảnh giới Thập Huyền Môn trong Hoa Nghiêm. Kinh Vô Lượng Thọ người xưa gọi là Trung Bổn Hoa Nghiêm, vì sao vậy? Vì kinh Vô Lượng Thọ có đầy đủ Thập Huyền Môn, mai mốt chúng ta sẽ học tới.

/ 600