/ 600
1.250

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 10

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ tám, đọc từ câu cuối cùng nơi dòng thứ sáu trong trang thứ tám.

“Thị cố, Niệm Tổ cảm ân đồ báo, phát vô thượng tâm, kính chú thử kinh, tục Phật huệ mạng” (Vì thế, Niệm Tổ cảm ơn, mong báo đáp, phát tâm vô thượng, kính cẩn chú giải kinh này nhằm duy trì huệ mạng của Phật), lần trước, chúng ta đã học đến chỗ này. Đoạn trước là phần thưa bày [tâm nguyện], mấy câu cuối cùng của cụ nhằm hồi hướng, vừa cảm ân vừa hồi hướng. Chúng ta sau khi đọc, cũng phải biết cảm ơn, có biết ơn mới có thể cảm ơn. Nếu chẳng biết ân đức, tâm báo ân chẳng thể sanh khởi. Đặc biệt là chúng ta sanh nhằm thời đại này, gặp nhiều khổ nạn rất ít thấy [xảy ra] trong lịch sử, cũng có thể nói là: Không chỉ chưa thấy, mà cũng chưa từng nghe nói đến! Nguyên nhân vô cùng phức tạp, như trong kinh Phật đã nói là “vô lượng nhân duyên”. Chắc chắn không thể oán trời hờn người, nói chung là do nghiệp lực của chính mình cảm vời. Sống trong hoàn cảnh khổ nạn, chúng ta cũng phải cảm thấy may mắn, vì chúng ta biết dùng thân người để nghe Phật pháp, có thể nghe kinh Hoa Nghiêm và Tịnh Độ, đó là đã gặp gỡ nhân duyên hy hữu khôn sánh! Được gặp gỡ, chúng ta đều phải sanh tâm cảm ơn. Tịnh Tông chúng ta có thể gặp được bản hội tập này của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, là bản tiêu chuẩn của Tịnh Tông; chúng ta có thể tin tưởng là trong chín ngàn năm về sau này, có nhiều người sẽ nhờ bộ kinh này mà đắc độ. Lại gặp lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ vâng lãnh lời phó chúc của thầy, chú giải cặn kẽ kinh này. Chúng ta biết khi cụ viết chú giải, thứ nhất là tuổi tác đã già, thứ hai là thân thể lắm bệnh. Trong tình trạng ấy, cụ chẳng nề hà nhọc nhằn, cay đắng, hoàn thành công tác gian nan, to lớn, vô cùng khó khăn này! Tôi không chỉ là nghe nói, mà ở Bắc Kinh, tôi đã tận mắt thấy. Thấy sự tình ấy, đương nhiên quý vị sẽ cảm động, cảm nhận một phen khổ tâm của lão nhân, vì sao? Vì chín ngàn năm sau trong thời kỳ Mạt Pháp, các đồng học có thể lý giải chính xác bản kinh này. Sau khi hiểu rõ, mới có thể phát khởi lòng tin. Có lòng tin thì mới có thể thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, vâng theo lý luận và phương pháp trong kinh này để tu học; ân đức ấy to lớn lắm! Thù thắng khôn sánh, công đức viết chú giải trọn chẳng kém công hội tập của thầy Ngài là cụ Hạ Liên Cư, có cùng một công đức. Do vậy, chúng ta học tập lần này, đặc biệt chọn bản Đại Kinh Giải nhằm tri ân, báo ân. Trước hết, chúng tôi giải thích đơn giản đoạn văn này. “Cảm ân đồ báo” (cảm ơn, mong báo đáp), cảm ơn như thế nào? Báo ơn như thế nào? Đó chính là lão nhân gia phát vô thượng tâm, cung kính chú giải kinh này, nhằm tiếp nối huệ mạng của Phật. Nay chúng ta báo ân bằng cách nào? Nay chúng ta hãy khéo chiếu theo kinh, nương theo chú giải, sốt sắng học tập, y giáo phụng hành, đó là tiếp nối huệ mạng của Phật. Chúng ta phải tham cứu thấu triệt đạo lý trong kinh và trong bản chú giải, phải vận dụng những đạo lý ấy vào cuộc sống hằng ngày, thực hiện trong công việc, thực hiện trong xử sự, đãi người, tiếp vật, mục tiêu chung cực là quyết định vãng sanh Tịnh Độ, nghiêm túc báo ân, thật sự tiếp nối huệ mạng của đức Phật.

