/ 600
1.506

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 9

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin hãy xem bản kinh, trang thứ bảy, dòng thứ sáu từ dưới đếm lên: “Hựu khế cơ giả, diệc ngụ phù hợp thời cơ chi nghĩa” (Lại nữa, khế cơ còn ngụ ý phù hợp thời đại và căn cơ). Cụ Niệm Tổ sau khi giới thiệu sự khế cơ thù thắng độc đáo, mà cũng là chỗ đặc biệt thù thắng của bản kinh này xong, lại cho chúng ta biết: Bản kinh này không chỉ là thích hợp khắp ba căn, gồm thâu trọn vẹn lợi căn lẫn độn căn, mà nó còn thích hợp với thời đại. Chữ “thời đại” này bao gồm những ý nghĩa: Các thời đại khác nhau, các nơi khác nhau, các bối cảnh văn hóa khác nhau, thảy đều thích hợp. Một bộ kinh [hội tụ các ưu điểm] như vậy, đích xác là chẳng dễ gì kiếm được, nhưng kinh này chính là một bộ kinh như vậy. Tiếp đó, cụ viết: “Như Lai thùy Từ” (đức Như Lai rủ lòng Từ), ở đây là nói Thích Ca Mâu Ni Phật, mà cũng là nói A Di Đà Phật vô cùng từ bi. “Độc lưu thử kinh ư chư kinh diệt tận chi tối hậu bách niên” (riêng lưu lại kinh này một trăm năm cuối cùng khi các kinh khác đều bị diệt mất). Trong Pháp Diệt Tận Kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói về tình hình Phật pháp suy diệt trong tương lai: Hết thảy các kinh đều bị diệt mất, đều chẳng tồn tại, tới cuối cùng, kinh Vô Lượng Thọ còn được lưu truyền một trăm năm, đó là một trăm năm cuối cùng [trong pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật]. Bản nào của kinh Vô Lượng Thọ sẽ được lưu lại? Cũng theo các bậc đại đức thuở ấy, họ không sống cùng thời chúng ta, mà thuộc thời đại của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, còn sớm hơn tôi một thế hệ, cùng vai vế với thầy tôi, cùng khẳng định bản hội tập này của Hạ lão cư sĩ [sẽ được lưu lại trong một trăm năm cuối khi pháp diệt tận]. Vì sao? Trong phần trước, tôi đã giới thiệu cùng quý vị, bản này thật sự là bản kinh tiêu chuẩn bậc nhất trong Tịnh Tông, là bản tổng hợp hoàn chỉnh của năm bản dịch gốc, quả thật là bản tốt nhất của bộ kinh bậc nhất trong Tịnh Tông. Chúng ta nghe xong cũng chẳng hoài nghi tí nào! Kinh này thật sự là như thế. Hạ lão cư sĩ xuất hiện trong thời đại này, chúng ta tin cụ là bậc tái lai để làm chuyện này. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ xuất thế cũng nhằm chú giải bản này. Họ tới thế gian này với nhiệm vụ đặc thù và đều đã hoàn thành. Do điều này, có thể biết: Thời Mạt Pháp hãy còn chín ngàn năm nữa; vì thế, chúng ta nói: Đối với các nơi khác nhau, thời gian khác nhau, văn hóa khác nhau, kinh này đều có thể thích ứng.

“Chánh biểu thử kinh năng khế ư đương tiền cập vị lai chi xã hội dã” (Điều này cho thấy kinh này có thể khế hợp xã hội trong hiện tại và tương lai): Bất luận nơi nào cần đến, bản kinh này đều [đáp ứng]. “Đương tiền khoa học phát đạt, nhân loại ưng cụ chi tri thức di quảng” (Nay nhằm lúc khoa học phát triển, kiến thức cần phải có của nhân loại càng rộng), kiến thức mà chúng ta cần phải có ngày càng nhiều, đó có phải là chuyện tốt đẹp hay không? Nói thật ra, đây chẳng phải là chuyện tốt, người thật sự tu đạo không cần phải học những thứ ấy. Tổ tiên, cổ thánh tiên hiền đã sớm dạy chúng ta [điều này] như Đạo gia đã nói: “Vị đạo nhật tổn, vị học nhất ích” (vì đạo ngày càng hao tổn, vì học vấn mà ngày càng tăng thêm), “vị học” là như ở đây [cụ Hoàng] đã nói: “Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển”, đó là “vị học”. Mỗi ngày quý vị phải tăng trưởng những thứ ấy (kiến thức khoa học), đó là về phương diện tri thức; nhưng “vị đạo” (vì đạo) thì mỗi ngày phải buông xuống, tất thảy đều phải buông xuống thì đạo mới thành tựu. Đạo là gì? Đạo là thứ mà bản thân quý vị sẵn có. Hiện thời, đạo của quý vị chẳng thể hiện tiền do quý vị có chướng ngại, có phiền não, nhà Phật gọi nó là “nghiệp chướng”. Chướng ngại nhiều vô lượng, vô biên, vô tận, vô số, nhưng quy nạp lại, sẽ không ngoài hai loại lớn: Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Hai loại lớn này chướng ngại quý vị kiến tánh, chướng ngại cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của quý vị. “Thanh tịnh bình đẳng giác” là đạo, là tựa đề của bộ kinh này, chúng ta tu đạo là tu thứ này. Nếu tâm địa mỗi năm một thanh tịnh hơn, tức là đạo nghiệp của quý vị tăng trưởng. Bất luận tu học pháp môn hay tông phái nào trong mười tông phái của Đại Thừa Phật pháp Trung Quốc, trong chữ “pháp môn”, “pháp” (法) là phương pháp, “môn” là môn đạo (門道: đường nẻo), “môn kính” (門徑: cửa nẻo, đường lối), [do vậy, “pháp môn”] là cửa ngõ để trở về tự tánh, trong kinh nói tám vạn bốn ngàn [pháp môn]. Tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm đối trị tám vạn bốn ngàn phiền não. Bồ Tát vô cùng tuyệt vời, có thể triển khai Thập Thiện Nghiệp Đạo thành tám vạn bốn ngàn tế hạnh (hạnh vi tế), công đức viên mãn, thành Phật.

/ 600