/ 600
2.213

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 6

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ tư, hàng thứ bảy. Đây là đoạn thứ hai, chúng ta vẫn đọc từ đầu.

“Vương thị hội kinh, tuy đại hữu công ư Tịnh Tông, đản sở hội chi bổn phả đa suyễn ngộ. Bạch khuê chi hà, hiền giả tích chi. Liên Trì đại sư vị kỳ: Sao tiền trước hậu, khử thủ vị tận. Bành Thiệu Thăng cư sĩ xích chi vi: Lăng loạn quai suyễn, bất hợp viên chỉ” (Họ Vương hội tập kinh, tuy có công lớn đối với Tịnh Tông, nhưng bản hội tập của ông ta có lắm sai lầm. Bạch khuê có vết, người hiền tiếc nuối. Liên Trì đại sư bảo: “Sao chép kinh văn trong phần trước, ghép thêm lời văn của chính mình sáng tác vào sau đó, lấy bỏ chưa trọn hết”. Cư sĩ Bành Thiệu Thăng chê trách: “Rối ren, sai lạc, chẳng hợp ý chỉ viên dung”). Chúng ta xem trước chỗ này. Trong phần trước, tôi đã giới thiệu các phiên bản kinh Vô Lượng Thọ hiện đang được lưu thông, ngoài năm bản dịch gốc ra, còn có bốn bản nữa: Ba bản là bản hội tập, một bản là bản tiết lục. Nhân tiện, tôi giới thiệu ở đây. “Vương thị” (họ Vương) là Vương Long Thư, hay Vương Nhật Hưu, hội tập kinh Vô Lượng Thọ sớm nhất. Có thể thấy là từ rất sớm đã có người chú ý tới vấn đề này. Các phiên bản nhiều lắm, mà nội dung sai biệt rất lớn. Nếu bảo năm bản đều cùng đọc, quả thật rất phiền; đọc một loại, sẽ chẳng thấy những điều được nói trong bốn bản kia, trong bốn bản kia có rất nhiều kinh văn không có trong bản này, rất đáng tiếc! Vì thế, đó là một nhân tố quan trọng khiến cho những bản này được lưu thông rất ít. Cư sĩ Vương Long Thư là người đời Tống, trong phần trên đã giới thiệu: Ông ta trước tác rất phong phú, niệm Phật thật sự có công phu, khi vãng sanh là đứng mất. Bộ Tịnh Độ Văn của ông ta vô cùng hay, cũng có thể dùng để học Quốc Văn. Trong phần trước, tôi đã từng giới thiệu với quý vị, Trúc Song Tùy Bút của Liên Trì đại sư, Linh Phong Tông Luận của Ngẫu Ích đại sư, và Tịnh Độ Văn của cư sĩ Vương Long Thư cũng hết sức hay, văn tự hết sức khá, đều là những tác phẩm văn chương hay của các bậc đại đức trong Tịnh Tông. Chúng ta học văn chương Văn Ngôn, coi những tác phẩm ấy như sách để học Quốc Văn, rất tốt!

Sau khi bản hội tập của ông ta ra đời, được lưu thông rất rộng. Quý vị thấy Đại Chánh Tạng của Nhật Bản và Long Tạng được biên tập dưới đời vua Càn Long đều nhập tạng bản này. Có thể đưa vào Đại Tạng Kinh tức là được các vị đại đức thuở ấy chấp nhận. Thế nhưng bản của ông ta vẫn có sai lầm, “suyễn ngộ” (舛誤) là sai lầm, còn có những sai sót. “Bạch khuê chi hà, hiền giả tích chi” (bạch khuê có vết, người hiền xót xa), hai câu này thể hiện ý tiếc hận: Đáng tiếc là ông ta làm chưa viên mãn, còn có khuyết điểm! Liên Trì đại sư cũng hết sức bội phục ông Vương. Trong bộ Di Đà Kinh Sớ Sao, đây là một tác phẩm rất to lớn, kinh văn kinh Vô Lượng Thọ được trích dẫn trong ấy, quá nửa là trích từ bản hội tập của cư sĩ Long Thư, đây cũng là khẳng định [giá trị] của bản hội tập ấy. Đương nhiên, bản ấy chẳng thể tận thiện, tận mỹ, nên Liên Trì đại sư cũng phê bình, bảo bản này của họ Vương “sao chép kinh văn trong phần trước, ghép phần trước tác của chính mình vào phần sau, lấy bỏ chưa trọn vẹn”. Hai câu này trong phần sau đều có giải thích. Bành Thiệu Thăng có tiết bổn, chẳng phải là hội tập, chỉ lấy bản của ngài Khang Tăng Khải. Bản dịch của ngài Khang Tăng Khải cũng chẳng dễ đọc cho lắm, ông Bành đem chỉnh lý một lần nữa, soạn thành bản mới, gạt bỏ những chỗ trúc trắc, thiếu trôi chảy, cho nên bản dịch này đọc lên rất lưu loát, coi như là một bản kinh hay, nhưng chẳng thể coi là bản hội tập, mà coi là tiết bổn (bản rút gọn, trích yếu, có phân chương đoạn). Ông ta cũng phê bình bản hội tập của cư sĩ Long Thư, bảo là “lăng loạn quai suyễn, bất hợp viên chỉ” (rối ren sai lầm, chẳng hợp ý chỉ viên dung), cũng là nói bản hội tập của ông ta chưa hoàn mỹ. Chẳng thể bảo ông Vương không có công lao gì! Quả thật là công lao cũng chẳng thể xóa sạch, nhưng chưa phải là bản hoàn mỹ. Đây là một chuyện rất đáng tiếc!

/ 600