QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 16
Giảng đường của chúng ta là đạo tràng giảng kinh quanh năm, nên có nhiều chỗ có thể tỉnh lược. Chẳng hạn như kinh chia thành ba phần là Tự, Chánh, Lưu Thông, mỗi bộ kinh đều là như thế, ở đây, cũng có thể chẳng cần nói tới. Chúng ta xem kinh văn, trang tám mươi sáu, hàng thứ hai từ dưới đếm lên:
Như thị.
如是。
Hàng thứ hai đếm từ dưới lên nơi trang tám mươi bảy là:
Ngã văn.
我聞。
Đối với phần mở đầu kinh này là “như thị ngã văn”, trong phần chú giải ở chỗ này có mấy câu rất hay, chúng ta đọc chú giải: “Như Thị giả, chư pháp Thật Tướng, cổ kim bất dị, danh Như. Như lý nhi thuyết, vi Thị. Quyết định khả tín, cố vân Như Thị” (Như Thị: Thật Tướng của các pháp xưa nay chẳng khác, nên gọi là Như. Nói đúng như Lý là Thị. Quyết định đáng tin, nên nói là Như Thị). Trong Tự Phần của một bộ kinh, có thể chia thành hai phần, phần trước gọi là Chứng Tín Tự, phần sau là Phát Khởi Tự. Có thể nói là Chứng Tín Tự thì mỗi bộ kinh đều giống nhau, Phát Khởi Tự chẳng vậy. Phát Khởi Tự là mỗi bộ kinh đều có nhân duyên đặc biệt, nhân duyên đặc biệt nhằm nói rõ sự xuất hiện của bộ kinh này, mỗi bộ đều khác nhau. Hai chữ Như Thị bao hàm ý nghĩa hết sức sâu rộng, ở đây chỉ dùng hai câu để giải thích hết sức tinh vi, thỏa đáng, rất khó có. Thật Tướng của các pháp là chân tướng của hết thảy các pháp, chân tướng vĩnh viễn chẳng biến đổi, đó là Như. Đức Phật giảng hết thảy các kinh nhằm giảng rõ cho chúng ta biết chân tướng của hết thảy các pháp. Vì thế, đức Phật nói gì? Phật nói về Như. Nói sâu, nói rộng, chẳng có một pháp nào không Như. Nói dài, nói ngắn, luôn luôn chẳng ra ngoài phạm vi này. Do vậy, đức Phật giảng kinh bèn đúng như Lý mà nói, đó gọi là Thị.
Thật Tướng mà được nói đúng như Lý thì chúng ta chắc chắn có thể tin tưởng, nên trong phần Chứng Tín, đặt hai chữ ấy đầu tiên, gọi là Tín Thành Tựu. Đối với Phật pháp, nếu chúng ta không tin tưởng, sẽ chẳng có cách nào tiếp nhận. Không chỉ là Tịnh Độ Tông nhấn mạnh ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, mà đối với tất cả hết thảy các kinh luận Đại Tiểu Thừa, nếu quý vị chẳng tin, chắc chắn là sẽ chẳng đạt được thụ dụng. Vì thế, một phần tin tưởng chân thành, sẽ được một phần lợi ích; mười phần tin tưởng chân thành, sẽ được mười phần lợi ích. Phải biết những điều do Phật, Bồ Tát nói chính là Thật Tướng của các pháp, là tướng chân thật của hết thảy các pháp, có mấy ai biết? Nay chúng ta mở kinh điển ra, vẫn cứ phê phán, phê bình, [vận dụng] cách nghĩ, cách nhìn của ta, còn làm gì được nữa? Chẳng có cách nào! Cách nhìn và cách nghĩ của ta đều chẳng phải là chân tướng của các pháp, nhưng lại sử dụng chúng để phê bình chân tướng của các pháp, hết cách! Kinh Phật thường gọi hạng người ấy là Nhất Xiển Đề (Icchantika). Nhất Xiển Đề dịch sang nghĩa tiếng Hán là “chẳng có thiện căn”, do chẳng thể tiếp nhận giáo huấn của thánh nhân, nên chẳng có thiện căn. Vì thế, phần này là Tín Thành Tựu.
