/ 28
315

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 20

 

Xin xem kinh bổn, trang một trăm ba mươi lăm, hàng thứ nhất. Vừa mở đầu liền nói tiếp [những điều đang được nói trong] trang trước, tức là nói về bốn câu trong điều thứ nhất [của Tam Phước]. “Khẳng thận tựu dị, bất khẳng tựu nan” (Chịu thận trọng [thực hiện] thì dễ, không chịu sẽ là khó). Vấn đề là chúng ta có chịu thận trọng hay không? Có chịu nghiêm túc thực hiện hay không? Câu dưới đây nhằm giải thích phước thứ hai: “Đạo tục căn bản giới pháp, thượng thả thập nhân cửu phạm, thiểu lộ đa tàng, huống vi tế hạnh” (Đối với giới pháp căn bản của hàng xuất gia hay kẻ thế tục, lại còn là mười người hết chín kẻ phạm, ít kẻ bộc lộ, phần nhiều giấu diếm, huống là các hạnh vi tế), nói về chuyện trì giới.

Tam Quy là tổng cương lãnh tu hành, cương lãnh ấy ở ngay trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ, chính là Phật, Pháp, Tăng, Giác, Chánh, Tịnh. Trong tựa đề kinh, thanh tịnh là Tăng Bảo, bình đẳng là Pháp Bảo, giác là Phật Bảo, nên Tam Quy đều ở trong tựa đề kinh, đây là nguyên lý và nguyên tắc tu hành. Thực hiện từ trì giới, tức là “cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi” (trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi). Phạm vi của giới luật hết sức rộng. Trong kinh luận nhà Phật chỉ có thể nói một nguyên tắc, tuy có các hạng mục, nhưng đó là lúc Phật tại thế, trong hoàn cảnh sinh hoạt vào thời đại ấy, đó là các quy tắc mà mọi người ắt phải tuân thủ. Thời đại thay đổi, khu vực địa lý khác nhau, nhưng tinh thần giới luật quyết định chẳng thay đổi. Giới luật là tiêu chuẩn siêu phàm nhập thánh; nói cách khác, nó vượt trỗi giới hạn quốc gia, vượt trỗi giới hạn dân tộc, thậm chí vượt trỗi giới hạn của các chủng loại trong lục đạo, hết thảy hữu tình chúng sanh đều phải tuân thủ.

Tinh thần giới luật là gì? Nói quy nạp lại, chỉ có hai câu: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Đó là tinh thần giới luật. Ác là gì? Thiện là gì? Trong Phật pháp, nói thật ra, có khá nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Hiện thời, tiêu chuẩn khác nhau càng nhiều hơn nữa! Mỗi quốc gia có quan niệm thiện ác khác nhau, nhận biết khác nhau, mỗi địa phương cũng chẳng giống nhau, mỗi thời đại cũng chẳng giống nhau, chúng ta phải hiểu những điều này. Đức Phật chỉ nói nguyên tắc, rốt cuộc, chúng ta là người hiện thời, trong hoàn cảnh sống hiện thời, chúng ta chẳng phải là cổ nhân, mà cũng chẳng phải là người trong tương lai, nên nhất định phải hiểu nguyên tắc, phải tuân thủ tập tục và trào lưu đương thời, tức là đối với những gì mọi người đã quen tôn sùng, đề cao, chúng ta phải tuân thủ. Ý nghĩa chân chánh của giới luật là phải khiến cho ta và đại chúng chung sống hòa thuận, đó là mục đích của giới luật. Hy vọng chính mình đoạn ác, tu thiện, có thể đạt được cái tâm thanh tịnh. Mục tiêu lớn nhất của giới luật là đắc Định: “Nhân Giới sanh Định, nhân Định khai Huệ”. Quý vị phải biết đạo lý này rồi mới hiểu chúng ta phải nên tuân thủ giới luật như thế nào, giúp chúng ta đắc Định, giúp chúng ta buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Nhưng giới luật rất khó, khó ở chỗ nào? Từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta phiền não, tập khí quá nặng, một là phiền não, hai là tà tri tà kiến, tức là cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm. Một mực như vậy! Dẫu quốc gia ấn định pháp luật rất hay, chúng ta vẫn nghĩ trọn hết mọi phương pháp để kiếm lỗ hổng luật pháp, đó là chẳng tuân thủ luật lệ, chẳng trì giới! Những người ấy đều là những người rất thông minh, có thể kiếm ra lỗ hổng pháp luật, Phật pháp gọi thông minh kiểu đó là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là trí huệ chân thật. Người có trí huệ chân thật sẽ tuân thủ pháp luật; không chỉ là quyết định chẳng vi phạm những điều khoản được quy định bởi pháp luật, dẫu đối với những điều chẳng có trong văn bản pháp luật, nhưng xã hội, đạo đức chẳng chấp nhận, cũng nhất quyết chẳng vi phạm. Do vậy có thể biết: Trì giới thật khó! Do đó nói: “Đạo tục căn bản giới pháp”, “đạo” là người xuất gia, “tục” là kẻ tại gia. Giới pháp căn bản là gì? Ngũ Giới. Ngũ Giới là giới pháp căn bản. Có thể nói: Tinh thần của giới pháp căn bản không chỉ vĩnh viễn chẳng thay đổi, mà giới điều cũng là vĩnh viễn không thay đổi. Những giới luật khác, có thể do thời gian, do địa điểm mà tu chỉnh, sửa đổi thành Thanh Quy (清規) như người Hoa thường nói, tức là công ước thường trụ, đều thuộc loại giới luật được hiện đại hóa; nhưng năm điều [trong Ngũ Giới] chẳng thể sửa đổi, vì sao? Đến bất cứ nơi nào trên thế giới, trong bất cứ thời đại nào, cũng đều có thể nói thông suốt, [nếu có khác biệt thì] tối đa là phạm vi giải thích rộng hay hẹp, sâu hay cạn sai khác. Vì thế, Ngũ Giới từ Sơ Phát Tâm cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều bất biến, đúng là giới pháp căn bản.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28