  Tiếp đó, cụ cầu gia bị, “kiền kỳ lưỡng độ đạo sư”, nghĩa là kiền thành khẩn cầu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ở phương này và Bổn Sư A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc, hai vị đạo sư trong hai cõi. “Thập phương Như Lai”, trong kinh, [cụ thể là] trong kinh Di Đà, chúng ta thấy chư Phật trong sáu phương tán thán, còn trong bản kinh này là mười phương chư Phật tán thán. “Thượng sư bổn tôn” là thầy. Cụ Hoàng, cụ Hạ đều từng học Thiền Tông, mà cũng đã học Mật Tông. Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển Mật viên dung, thảy đều thông đạt, cuối cùng quy hướng Tịnh Độ. Đây đều là biểu thị pháp cho chúng ta thấy: Bất luận học Giáo hay tham Thiền, hay tu Mật, đến cuối cùng thì sao? Cuối cùng vẫn phải niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Điều này khiến cho chúng ta nhìn vào hai vị lão nhân, họ đã làm như thế nào? Trên thực tế, họ hoàn toàn học theo hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền trong hội Hoa Nghiêm, đến cuối cùng đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thật sự sanh về Tịnh Độ. Họ nêu gương cho chúng ta xem, khiến cho chúng ta là những kẻ chẳng có căn khí giống như họ, họ là bậc thượng thượng căn, chúng ta là kẻ trung hạ căn hay hạ hạ căn, hãy nên khăng khăng một mực nhất tâm quy mạng A Di Đà Phật, suốt đời tuân theo một phương hướng là Tây Phương, một mục tiêu là thế giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật, đó là đúng, thật sự tiếp nối huệ mạng của Phật! Chúng ta làm như vậy cũng sẽ ảnh hưởng nhiều người, những người ấy sẽ tiếp tục làm theo. Nói “Kim Cang hộ pháp” là cầu thần hộ pháp gia hộ. “Từ ân phú hộ” (từ ân che chở, hộ trì), đó là hộ trì. “Oai đức minh gia” là ngấm ngầm gia hộ. “Ký thử chú thích, thượng khế thánh tâm, quảng khải chúng tín, phàm hữu kiến văn, đồng nhập Di Đà Nhất Thừa nguyện hải” (mong sao bản chú thích này trên khế hợp thánh tâm, khơi gợi rộng rãi lòng tin của mọi người. Có ai thấy nghe đều cùng nhập biển nguyện Nhất Thừa của Phật Di Đà): Mong cho bản chú giải này được Thích Ca, Di Đà gia trì, được mười phương chư Phật hộ niệm, chẳng chú giải sai lầm, những câu chữ đã chú giải đều hợp với ý nghĩa giáo hóa của Như Lai. Quan trọng nhất là người đời sau sẽ đối với kinh này và bản chú giải này tin sâu chẳng nghi, quý vị đạt được lợi ích. Tổ Ấn Quang nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. “Phàm có ai thấy nghe” là nói đến kẻ hữu duyên, Phật độ kẻ hữu duyên, có thể thấy kinh và bản chú giải này chính là kẻ có thể tham dự pháp hội này, sẽ cùng nhập biển nguyện Nhất Thừa của Phật Di Đà. Niệm Phật Đường là A Di Đà Phật Nhất Thừa nguyện hải. Nhất Thừa là thành Phật, chẳng phải là Bồ Tát, chẳng phải là Nhị Thừa, hay Tam Thừa. Nhị Thừa là Đại Thừa và Tiểu Thừa. Tam Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát; Nhất Thừa là thành Phật. Pháp môn này thẳng chóng, ổn thỏa, là pháp môn thành Phật trong một đời, cho nên gọi là “Nhất Thừa nguyện hải”. Hai chữ cuối cùng là cảm ơn, tức là cảm ơn A Di Đà Phật đã dùng bốn mươi tám nguyện nhiếp thọ hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới. Những lời mào đầu của cụ Hoàng đến đây là hết.

/ 600