Trong hàng thứ tư nơi trang tám mươi bảy cũng có mấy câu rất hay, chúng ta xem từ câu thứ hai: “Duy Viên sơ tâm, tức liễu chư pháp nhất nhất trung thật, đương xứ giai Như. Xứng thử nhi đàm, vô phi viết Thị” (Chỉ có bậc sơ tâm trong Viên Giáo hiểu rõ sự chân thật trong mỗi một pháp, ngay nơi đó đều là Như. Nói tương xứng với điều đó, không sai, nên gọi là Thị). Trong Đại Thừa Phật pháp, khó có nhất là căn tánh viên đốn. Căn tánh viên đốn từ đâu mà có? Đương nhiên là phải nói tới căn bản, tức là nhiều đời nhiều kiếp trong đời quá khứ đã luôn tu học pháp môn này, đời này gặp được kinh luận viên đốn, vừa tiếp xúc liền tâm khai ý giải, tự nhiên sanh tâm hoan hỷ. Đó là thiện căn sâu dầy trong đời quá khứ. Đó là nhân tố cơ bản, nhân tố quan trọng nhất. Kế đó, gặp được duyên phận viên đốn, gặp giáo học viên đốn, trải qua một thời gian huân tập khá dài, căn cơ viên đốn hiện tiền; do vậy, có thể tiếp nhận pháp môn này. Tình hình như vậy cũng chẳng ít, mà cũng là khá nhiều. Trong lịch sử Trung Quốc, khá nhiều vị tổ sư đại đức, nói thật ra, sau khi đã nghiên cứu kinh giáo bao nhiêu năm, bèn hoát nhiên khai ngộ, nhập pháp môn này, đó là căn tánh đã chín muồi. Nếu không phải do nguyên nhân này, sẽ khá khó khăn.
Có ai chẳng hy vọng chính mình là căn tánh viên đốn? Có thể có niệm ấy, hễ có ý niệm ấy thì đều là đã có thiện căn trong đời quá khứ. Hiện tại, chúng ta chẳng thể Viên, mà cũng chẳng thể Đốn, thì phải đổ nhiều công sức nơi kinh điển, tăng cường trợ duyên. Có người sau bao nhiêu năm [dốc sức nơi kinh điển], cũng biến thành [căn tánh viên đốn] thật sự, kiến giải và tư tưởng viên dung, chẳng còn chấp trước nữa, chẳng lo mài chuốt đầu sừng trâu nữa[1], tư tưởng đã mở rộng. Tâm khai ý giải, viên dung xuyên suốt, đều phải cậy vào sự huân tập bằng kinh giáo Đại Thừa viên đốn. Ở Trung Quốc, những kinh điển phổ biến nhất là Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Viên Giác, cũng như kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh Tông chúng ta đều thuộc loại đại pháp viên đốn. Bậc sơ tâm trong Viên Giáo đáng quý, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ, chẳng còn hoài nghi, có thể tiếp nhận, dần dần thông hiểu: Hết thảy các pháp, không pháp nào chẳng Như. Pháp nào cũng đều Như, pháp nào cũng đều Thị; tư tưởng và kiến giải hết sức đáng quý. Tuy cách Phật còn rất xa, nhưng đã tương ứng với Phật, đã tiếp cận Phật. Sợ là quý vị chẳng chịu học, chứ càng học sẽ càng tiếp cận, tốc độ tiếp cận lại còn tăng nhanh hơn. Vì thế, hết sức đáng quý. Khó nhất là kẻ nghi ngờ, lo lắng trùng trùng, nghe nói như vậy, bèn: “Ta chẳng cho là đúng, kẻ này thuyết pháp kiểu này, kẻ kia thuyết pháp kiểu nọ”, khó khăn lắm! Người ấy có quá nhiều chướng ngại! Tôi giới thiệu đơn giản [chữ Như Thị] đến đây!