/ 28
332

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 17

 

Xin mở kinh bổn, trang chín mươi tám, hàng thứ hai đếm từ dưới lên.

Thiên nhị bách ngũ thập nhân câu.

千二百五十人俱。

(Một ngàn hai trăm năm mươi người nhóm họp).

 

Đây là Chúng Thành Tựu. Trong phần trước đã giới thiệu thời gian, xứ sở, và vị chủ giảng của pháp hội này; ở đây, giới thiệu thính chúng. Một ngàn hai trăm năm mươi người ở đây là các vị đệ tử thường theo hầu đức Thế Tôn, gần như suốt đời chẳng rời khỏi Thích Ca Mâu Ni Phật, nên trong phần đầu mỗi bộ kinh đều nêu tên các Ngài. Do đâu mà có một ngàn hai trăm năm mươi người này, trong chú giải đã nói rõ, chẳng cần giới thiệu nhiều[1]. Những vị này là Thanh Văn Chúng, cũng được gọi là Tiểu Thừa đệ tử. Dưới đây là Bồ Tát Chúng:

 

Bồ Tát tam vạn nhị thiên nhân. Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử nhi vi thượng thủ.

菩薩三萬二千人。文殊師利法王子而為上首。

(Bồ Tát ba vạn hai ngàn người, Văn Thù Sư  Lợi pháp vương tử làm Thượng Thủ).

 

Ở đây, có chữ [bị in] sai. [Chữ Vương (王) trong từ ngữ] “pháp vương tử” bị viết thành Ngũ (五), tức là Pháp Ngũ Tử. Chữ Ngũ ấy phải là chữ Vương, Pháp Vương Tử!

Thanh Văn Chúng nhất định là người xuất gia, một ngàn hai trăm năm mươi người ấy là hàng xuất gia. Bồ Tát Chúng không nhất định xuất gia, chúng tại gia cũng rất nhiều. Như bốn vị đại Bồ Tát thị hiện tại Trung Hoa, chỉ có Địa Tạng Bồ Tát thị hiện tướng xuất gia, những vị khác như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền đều hiện tướng tại gia. Do vậy, trong chúng Bồ Tát, hàng tại gia đông đảo. Thượng Thủ trong chúng Bồ Tát là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tượng trưng trí huệ bậc nhất. Trong kinh này, không liệt kê Thượng Thủ của hàng Thanh Văn, chỉ có trong hàng Bồ Tát là liệt kê một vị Thượng Thủ; đó là vì nhân duyên phát khởi của bộ kinh này vô cùng đặc thù.

Phần Thông Tự được giới thiệu tới đây, kế tiếp là Biệt Tự, tức là Phát Khởi Tự. Chúng ta xem trang một trăm, hàng thứ nhất. Trong Phát Khởi Tự có hai đoạn, đoạn thứ nhất là Đối Biện Bất Đồng (biện định về sự khác biệt). Trong phần Đối Biện Bất Đồng, lại chia thành hai đoạn ngắn. Đoạn thứ nhất là Phiếm Cử Sai Biệt (nêu chung sự sai biệt), đoạn thứ hai là Chánh Hiển Kim Kinh (nêu rõ điều sai biệt trong kinh này). Phát Khởi là nói tới nhân duyên của bộ kinh này. Gần như Thông Tự của tất cả hết thảy các kinh đại khái giống nhau, nhưng Phát Khởi Tự thì mỗi hội mỗi khác, đều có nhân duyên đặc thù.

Chúng ta xem nhân duyên của bản kinh này trong đoạn thứ hai của trang này, tức đoạn Chánh Hiển Kim Kinh. “Kim kinh chánh dĩ sát phụ, dĩ vi Phát Khởi” (Kinh này chánh yếu dùng chuyện [vua A Xà Thế] giết cha để làm nhân duyên phát khởi); do đó, sự phát khởi này hết sức đặc thù: Vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ, nhân duyên phát khởi từ chỗ này. “Hà cố cử thử nghịch sự vi phát khởi da? Vị chương thử giới cực ác, linh nhân yếm khí. Thân sở sanh tử, do thượng nguy hại, tức dục linh nhân đồng hân Tịnh Độ” (Vì cớ sao nêu lên chuyện ác nghịch này để làm nhân duyên phát khởi? Nhằm tỏ rõ thế giới này ác độc đến mức cùng cực, khiến cho người ta chán bỏ. Con ruột do chính mình sanh ra mà còn hãm hại ta, nhằm muốn làm cho mọi người cùng ưa thích Tịnh Độ). Đây là ý nghĩa được bao hàm trong việc phát khởi. Nói thật ra, vào thời cổ đã có chuyện ác nghịch kiểu này, từ xưa đến nay đều có, nhưng luôn là số ít. Trong xã hội cận đại, chúng ta thấy chuyện bất hiếu, ngỗ nghịch quá nhiều, nhiều đến nỗi không đáng coi là tin tức để đăng tải, chỗ nào cũng đều có.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28