/ 28
419

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 22


Thứ, tác thủy tưởng.

次作水想。

(Tiếp đó là tưởng nước).


Đây là phép Quán thứ hai, chúng ta xem kinh văn, hàng thứ ba trong trang một trăm năm mươi hai.


Kiến thủy trừng thanh, diệc linh minh liễu, vô phân tán ý.

見水澄清。亦令明了。無分散意。

(Thấy nước trong lặng, cũng quán cho rành rẽ, ý chẳng phân tán).


“Vô phân tán ý” là Nhất Tâm Tam Quán.

Ký kiến thủy dĩ, đương khởi băng tưởng.

既見水已。當起冰想。

(Đã thấy nước rồi, hãy nên dấy ý niệm tưởng băng).


Phép Quán thứ hai là quán biển cả đóng băng.


Kiến băng ánh triệt, tác lưu ly tưởng.

見冰映徹,作琉璃想。

(Thấy băng trong suốt, quán tưởng là lưu ly).


Sau khi kết thành băng, giống như lưu ly (Vaiḍūrya, Tỳ Lưu Ly). Lưu ly trong suốt, có màu hơi xanh, người Hoa gọi là Phỉ Thúy (翡翠), tức ngọc có màu xanh. Nước biển có màu xanh dương, nên nếu kết thành băng, quả thật giống như lưu ly.


Thử tưởng thành dĩ, kiến lưu ly địa, nội ngoại ánh triệt.

此想成已。見琉璃地,內外映徹。

(Phép quán tưởng này đã thành, sẽ thấy đất lưu ly, trong ngoài thấu suốt).


Sau khi phép quán tưởng này đã thành, đại địa là lưu ly. Đại địa trong thế giới Tây Phương bằng lưu ly. Nếu quán thành công phép quán tưởng này, bất luận ở chỗ nào, quý vị đều thấy đất quyết định là đất lưu ly. Nếu thấy đất ở chỗ chúng ta đây vẫn là sàn bằng đá mài, tức phép quán tưởng này chẳng thành công, tuyệt đối là chẳng quán thành công. Sau khi quán thành công, đất là đất lưu ly. Do vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rõ, trong kinh, đức Phật đã nói “hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, đó là thật. Tâm quả thật có thể biến cảnh giới, tùy thuộc vào mức độ tưởng của quý vị. Nay chúng ta chẳng thể biến cảnh giới, là do tưởng rất cạn, nay đang tưởng chỗ này, qua niệm thứ hai bèn tưởng chỗ khác; do vậy, chẳng thể biến thành cảnh giới. Nếu chuyên chú tưởng một chuyện, sẽ thật sự có thể biến cảnh giới. Hết thảy các pháp đều sanh từ tâm tưởng. Dưới mặt đất của Tây Phương còn có rất nhiều kho báu, dưới mặt đất trong cõi chúng ta cũng có kho báu.


Hạ hữu kim cang thất bảo kim tràng, kình lưu ly địa.

下有金剛七寶金幢。擎琉璃地。

(Dưới đó có tràng vàng kim cang bảy báu nâng đỡ đất lưu ly).


Chúng ta biết địa cầu có hình cầu, trong hình cầu có lõi. Cái lõi ấy như được nói ở nơi đây, có hình dáng giống cái tràng, “nâng đỡ đất lưu ly”.


Kỳ tràng bát phương, bát lăng cụ túc, nhất nhất phương diện, bách bảo sở thành. Nhất nhất bảo châu hữu thiên quang minh. Nhất nhất quang minh bát vạn tứ thiên sắc, ánh lưu ly địa, như ức thiên nhật, bất khả cụ kiến.

其幢八方。八楞具足。一一方面。百寶所成。一一寶珠。有千光明。一一光明。八萬四千色。映琉璃地。如億千日。不可具見。

(Tràng ấy có tám mặt, tám cạnh trọn đủ. Mỗi một mặt do trăm thứ báu hợp thành. Mỗi một bảo châu có ngàn quang minh. Mỗi một quang minh có tám vạn bốn ngàn màu, chiếu rực đất lưu ly như ức ngàn mặt trời, chẳng thể thấy trọn).


Phía dưới có chất báu, chất báu tỏa ánh sáng, có vô lượng quang minh. Như vậy là đất nơi thế giới Tây Phương tỏa ánh sáng, đại địa có quang minh. Chúng ta nghĩ xem địa cầu của chúng ta có quang minh hay không? Nói thật ra, cũng tỏa sáng, cũng có ánh sáng, nhưng nhục nhãn của chúng ta chẳng thấy. Nay chúng ta dùng máy móc thăm dò, bèn phát hiện ánh sáng có bước sóng dài hay ngắn khác nhau. Những tia sáng mà chúng ta có thể thấy bằng mắt thường có bước sóng vô cùng hữu hạn, [những tia sáng] có bước sóng dài hơn thì chúng ta chẳng thấy, mà những tia sáng có bước sóng ngắn hơn chúng ta cũng không thấy. Chẳng phải là [đại địa] không phóng quang, thảy đều phóng quang. Nay ta dùng dụng cụ khoa học để thăm dò, chúng ta đã thăm dò được các tia sáng như tia X, hồng ngoại tuyến (Infrared), tử ngoại tuyến (Ultraviolet), đó là những tia sáng thăm dò được. Trên mặt đất hay trong không trung đều có ánh sáng, nhưng chúng ta chẳng thể thấy bằng mắt thường. Lòng người trong thế giới Tây Phương thanh tịnh, nên đối với các thứ sóng ánh sáng đều có thể trông thấy. Vì vậy, thế giới ấy khác hẳn. Nếu chúng ta cũng trông thấy các loại sóng ánh sáng thì [sẽ thấy] dưới mặt đất cũng trong suốt, cũng thấy dưới lòng đất, chúng ta gọi chuyện này là Thiên Nhãn. Người có Thiên Nhãn Thông chẳng bị chướng ngại, có thể thấy phía dưới mặt đất. Hiện thời có những kẻ khoe có Thiên Nhãn, nhưng “Thiên Nhãn” rất hữu hạn. Có nhiều kẻ nói thật ra chẳng hề có Thiên Nhãn, nhưng tự xưng là có Thiên Nhãn, chưa chắc đã là thật. Thiên Nhãn thật sự thì vách tường chẳng trở ngại được, chúng ta ngồi trong nhà, người bên ngoài qua lại đều có thể thấy rất rõ ràng, đó mới là Thiên Nhãn. Nếu người bên ngoài đang hoạt động tại đó mà chúng ta không biết, chẳng phải là Thiên Nhãn! Thiên Nhãn chẳng có chướng ngại, trông thấy tình hình dưới mặt đất.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28