/ 600
1.483

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 12

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Lộc và Huệ Trang

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười hai, dòng thứ nhất. “Ất, tam căn phổ bị, thánh phàm tề thâu” (tiểu đoạn thứ hai là thích hợp khắp ba căn, thâu gồm thánh lẫn phàm). Chúng ta xem đoạn này, đây là đoạn thứ hai của phần Giáo Khởi Nhân Duyên.

  “Phù chúng sanh căn khí thiên sai vạn biệt, Thế Tôn cố thuyết bát vạn tứ thiên pháp môn quảng ứng quần cơ” (Chúng sanh căn khí ngàn muôn sai khác; do vậy, đức Thế Tôn nói tám vạn bốn ngàn pháp môn để thích ứng rộng rãi các căn cơ). Vừa mở đầu đã bảo chúng ta: Đức Phật thuyết pháp chẳng lìa Nhị Đế: Chân Đế là cảnh giới đức Phật đích thân chứng đắc, Tục Đế là do căn tánh của chúng sanh trong mười pháp giới khác nhau. Do vậy, Chân Đế là Nhất Phật thừa, Tục Đế có tám vạn bốn ngàn pháp môn. “Tám vạn bốn ngàn” cũng chẳng phải là một con số cố định, mà để hình dung rất nhiều, vô lượng vô biên pháp môn nhằm thích ứng các thứ căn cơ sai khác trong thế gian. “Hoa Nghiêm Viên Giáo, chuyên tiếp thượng thượng căn nhân” (Hoa Nghiêm là Viên Giáo, chuyên tiếp độ bậc thượng thượng căn): Bộ kinh Hoa Nghiêm giảng thật nhiều, thích ứng với căn cơ của chúng sanh, chứ không phải là chẳng hề thích ứng. Tuy ứng theo căn cơ để thuyết pháp, nhưng [kinh ấy] vẫn quy về tự tánh y như cũ. Vì thế, đối tượng giáo học của kinh ấy là bậc thượng thượng căn. Chúng ta cũng biết bộ kinh ấy do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng đầu tiên sau khi kiến tánh, giảng trong Định; vì thế, người Tiểu Thừa chẳng thừa nhận. Người Tiểu Thừa chỉ thừa nhận Tứ A Hàm[1] giảng ở Lộc Dã Uyển (Mrigadava, Sārnātha), chứ [đức Phật giảng trong] Định đâu có ai thấy! Trong Định giảng cho ai? Cho bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, các vị ấy là thính chúng, cũng là từ Sơ Trụ trở lên như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: Thập Trụ Bồ Tát, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, giảng cho bốn mươi mốt địa vị, họ đều là Phật, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Do vậy, đức Thế Tôn và chư Phật Như Lai đã nêu ra báo cáo. Giống như vào đời Đường, Lục Tổ Huệ Năng sau khi khai ngộ, đã hướng về hòa thượng Ngũ Tổ Nhẫn thưa bày, Ngài thưa trình rất đơn giản, chỉ có năm câu, còn Thích Ca Mâu Ni Phật báo cáo rất tỉ mỉ, nhưng cảnh giới hoàn toàn bình đẳng, chẳng có cao thấp.

  Cảnh giới khai ngộ của Thích Ca và cảnh giới khai ngộ của Lục Tổ như nhau, sau khi khai ngộ, thật sự thích ứng rộng rãi mọi căn cơ, nên dùng thân gì để độ bèn hiện thân ấy. Phật Thích Ca ở Ấn Độ, căn tánh nơi ấy là căn tánh Phật, cho nên phải dùng thân Phật hòng [làm cho kẻ hữu duyên] đắc độ, Thích Ca Mâu Ni Phật bèn hiện thân Phật. Huệ Năng đại sư tại Trung Quốc, đối tượng thuyết pháp tại Trung Quốc thuở ấy là tỳ-kheo, đáng nên dùng thân tỳ-kheo để độ, liền hiện thân tỳ-kheo mà thuyết pháp. Nói theo ba mươi hai ứng thân[2] của Quán Thế Âm Bồ Tát, bất luận hiện thân gì cũng đều bình đẳng. Ngài là một vị Phật thật sự, chẳng phải là Phật giả. Đối tượng tiếp dẫn [của Lục Tổ] là bậc thượng thượng căn, [thính chúng nếu] chẳng phải là bậc thượng thượng căn sẽ chẳng có phần. Từ Đàn Kinh chúng ta thấy: Huệ Năng đại sư trong một đời độ được bao nhiêu người? Bốn mươi ba người. Cũng có nghĩa là trong hội của Ngài, bốn mươi ba người đại triệt đại ngộ, có cảnh giới bình đẳng với Ngài. Đây là chuyện không tiền tuyệt hậu trong lịch sử Trung Quốc, trước Lục Tổ không có tình huống hưng thịnh như thế, mà sau Lục Tổ cũng chẳng thấy tình huống hưng thịnh ấy. Từ nay về sau, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật hãy còn chín ngàn năm nữa, có chuyện như vậy trong thời kỳ Mạt Pháp hay không? Không có! Trước kia, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ bảo tôi: Từ nay về sau, trong Thiền Tông chẳng còn bậc đại triệt đại ngộ, không còn có người căn tánh như thế! Trong Mật Tông, “tam mật tương ứng, tức thân thành Phật” cũng không có, chỉ có niệm Phật vãng sanh, thân cận A Di Đà Phật là hạng người đắc độ. Chỉ có pháp môn này thích hợp khắp ba căn, gồm thâu phàm lẫn thánh, mãi cho đến khi Phật pháp trong thế gian này bị tiêu diệt, cũng có nghĩa là nói [cho tới] khi pháp vận một vạn hai ngàn năm của đức Thế Tôn chấm dứt, pháp môn này luôn luôn hữu hiệu. Nói cách khác, từ nay về sau, chúng ta có thể đắc độ chỉ do một môn này; trừ một môn này ra, đúng là khó lắm, thật sự chẳng dễ dàng!

/ 600