/ 600
1.128

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 11

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Lộc và Huệ Trang

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ mười, hàng thứ năm, chúng ta xem từ câu thứ hai: “Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh”, bắt đầu xem từ chỗ này. Chúng ta hãy đọc kinh văn.

  “Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh (tức A Di Đà kinh Đường dịch bổn) vân” (Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh (tức kinh A Di Đà, bản dịch đời Đường) đã nói). Trong kinh văn có một câu như thế này: “Ngã quán như thị lợi ích an lạc đại sự nhân duyên, thuyết thành đế ngữ” (ta thấy đại sự an lạc lợi ích như thế, nói lời đúng thật). Trong câu nói này, “ta” là Thích Ca Mâu Ni Phật [tự xưng]. Chúng ta biết bộ kinh Phật Thuyết A Di Đà Kinh giống như thường lệ, trong một đời, đức Thế Tôn chỉ giảng một lần, chẳng giảng lần thứ hai. Hiện thời, trong Đại Tạng Kinh, kinh này có hai bản dịch, một là do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch, dịch theo ý, [tức là] chẳng phải là trực dịch (dịch theo sát nguyên văn từng chữ trong nguyên bản), mà hoàn toàn dịch theo đại ý của kinh; [bản dịch của] Huyền Trang đại sư là trực dịch, tức là căn cứ theo văn tự của kinh điển bằng tiếng Phạn để phiên dịch. Nói như vậy, Huyền Trang đại sư dịch khá sát, trung thành với nguyên văn, La Thập đại sư dịch theo ý nghĩa, không chiếu theo văn tự. Trong cái nhìn của người Trung Quốc, bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư giống như văn chương do người Trung Quốc viết, rất hợp với khẩu vị của chúng ta, cho nên được lưu truyền rất rộng; bản của Huyền Trang đại sư tuy là trực dịch, giữ nguyên diện mạo của nguyên văn, nhưng chúng ta không ưa thích lắm, nên bản này chẳng được lưu thông, chỉ được lưu giữ trong Đại Tạng Kinh.

Đức Phật nói lời ấy, Ngài thấy “đại sự lợi ích an lạc như thế”, tức là thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật phổ độ chúng sanh trọn khắp pháp giới hư không giới, chẳng giống các cõi Phật thông thường, cõi của A Di Đà Phật dạy người ta thành Phật trong một đời; vì thế, [kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ] chẳng khác gì Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Nhất Thừa giáo. Cái gọi là Nhất Thừa giáo đã được giảng rất rõ ràng trong phần trước, giáo pháp ấy giảng về lý luận và phương pháp thành Phật trong một đời. Phật Thuyết A Di Đà Kinh cũng dạy người ta thành Phật trong một đời, đấy là ưu điểm, ở đây bảo là: “Lợi ích an lạc như thế”. Ưu điểm là phù hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn hạ căn, kẻ hạ hạ căn cũng có thể thành Phật trong một đời, chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, kinh này [được nói ra] vì cùng một đại sự nhân duyên như Hoa Nghiêm và Pháp Hoa.

  Mục tiêu tu học của hết thảy các kinh Đại Thừa là Bồ Tát, mục tiêu tu học của kinh Tiểu Thừa là A La Hán. Điều này giống như trong nhà trường trên thế gian hiện thời họ mở trường Trung Học, khi [học sinh] tốt nghiệp sẽ là tốt nghiệp Trung Học; còn khi tốt nghiệp Đại Học thì là sinh viên Đại Học, có thể đạt được học vị Học Sĩ (Cử Nhân), khác hẳn! Mỗi trường học khác nhau. Nhà trường của A Di Đà Phật rất lạ lùng! Chúng tôi thường nghĩ đây là một ngôi trường “trọn gói”[1], quý vị vào trường ấy học, chỉ có lên lớp, không bị ở lại lớp, mà cũng không bị đuổi xuống lớp dưới, tuy thời gian dài hay ngắn khác nhau, nhưng chắc chắn thành Phật trong một đời, Ngài bảo đảm cho quý vị. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa giống như nghiên cứu sở (graduate school), còn trường của A Di Đà Phật là từ Tiểu Học cho đến nghiên cứu sở, là một loại trường học như vậy đó! Điều này giống như Liên Trì đại sư đã viết trong Di Đà Sớ Sao: “Kim đản nhất tâm trì danh, tức đắc Bất Thoái” (Nay chỉ nhất tâm trì danh, liền đắc Bất Thoái). Bất Thoái là Vãng Sanh Kinh của Tịnh Tông. Từ ngữ Vãng Sanh Kinh nhằm chỉ Tịnh Độ “ngũ kinh nhất luận” trong hiện tại, những kinh luận này đều nhằm dạy con người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều nói “viên chứng ba món Bất Thoái”, đây là pháp khó tin. Đối với ba thứ Bất Thoái, Tiểu Thừa chứng đắc Vị Bất Thoái, Đại Thừa Bồ Tát chứng đắc Hạnh Bất Thoái, đạt đến Pháp Thân Bồ Tát mới chứng đắc Niệm Bất Thoái. Từ bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên mới chứng đắc Niệm Bất Thoái, hoặc ba thứ Bất Thoái, nhưng chưa đạt đến viên mãn, chưa thể bảo là “viên”. Chứng đắc viên mãn ba món Bất Thoái là ai? Từ Thất Địa trở lên, quý vị thấy địa vị rất cao, A Duy Việt Trí Bồ Tát đấy nhé!

/ 600