/ 28
341

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 21

 

Xin mở kinh bổn, trang một trăm ba mươi bảy, dòng thứ hai từ dưới đếm lên. Thời gian trôi qua rất nhanh, ngày mai chúng tôi sẽ giảng viên mãn; do vậy, hôm nay phải tăng nhanh tốc độ. Nói thật ra, đạo tràng chúng ta là đạo tràng giảng kinh lâu dài, nhất là chuyên giảng Tịnh Tông, có nhiều chỗ đọc qua là đã có thể hiểu rõ. Nếu ở những nơi khác thì cần phải nói tỉ mỉ, ở đây, chúng ta có thể tham khảo kinh Vô Lượng Thọ, hoặc tham khảo sách Di Đà Kinh Sớ Sao, ý nghĩa đại khái chẳng sai biệt cho mấy.

Trong dòng này, phải đặc biệt giới thiệu Vô Sanh Pháp Nhẫn cùng quý vị. Nói thật ra, Vô Sanh Pháp Nhẫn quan trọng nhất là chữ Nhẫn. Đức Phật thuyết pháp có vô lượng phương tiện thiện xảo. Trong kinh Nhân Vương, Ngài đã chia các địa vị Bồ Tát thành năm loại lớn; năm loại lớn ấy đều dùng Nhẫn để biểu thị. Do vậy có thể biết, Nhẫn quả thật hết sức trọng yếu. Từ kinh Kim Cang, chúng ta thấy cương lãnh tu học của Bồ Tát gồm có sáu điều, tức là Lục Độ. Kinh Kim Cang đặc biệt nhấn mạnh Bố Thí và Nhẫn Nhục trong Lục Độ. Quý vị thấy bốn điều kia được nói rất ít, còn Bố Thí được nói rất nhiều, Nhẫn Nhục cũng được nói rất nhiều! Do vậy có thể biết, quan trọng nhất trong sáu đại cương ấy chính là Bố Thí và Nhẫn. Bố Thí là buông xuống. Nếu không buông xuống được, sẽ chẳng thể nhẫn. Chẳng thể nhẫn, sẽ không buông xuống được! Đây là đạo lý nhất định, có mối quan hệ nhân quả hỗ tương.

Ngũ Nhẫn theo kinh Nhân Vương là: Thứ nhất là Phục Nhẫn, thứ hai là Tín Nhẫn, thứ ba là Thuận Nhẫn, thứ tư là Vô Sanh Nhẫn, thứ năm là Tịch Diệt Nhẫn. Đem Ngũ Nhẫn trong kinh Nhân Vương phối hợp với Thập Địa Bồ Tát thì Phục Nhẫn là địa vị Tam Hiền (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng); Tín Nhẫn là Sơ Địa, Nhị Địa, Tam Địa; còn Tứ Địa, Ngũ Địa, Lục Địa là Thuận Nhẫn; Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa là Vô Sanh Nhẫn; Thập Địa và Đẳng Giác là Tịch Diệt Nhẫn. Tiêu chuẩn của chữ Tín cũng rất cao, quả thật là hễ thật sự nói đến hàng Bồ Tát thì phải nên có tiêu chuẩn cao như vậy! Chưa nhập Sơ Địa, vẫn chưa thể nói là tin Phật nghiêm túc được! Nhưng kinh Nhân Vương nói theo Biệt Giáo, chẳng nói theo Viên Giáo. Sơ Địa trong Biệt Giáo chính là Sơ Trụ trong Viên Giáo. Vì thế, dòng thứ nhất ở đây (trong trang một trăm ba mươi tám) là: “Sớ vân, Vô Sanh Pháp Nhẫn, thị Sơ Trụ Sơ Địa” (Sớ rằng: Vô Sanh Pháp Nhẫn là Sơ Trụ hay Sơ Địa). Sơ Trụ Bồ Tát là nói theo Viên Giáo, còn Sơ Địa là nói theo Biệt Giáo, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, khi ấy mới có thể gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nhưng nếu nói nghiêm ngặt thì vẫn chưa được, kinh Nhân Vương nói tương đối nghiêm ngặt. Nói [thật sự] nghiêm ngặt thì Thất Địa Bồ Tát chứng hạ phẩm Vô Sanh Nhẫn, Bát Địa là trung phẩm Vô Sanh Nhẫn, Cửu Địa là thượng phẩm Vô Sanh Nhẫn, đó là nói theo sự chứng đắc chánh thức. Do vậy có thể biết, Vô Sanh Nhẫn do Sơ Trụ hay Sơ Địa chứng đắc chính là Tương Tự Vô Sanh Nhẫn, vì sao? Các Ngài [thật sự] là Tín Nhẫn hay Thuận Nhẫn, tương tự mà thôi! Phục Nhẫn càng khỏi phải bàn tới, “phục” (伏) là gì? Chế phục phiền não. Nói theo Tịnh Tông, giai đoạn “phục phiền não” là công phu thành phiến, Tín Nhẫn mới là Sự nhất tâm bất loạn, đạt đến Vô Sanh Nhẫn sẽ là Lý nhất tâm bất loạn. Tín Nhẫn và Thuận Nhẫn đều là Sự nhất tâm. Trong Sự nhất tâm, có mức độ cạn hay sâu khác nhau. Lý nhất tâm là Vô Sanh Nhẫn và Tịch Diệt Nhẫn, [hai loại Nhẫn này] đều thuộc loại Lý nhất tâm, nhưng Tịch Diệt Nhẫn là công phu Lý nhất tâm sâu, còn Vô Sanh Nhẫn công phu Lý nhất tâm khá cạn. [Do vậy], đặc biệt coi trọng chữ Nhẫn.

