/ 600
1.728

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 14

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Lộc và Huệ Trang


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống! Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang thứ mười ba, dòng thứ hai đếm từ dưới lên, chúng ta xem từ chỗ này.

“Đản Niệm Phật pháp môn, đồng ư Mật pháp, thị Tha Lực Môn, thuộc ư Quả giáo. Hành nhân phát tâm niệm Phật, trượng Di Đà bổn nguyện nhiếp thọ, oai thần gia bị, hộ trì hành giả, ma bất năng nhiễu” (Nhưng pháp môn Niệm Phật cùng với Mật pháp là Tha Lực Môn, thuộc về Quả giáo. Hành nhân phát tâm niệm Phật, nương vào bổn nguyện và oai thần của Phật Di Đà gia bị, hộ trì hành giả, ma chẳng thể quấy nhiễu). Cụ Niệm Tổ bảo: Pháp môn này và Mật Tông rất giống nhau, thuộc loại Quả giáo, thuộc loại Tha Lực Môn, nhất định phải được Phật gia trì. Tám vạn bốn ngàn pháp môn có được đức Phật gia trì hay không? Có chứ! Chẳng thể nói không có gia trì, đều có gia trì; nhưng pháp môn này được Phật gia trì đặc biệt thù thắng, khác hẳn những pháp môn thông thường! Vì thế, cổ đại đức gọi pháp môn này là “môn dư đại đạo”, những pháp môn kia là tám vạn bốn ngàn pháp môn, [pháp môn này] chính là một hành môn đặc biệt ở ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn, nên gọi là “môn dư đại đạo”; quả thật nó giống như Mật pháp. Lần trước, tôi đã thưa với quý vị, Phật pháp thật sự là vô lượng pháp môn, do căn tánh của hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới khác biệt, nhằm thích ứng hết thảy chúng sanh, đức Phật lập ra vô lượng pháp môn làm phương tiện tiếp dẫn; nhưng hết thảy các pháp môn tới cuối cùng chỉ còn ba môn là “giác, chánh, tịnh”; trong lần trước tôi đã thưa với quý vị, ba môn này cũng gọi là Tam Bảo. Quý vị thấy học Phật, nhập môn bèn trước hết truyền trao Tam Quy, Tam Quy có ý nghĩa gì? Tức là truyền trao cho quý vị ba cửa ngõ để nhập Phật môn. Đối với ba môn ấy, từ bất cứ môn nào để tiến vào đều như nhau, tiến vào bằng cửa ngõ khác nhau, nhưng đã vào trong thì đều giống như nhau. Ví như một căn nhà có ba cửa, bất luận từ cửa nào tiến vào cũng đều chẳng khác nhau, đó là “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”.

Nhưng ba môn này, đích xác có tiêu chuẩn khác nhau. Giác môn dành cho người thượng thượng căn. Trong tám tông phái Đại Thừa của Trung Quốc, chỉ có Thiền Tông và Tánh Tông thuộc hành môn này. Môn này được gọi là “nhất bộ đăng thiên” (một bước lên trời), là Đốn Giáo, chẳng phải Tiệm Giáo. Nó là Đốn Giáo, đốn xả, đốn chứng, đốn siêu. Quý vị thấy người ấy (người tu tập hành môn này) có năng lực buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống cùng một lúc, buông xuống đồng thời. Điều này nói dễ, làm chẳng dễ! Hễ buông xuống sẽ thành Phật. Do vậy, nói theo lý luận, phàm phu thành Phật tốn bao nhiêu thời gian? Một niệm! Phàm phu chúng ta nghĩ không ra “một niệm” này, một niệm là gì vậy? Một niệm chừng bao lâu? Một sát-na? Không phải vậy! Chẳng phải là một sát-na, nó còn ngắn hơn một sát-na. Di Lặc Bồ Tát giảng: Trong một khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm; “một niệm” là như vậy đó. Nay chúng ta tính toán bằng giây, trong một giây, đại khái là khảy thật nhanh, có người khảy nhanh hơn ta, ắt phải trong một giây có thể khảy năm lần, thường thì ta khảy bốn lần! Nếu là bốn lần, trong một giây có bao nhiêu niệm? Có một ngàn hai trăm tám mươi triệu; nếu khảy năm lần, sẽ là một ngàn sáu trăm triệu. Quý vị nói có phải là niệm quá vi tế hay chăng? Chúng ta chẳng có cách nào, chẳng có cách gì nghĩ tưởng, do khi vừa mới nghĩ tới, đã có bao nhiêu niệm khởi lên? Tuyệt đối chẳng phải là một niệm, chữ “nhất niệm” chỉ điều này!

Đoạn được nhất niệm ấy, liền thành Phật; vì vậy, vẫn phải dùng tỷ dụ để nói. Thí dụ như trong hiện tại, chúng ta quen thuộc nhất, có ấn tượng sâu đậm nhất chính là điện ảnh. Hiện tại, điện ảnh dùng [kỹ thuật] “số mã” (digitalized), lại khác hẳn, trước đây dùng phim nhựa. Dùng phim nhựa thì mỗi tấm phim là một tấm ảnh có thể chiếu sáng, từng tấm phim một. Phim được quay bằng máy quay phim tạo thành dương bản (postive film, chánh phiến), cuộn phim gồm nhiều bức hình chụp liên tiếp. Bỏ vào máy chiếu phim, mở máy chiếu phim lên, tấm phim này [trong cuộn phim] được rọi lên màn bạc, ống kính [của máy chiếu phim] đóng lại rồi lại mở ra để chiếu tấm kế tiếp, tức là đổi sang tấm khác, trong một giây thay đổi hai mươi bốn tấm [khác nhau], khiến mắt chúng ta bị lừa, chúng ta thấy phim ảnh giống như thật. Thật ra, những hình ảnh ấy chẳng thật, từng tấm khác nhau, đó là một thứ “tương tự tương tục tướng” (hình tướng gần như tồn tại liên tục), “tương tự”, tuyệt đối chẳng phải là tương đồng! Ở đây, chúng ta có một bộ phim, một giây là hai mươi bốn tấm, mỗi tấm khác nhau, chẳng có tấm nào giống nhau. Nay chúng ta dùng chuyện này làm tỷ dụ, trong điện ảnh là một giây [máy chiếu phim chiếu qua] hai mươi bốn tấm; đức Phật bảo trong vũ trụ này, trong một giây, vũ trụ chiếu bao nhiêu tấm? Tôi vừa mới nói đấy thôi, nếu một giây khảy ngón tay bốn lần, sẽ là một ngàn hai trăm tám mươi triệu, chúng ta làm sao biết hình tượng được hiện là giả? Ai thấy được? Kinh thường nói Bát Địa Bồ Tát do công phu định lực sẽ trông thấy. Nếu nói một giây khảy ngón tay năm lần thì sẽ là một ngàn sáu trăm triệu. [Do vậy, tướng được biến hiện trong vũ trụ là] giả, chẳng thật! Khi đã đoạn được niệm, quý vị sẽ thấy Thật Tướng của vũ trụ, thứ gì cũng đều không có. Thứ gì cũng chẳng có, sẽ xuất hiện điều gì? Cái hiện ra sẽ được gọi là Thường Tịch Quang, đây là tầng cấp cao nhất trong Tịnh Độ. Trong Thường Tịch Quang, không có hiện tượng vật chất, mà cũng không có hiện tượng tinh thần, nhưng quý vị chẳng thể nói là nó không có!

/ 600