QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 18
Xin mở kinh bổn, trang một trăm lẻ tám. Chúng ta xem kinh văn, dòng thứ ba từ dưới đếm lên.
Như thị thời gian, kinh tam thất nhật, vương thực sao mật, đắc văn pháp cố, nhan sắc hòa duyệt.
如是時間。經三七日。王食麨蜜。得聞法故。顏色和悅。
(Thời gian như thế trải qua hai mươi mốt ngày, vua do ăn bột rang và mật, được nghe pháp, nên vẻ mặt ôn hòa, vui sướng).
Nhìn từ chuyện này, bất luận là vua Tần Bà hay phu nhân Vi Đề Hy, có thể nói là đều gặp phải nghịch duyên hay nghịch cảnh thì mới phát tâm học Phật, giác ngộ từ chỗ này. Duyên tuy là nghịch ác, nhưng hậu quả đạt được lại là chánh diện, là chí thiện. Nhất là phu nhân Vi Đề Hy mong cầu sanh Tịnh Độ, đấy là cơ duyên hiếm có, khó gặp, chẳng ngờ sẽ được chín muồi ở chỗ này, rất khó có! Nếu chúng ta có thể thường ghi nhớ những chỗ này, quan sát thế gian, nhắc nhở chính mình: Đối với những cảnh ngộ gặp gỡ trong thế gian, hãy nên giống như họ, có thể dấy lên giác tánh, nghiêm túc nỗ lực tu học. Tất cả các nghịch duyên đều là Tăng Thượng Duyên tốt nhất. Người đang gặp khổ nạn, nói thật ra, tâm cầu đạo càng ân cần, tha thiết hơn. Hết thảy đều là thuận cảnh, dẫu gặp gỡ Phật pháp cũng rất khó tu trì, thiện căn sâu dầy, sanh khởi tâm hoan hỷ mà thôi, chứ nghiêm túc tu học hết sức khó khăn. Vì thế, nói thật ra, nghịch cảnh trọn chẳng phải là chuyện xấu. Trong kinh, đức Phật thường dạy chúng ta: “Lấy khổ làm thầy”. Xác thực là dễ thành tựu trong khổ nạn.
Quốc vương tuy bị giam cầm, giam cầm đã hai mươi mốt ngày, thời gian rất dài. Nhà vua được ăn uống, lại gặp ngài Mục Kiền Liên và Phú Lâu Na thuyết pháp, vua đạt được pháp hỷ, cho nên “nhan sắc hòa duyệt”, do đạt được pháp hỷ đó mà! Lại xem đoạn kinh văn tiếp theo:
Thời A Xà Thế vấn thủ môn giả.
時阿闍世問守門者。
(Khi ấy, A Xà Thế hỏi người canh cửa).
Đã qua hai mươi mốt ngày, ông ta đến tra hỏi đôi chút, nói:
Phụ vương kim giả do tồn tại da?
父王今者猶存在耶。
(Nay phụ vương vẫn còn sống ư?)
Ông ta hỏi cha mình có còn sống hay chăng? Hỏi kẻ giữ cửa, có còn sống hay chăng? Đã chết hay chưa?
Thời thủ môn nhân bạch ngôn. Đại vương.
時守門人白言。大王。
(Khi ấy, kẻ giữ cửa tâu rằng: “Tâu đại vương”).
Chữ “đại vương” dành để gọi A Xà Thế, vì A Xà Thế là vua trong hiện thời.
Quốc thái phu nhân, thân đồ sao mật, anh lạc thịnh tương, trì dụng thượng vương. Sa-môn Mục Liên cập Phú Lâu Na, tùng không nhi lai, vị vương thuyết pháp, bất khả cấm chế.
國太夫人。身塗麨蜜。瓔珞盛漿。持用上王。沙門目連。及富樓那。從空而來。為王說法。不可禁制。
(Quốc thái phu nhân, thân bôi bột rang và mật, chuỗi đeo đựng nước trái cây ép, đem dâng lên vua. Sa-môn Mục Liên và Phú Lâu Na từ trên hư không hiện tới, thuyết pháp cho nhà vua, chẳng thể ngăn cấm).
Người giữ cửa biết tình hình sự thật, cũng chẳng giấu giếm. Anh ta nói hoàng thái hậu mỗi ngày đem đồ ăn, thức uống cho vua, tâu trình tình hình này. Khi ấy, quốc vương cấm những kẻ khác không được gặp vua cha, chẳng nói cấm vương hậu không thể ra vào, chẳng nói tới lời ấy. Do đó, vương hậu vào ra rất tự do, chẳng có ai ngăn trở bà ta. Mục Liên và Phú Lâu Na do thần thông, từ không trung bay đến, bay đi, anh ta cũng chẳng biết làm sao, ngăn chặn không được! Chẳng có cách nào! Những chuyện ấy không có cách nào cấm chỉ, quyền lực của họ đều chẳng làm gì được. Chỉ đành thật thà tâu chuyện này lên A Xà Thế: Cha Ngài nay chưa chết, vẫn còn sống!
Thời A Xà Thế văn thử ngữ dĩ, nộ kỳ mẫu viết: “Ngã mẫu thị tặc, dữ tặc vi bạn. Sa-môn ác nhân, huyễn hoặc chú thuật, linh thử ác vương, đa nhật bất tử”. Tức chấp lợi kiếm, dục hại kỳ mẫu.
時阿闍世聞此語已。怒其母曰。我母是賊。與賊為伴。沙門惡人。幻惑咒術。令此惡王。多日不死。即執利劍。欲害其母。
(Khi ấy, A Xà Thế nghe lời ấy, giận mẹ nói: “Mẹ ta là giặc, kết bè đảng với giặc. Sa-môn là kẻ ác, chú thuật huyễn hoặc, khiến cho ác vương đã nhiều ngày chẳng chết”. Liền cầm gươm bén, toan hại mẹ mình).
Người Hoa gọi chuyện này là “thấy lợi tối mắt”, vì thỏa tư lợi của chính mình, hoàn toàn chôn vùi lý trí. Không chỉ muốn hại cha, mà nay còn muốn sát hại mẹ. Đúng là ác nghịch đến cùng cực. Chúng ta xem phần kinh văn kế tiếp, trang một trăm mười một, xem phần kinh văn được in cao hơn một chữ.