Kinh Kim Cang dạy chúng ta: “Nhất thiết pháp đắc thành ư Nhẫn” (Hết thảy các pháp đều do Nhẫn mà thành tựu). Pháp thế gian và xuất thế gian nếu chẳng thể nhẫn nại, sẽ chẳng thể thành tựu, có thể thấy Nhẫn Nhục Ba La Mật trong Lục Độ là then chốt của sự thành bại. Nhẫn thì mới có thể có tinh tấn, tinh tấn thì mới có thể đắc Định. Nếu nói theo Tịnh Độ Tông, Định là nhất tâm bất loạn, là tâm thanh tịnh. Đã đắc định, trí huệ mới mở mang, nên nhẫn nhục quả thật là then chốt. Ví như nay chúng ta nói đến chuyện tu học, tu học trong thời cổ và hiện thời khác nhau. Tu học thời cổ luôn luôn là thâm nhập một môn. Phải nhẫn nơi một môn, những pháp môn khác ta tạm thời đều phải buông xuống hết, hết thảy các kinh luận ta chẳng thể xem, mà cũng chẳng thể nghe giảng, ta chỉ rất ngoan ngoãn học một môn, điều này đòi hỏi phải nhẫn! Thâm nhập một môn, một môn sẽ tinh (chuyên ròng), nhiều môn chẳng tinh. Tấn trong nhiều môn thì gọi là Tạp Tấn, chẳng phải là Tinh Tấn. Tạp Tấn sẽ khó đắc Định. Nói cách khác, khó đắc tâm thanh tịnh! Tinh Tấn sẽ dễ đắc tâm thanh tịnh. Vì vậy, từ xưa, tổ sư đại đức tạo lập môn đình sai khác, thường ca ngợi pháp môn của chính mình, chê bai, hạ thấp các pháp môn khác. Đó là một phương thức quyền xảo, tuyệt đối chẳng phải là khinh thường các pháp môn khác. Nếu [người đọc, người nghe] có sự phân biệt, chấp trước ấy thì sai mất rồi. Các Ngài dùng phương pháp ấy để cường điệu, nhằm tăng cường tín tâm của kẻ mới học. Tham Thiền thì từ Thiền thâm nhập một môn, chẳng thể vừa học Giáo, vừa niệm Phật. Vì sao? Như vậy thì sẽ biến thành tạp. Người niệm Phật cũng chẳng thể học Giáo, cũng chẳng thể tham Thiền. Nói chung, pháp môn nhất định là một môn thì mới có thể thâm nhập.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28