/ 600
1.323

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 13

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Lộc và Huệ Trang

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, dòng cuối trang thứ mười hai, chúng ta xem từ câu thứ hai.

  “Duy lại thử phương tiện pháp môn, đản bằng tín nguyện trì danh, tiện năng công siêu lũy kiếp, vãng sanh Cực Lạc, kính đăng Bất Thoái” (Chỉ nhờ vào pháp môn phương tiện này, cậy vào tín nguyện trì danh, công liền vượt trỗi bao kiếp, vãng sanh Cực Lạc, nhanh chóng chứng lên Bất Thoái). Lần trước chúng ta học tập tới đây. Hôm nay chúng ta tiếp tục: “Nhược vô như thị vi diệu pháp môn, phàm phu hà năng độ thử sanh tử nghiệp hải, nhi đăng bỉ ngạn” (Nếu chẳng có pháp môn vi diệu như thế này, phàm phu làm sao có thể vượt qua biển nghiệp sanh tử này, lên được bờ kia). Đây là cụ Niệm Tổ cảm thán vô hạn, nhắc nhở chúng ta: Nếu không có pháp môn này, tức là pháp môn “tín nguyện trì danh, vãng sanh Tịnh Độ” này, có thể nói là chúng sanh đời Mạt Pháp sẽ chẳng một ai có thể vượt thoát sanh tử luân hồi trong một đời này. Vì sao nói như thế? Vì tám vạn bốn ngàn pháp môn đều phải tiêu nghiệp chướng, chẳng hề đới nghiệp. Lục đạo do Kiến Tư phiền não biến hiện; đoạn Kiến Tư phiền não thì luân hồi lục đạo chẳng còn nữa! Quả thật lục đạo giống như một cơn ác mộng; đoạn xong Kiến Tư phiền não sẽ tỉnh giấc mộng. Đó là như đức Phật thường nói trong kinh: “Hết thảy những gì có hình tướng đều hư vọng”, chẳng thật! Trong kinh Phật nói [điều này] rất nhiều, quý vị quan sát cẩn thận, sẽ thấy đúng như đức Phật đã nói, đức Phật dạy chẳng sai một tí nào! Chúng ta đã luân hồi trong thế gian này chẳng biết bao nhiêu lần, chẳng thể nói rõ được! Do tập khí quá nặng, thời gian quá dài, đức Phật đã giảng rất rõ ràng, rất minh bạch, chúng ta muốn đoạn nhưng chẳng thể đoạn được. Kiến giải sai lầm, chấp trước nhục thân này là chính mình, luôn vì thân thể này, tuy thân thể chẳng phải là ta, mà vì nó bèn tự tư tự lợi, mưu cầu tiếng tăm, lợi dưỡng. Quý vị thấy: Vì ba tấc lưỡi chẳng nát thường muốn nếm ngũ vị, quý vị nói xem ta đã vì nó mà tạo bao nhiêu tội nghiệp? Ăn thứ này thứ nọ, nuốt qua khỏi cổ họng sẽ chẳng còn mùi vị gì nữa, chẳng nhận biết nữa, nhưng do ba tấc lưỡi tham đắm vị ngon, cả đời này đã tạo bao nhiêu nghiệp? Thân này không phải là ta, mấy ai giác ngộ? Thân thể này là huyễn tướng, là công cụ; khi mê công cụ này tạo nghiệp; lúc giác ngộ nó bèn tu tập, tích lũy công đức. Chúng ta phải khéo lợi dụng công cụ này, đừng để nó tạo tội nghiệp, phải dùng nó để giúp chúng ta hóa giải oán nghiệp, tiêu trừ chướng ngại, như vậy là đúng!

  Các tổ sư đại đức trong Phật môn chỉ dạy chúng ta hãy “tá giả tu chân” (nhờ vào cái giả để tu cái thật), thân thể này là giả, nhờ vào nó để tu chân. “Chân” là chân tánh; chân tánh bất sanh bất diệt, đấy mới là chính mình. Do vậy, nói chung, phải nhận biết rõ ràng. Nếu không nhận biết rõ ràng, sẽ mê hoặc. Chỗ tốt đẹp trong môn này là đới nghiệp vãng sanh, có thể mang theo tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp tới nay đi vãng sanh, nhưng có điều kiện: Mang theo nghiệp quá khứ, chẳng mang theo nghiệp hiện hành; [tức là chỉ] có thể mang theo tội nghiệp đã tạo trong quá khứ. Quá khứ là gì? Những gì đã tạo trong ngày hôm qua đều là quá khứ, có thể mang theo được, nhưng nếu lại tạo tác trong ngày hôm nay, sẽ không thể vãng sanh. Chúng ta mong cầu vãng sanh, tội nghiệp đã tạo trong ngày hôm qua có thể sám hối, hôm nay ta sửa lỗi, đổi mới, ngày hôm nay niệm Phật có thể vãng sanh hay không? Chắc chắn có thể vãng sanh. Trong trường hợp nào sẽ chẳng thể vãng sanh? Ngày hôm nay vẫn tạo [tội lỗi] thì chẳng có cách nào cả! Quý vị thấy pháp môn này thù thắng lắm! [Nghiệp chướng trong] ngày hôm qua đều có thể mang đi; chỉ sợ lúc lâm chung vẫn tạo nghiệp! Nếu như vậy thì chẳng có một tí ti biện pháp nào! Tạo nghiệp gì vậy? Trong hơi thở cuối cùng, vẫn còn ý niệm tư lợi, còn có ý niệm tiếng tăm, lợi dưỡng, còn có ý niệm thấy có kẻ nào xử tệ với ta, ta vẫn chưa báo thù. Khi những ý niệm ấy khởi lên, sẽ không thể vãng sanh. Đối với người nhà, quyến thuộc thì tham ái, đối với chính mình thì do có lắm của cải, niệm niệm chẳng buông bỏ, như vậy là không được rồi! Đều phải bỏ sạch sành sanh, chẳng nhiễm mảy trần, một tí vướng mắc cũng chẳng có, lúc ấy mới có thể vãng sanh. Mấu chốt là một niệm cuối cùng. Do duyên này quá thù thắng, mà cũng quá khó có, Phật, Tổ dạy chúng ta mỗi ngày đều phải nghĩ đến vãng sanh. Nói cách khác, mỗi ngày đều phải nghĩ buông xuống, triệt để buông xuống, chẳng lưu luyến bất cứ thứ gì. Mỗi ngày đều suy niệm như thế. Ngày hôm nay đức Phật đến tiếp dẫn, ta lập tức ra đi, vướng mắc gì cũng chẳng có, như thế thì quý vị sẽ thật sự vãng sanh. Quý vị chẳng thể nói: “A Di Đà Phật hãy chờ con, con còn có chuyện chưa lo liệu xong xuôi!” A Di Đà Phật chẳng chờ quý vị, Ngài lại đi mất, quý vị đã bỏ lỡ cơ hội. Vì thế, pháp môn này thật là vi diệu.

/ 600