Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 7
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem trang thứ sáu, hàng thứ ba trong bản kinh, xem từ câu cuối cùng.
“Ư thị, tiên sư hội bổn vấn thế dĩ lai, bất hĩnh nhi tẩu” (do vậy, từ khi bản hội tập của tiên sư được ra đời đến nay, không chân mà đi khắp nơi), xem từ câu này. Cụ Hoàng nói bản hội tập này của cụ Hạ, sau khi in ra, bèn được lưu thông rất nhanh, cho nên không có chân mà đi khắp nơi. “Hĩnh” (脛) là bắp chân (phần từ đầu gối đến bàn chân). “Bất hĩnh”: Mặc dù nó không có chân, nhưng đi rất nhanh, truyền bá rất lẹ, [hàm ý bản hội tập này được] truyền bá rất nhanh chóng. Đấy là tình hình lúc đó. Vì xã hội chẳng an định, chiến tranh Trung Nhật bùng nổ; đây là chuyện trước khi chiến tranh nổ ra. Cả một giải Sơn Đông cũng bị người Nhật chiếm đóng, nên công tác hoằng pháp của cụ Hạ Liên Cư đương nhiên gặp trở ngại. Mãi cho đến nay, xã hội cũng không ổn định, sau khi cả nước thoát khỏi ngoại xâm, lại trải qua nhiều tai nạn, trong phần sau, cụ Hoàng sẽ nói đến điều này. Sau cuộc cải cách khai phóng[1] mới kể như yên ổn, hoạt động tôn giáo dần dần khôi phục. Vì thế, Hạ lão cư sĩ bảo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Trong tương lai, bản hội tập này sẽ từ hải ngoại truyền về Trung Quốc”. Cụ Hạ nói những lời này, các đồng học nghe xong, đều chẳng nghĩ là đúng, cảm thấy rất kỳ quái. Mãi sau này, mấy chục năm sau, quả nhiên như thế. Do vậy biết: Pháp vận hưng hay suy, lão nhân gia đã thấy hết sức rõ ràng. Do vậy, thuở ấy, lúc ban đầu in ra không nhiều lắm. Lần trước tôi đã nói, pháp sư Từ Châu tại Tế Nam đã giảng bản hội tập này. Trong lần trước, tôi đã thưa cùng quý vị, [lúc ấy] bản hội tập này nói chung chưa có phiên bản cố định, lão nhân gia (cụ Hạ Liên Cư) đã sửa chữa cả mười lần. Bản mà pháp sư Từ Châu đã dùng chưa phải là bản tu đính cuối cùng, chưa phải là bản hoàn chỉnh cuối cùng. Vì từ bản khoa phán của Ngài, tôi thấy: Bản hội tập mà lão nhân đã dùng, toàn bộ kinh văn được chia thành ba mươi bảy phẩm, có lẽ là dùng ý nghĩa Ba Mươi Bảy Đạo Phẩm. Tôi có một quyển khoa phán gồm ba mươi bảy phẩm này. [Bản khoa phán ấy] chẳng dựa trên bản hiện thời chúng ta đang dùng. Bản hiện tại là bản hoàn chỉnh cuối cùng, tổng cộng gồm bốn mươi tám phẩm; nhưng đối với Đại Kinh, pháp sư Từ Châu được coi như là người đã lập ra tiền lệ đầu tiên, đem phần khoa phán ghép thêm vào cuối kinh. Tôi dựa theo bản khoa phán của lão nhân gia, nhưng dùng [chánh kinh theo] bản [hội tập] hiện tại, để viết khoa phán tỉ mỉ hơn, chia đoạn rất chi tiết. Chúng ta có Khoa Hội, [tức là] khoa phán và kinh được xếp chung một chỗ. Bản khoa hội này cũng được lưu thông với số lượng rất lớn. Phải biết là ở nơi đây chúng ta không có triệp điệp bản, mà có trang đính bản[2], có khoa hội. Còn có một bản in chung kinh văn và lời mi chú của cụ Lý, khoa hội và mi chú được in chung thành một bản, bản này cũng in rất nhiều, có thể giúp [học nhân] học tập, nghiên cứu Đại Kinh.