1.204

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 8

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin xem dòng thứ tư trong trang bảy của bản kinh.

  Chúng ta xem từ chỗ “chí ư khế cơ, tắc cánh thị bổn kinh chi độc thắng” (còn về khế cơ thì càng là chỗ thù thắng độc đáo của kinh này), xem từ chỗ này. “Kinh trung chi trì danh pháp môn, phổ bị tam căn, tề thâu phàm thánh. Thượng thượng căn giả, chánh hảo toàn thể thừa đương; hạ hạ căn giả, diệc khả y chi đắc độ” (Pháp môn trì danh trong kinh này thích hợp khắp ba căn, thâu trọn phàm thánh. Bậc thượng thượng căn rất hợp để gánh vác toàn thể. Kẻ hạ hạ căn cũng có thể nương theo kinh này mà đắc độ). Lần trước, chúng ta học tập đến chỗ này. Tiếp theo đó là: “Thượng tắc Văn Thù, Phổ Hiền, Pháp Thân đại sĩ, diệc quân phát nguyện cầu sanh” (trên thì như Văn Thù, Phổ Hiền, Pháp Thân đại sĩ cũng đều phát nguyện cầu sanh), đến phần sau, chúng ta sẽ thấy cụ Niệm Tổ dẫn kinh văn của kinh Hoa Nghiêm [để làm chứng cho nhận định trên đây]. “Hạ chí Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung niệm Phật, diệc tất tùy nguyện đắc sanh” (dưới thì đến Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung niệm Phật, ắt cũng được tùy nguyện vãng sanh), dưới thì nói đến căn tánh nào? Nói đến kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác. Ngũ Nghịch là gì? Là kẻ tạo tác tội nghiệp cực nặng. Trong kinh nói, tội Ngũ Nghịch, Thập Ác nhất định đọa địa ngục A Tỳ, vào rất dễ, thoát ra rất tốn sức, quá khó khăn!

  Ngũ Nghịch: Thứ nhất là “giết cha”, thứ hai là “giết mẹ”. Ân đức cha mẹ to lớn, trong kinh Phật có một bộ kinh chuyên giảng về điều này là Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo Kinh. Trong Đại Tạng Kinh, kinh này có hai bản dịch, thứ nhất là bản dịch của ngài An Thế Cao, bản này chắc chắn không phải là ngụy kinh vì trong Dịch Kinh Mục Lục có bản này. Bản thứ hai do ngài Cưu Ma La Thập dịch, bản này không đáng tin, vì trong mục lục các kinh do La Thập đại sư phiên dịch không thấy bộ này, rất có thể là do người đời sau ngụy tạo, mạo nhận tên La Thập đại sư; nhưng những điều được giảng trong ấy cũng khá lắm, chúng ta có thể coi như một loại sách khuyến thiện, nên Đại Tạng Kinh cũng thâu nhận. Được thâu nhận là vì có những thứ quả thật là ngụy tạo, nhưng do nội dung cũng rất tốt, cổ đại đức cũng đưa vào Đại Tạng, chúng ta học tập kinh giáo chớ nên không biết. Những loại này có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Nếu muốn học, muốn giảng giải bên ngoài, tốt nhất là dùng bản của ngài An Thế Cao, có căn cứ! Giết cha, giết mẹ, xong luôn!

  Thứ ba là “giết A La Hán”. A La Hán giống như thầy; trong thế gian này, A La Hán giáo hóa một phương, công đức cũng hết sức thù thắng, quý vị giết hại Ngài. Hại Ngài là chuyện nhỏ, Ngài chẳng trách quý vị, người ta đã chứng quả thành thánh nhân, trọn chẳng ghi nhớ cừu hận. Kết tội ở chỗ nào? Nhiều người không có ai giáo hóa! A La Hán vốn giáo hóa cả vùng này, quý vị giết Ngài đi, duyên nghe pháp của cả vùng này bị đoạn, kết tội từ chỗ này! Nếu Ngài dạy học rất rộng, thời gian rất lâu, tội của quý vị cũng rất sâu, rất nặng, đó gọi là tội Đẳng Lưu, vẫn là đọa trong địa ngục A Tỳ.

  Thứ tư là “làm thân Phật chảy máu”. Phật phước báo to lớn, không ai có thể hại chết Phật, nhưng có thể khiến Phật chảy một chút máu. Chuyện này xuất phát từ Đề Bà Đạt Đa, Đề Bà Đạt Đa muốn hại Thích Ca Mâu Ni Phật, ông ta rất ganh ghét Thích Ca Mâu Ni Phật, dù là đệ tử Phật, và trong quan hệ thế gian là anh em họ [của Phật]. Cho nên có quan hệ rất sâu, anh em họ mà! Ganh ghét vì Thích Ca Mâu Ni Phật sau khi thành Phật có nhiều tín đồ, được thập phương cung kính cúng dường. Ông ta thấy vậy, không chịu được, luôn nghĩ đủ mọi cách hại Phật. Có một ngày, ông ta tính toán: Mỗi ngày Thích Ca Mâu Ni Phật đi khất thực phải đi theo con đường dưới vách núi, Đề Bà Đạt Đa chuẩn bị sẵn một tảng đá lớn trên đỉnh vách núi, thấy Thích Ca Mâu Ni Phật đi phía dưới, bèn đẩy xuống, nghĩ Phật sẽ bị đá đè chết. Phật phước báo to lớn, có thần hộ pháp, thần hộ pháp là Vi Đà Bồ Tát, ở trên không trung dùng Kim Cang xử ngăn tảng đá. Bị chặn lại, tảng đá vỡ thành mảnh nhỏ, sau khi các miểng đá rơi xuống, một miểng cắt trúng chân Phật, chảy một chút máu. Chảy một chút máu gọi là “làm thân Phật chảy máu”. Nếu nay chúng ta muốn làm thân Phật chảy máu, nhưng Phật lại không ở trên đời, cho nên đây là chuyện không thể được; nhưng có chuyện giống như thế, tội nặng bằng, đó là gì? Chính là khởi ác niệm muốn hủy diệt hình tượng Phật, điều này cũng giống như làm thân Phật chảy máu!