286

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 15

 

Xin mở kinh bổn, chúng ta xem trang tám mươi hai, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, xem từ câu cuối cùng.

“Vị ác chi trọng giả, vô quá Ngũ Nghịch, Ngũ Nghịch thị nghiệp, tùng ư thượng phẩm phiền não nhi khởi” (Y nói: Điều ác không gì nặng hơn Ngũ Nghịch, Ngũ Nghịch là nghiệp khởi từ phiền não thượng phẩm). “Thượng phẩm” là phiền não rất nặng, là phiền não hết sức thô nặng, “chiêu Vô Gián khổ” (chuốc lấy nỗi khổ Vô Gián). “Vô Gián” là Vô Gián địa ngục, trong phần trước gọi nó là A Tỳ địa ngục.

“Thử kinh đại lực, năng diệt thử đẳng cực trọng tam chướng, tức sanh Tịnh Độ. Nhược chướng tánh phi Tam Đức, hà năng Vô Gián chuyển vi Cực Lạc? Tùng cực độn căn, thả luận thập niệm sanh tối hạ phẩm. Nhược tùng lợi căn, phi bất năng sanh thượng chi bát phẩm. Dĩ kỳ Ngũ Nghịch, Thể thị Tịch Quang, cố khả ư thử tịnh tứ Phật độ” (Kinh này có sức to lớn, có thể diệt ba thứ chướng cực nặng này, liền sanh về Tịnh Độ. Nếu tánh của các chướng ấy chẳng phải là Tam Đức, làm sao có thể chuyển Vô Gián thành Cực Lạc? Xét theo căn cơ cực độn, lại còn nói mười niệm sẽ sanh trong phẩm thấp nhất. Nếu xét theo hàng lợi căn, không ai chẳng thể sanh trong tám phẩm thượng. Ấy là vì Thể của Ngũ Nghịch là Tịch Quang, nên có thể sanh trong bốn cõi Phật thanh tịnh ấy). Đoạn này rất khẩn yếu! Trong [khi giảng] Đại Kinh, chúng tôi đã từng nói: Phẩm vị vãng sanh cao hay thấp do gặp duyên khác nhau, đoạn này có thể chứng minh cho chúng tôi! Nếu chúng ta gặp duyên thù thắng, không chỉ có thể tiêu trừ tội cực nặng, mà còn có thể tăng cao phẩm vị.

Duyên có hai loại:

1) Một loại là thiện hữu. Kinh gọi [thiện hữu] là “thiện tri thức”, chúng ta thường gọi là “thầy”. Vị thầy ấy có phải là thật sự hữu tu, hữu chứng hay không? Nói cách khác, vị ấy có thật sự hiểu rõ triệt để Tịnh Độ hay không, giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín. Đây là một duyên rất quan trọng.

2) Một duyên khác là hoàn cảnh tu học. Trong hoàn cảnh, quan trọng nhất là đồng tham đạo hữu. Một người thành tựu thì một là nhờ thầy, hai là bạn. Có thầy tốt, mà chẳng có đồng tham đạo hữu tốt, chẳng thành tựu dễ dàng. Vì thầy chẳng thể bầu bạn cộng tu cùng quý vị, người sẽ bầu bạn cộng tu với chúng ta chính là bạn học. Vì thế, phải có đồng học thật sự tốt đẹp, có thể thường cùng ta trau giồi, rèn giũa.

Hai điều này hễ thiếu một sẽ chẳng dễ dàng! Vì thế, gặp được thầy tốt, lại còn phải có bạn học tốt. Tiếp đó là hoàn cảnh tu hành, điều này cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là hai điều kiện trên đây. Vì thế, có thầy tốt, lại có đồng tham đạo hữu tốt, lại còn có hoàn cảnh tu học tốt, đạo nghiệp tất nhiên tăng trưởng.

Người học Phật, thời cổ nói là “tham học”. Thật ra, tham học là đi tìm ba điều kiện ấy. Đến khắp nơi xem xét, nghe nhiều, đương nhiên vẫn phải là [tìm tòi] một nơi phù hợp với căn tánh của chính mình, phù hợp với chí thú của chính mình. Có điều kiện tốt đẹp như thế, đặc biệt là trọn đủ điều kiện, người ấy sẽ ở lại nơi đó, suốt đời cũng chẳng rời khỏi. Trong Cao Tăng Truyện, chúng ta thường thấy chuyện này, cả ba điều kiện ấy thảy đều trọn đủ, [người tham học sẽ trụ mãi ở nơi đó]. Trong xã hội hiện tiền, thường được gọi là xã hội công lợi[1]. Nói thật thà, xã hội xưa kia thuộc loại xã hội đạo nghĩa. Làm cường đạo thổ phỉ cũng có đạo nghĩa, trộm cướp cũng có đạo nghĩa! Hiện thời là xã hội công lợi, xã hội công lợi quá đáng sợ! Chẳng có đạo nghĩa! Nói cách khác, rất khó tìm được cả ba điều kiện ấy. Gặp được thầy tốt, chưa chắc đã có đồng học tốt. Có đồng tham đạo hữu tốt đẹp, chẳng có thầy tốt chỉ dẫn, hoàn cảnh tu học càng khó hơn nữa!

Trong tình hình ấy, nói thật thà, học các pháp môn khác hết sức khó khăn, chỉ có mỗi cách thật thà niệm Phật là còn được, chúng ta còn có thể đạt được mục tiêu này, thật sự thật thà niệm Phật. Niệm Phật là sám hối nghiệp chướng, chúng ta biết [chính mình] tội nghiệp rất nặng. Nay kể như đã hiểu tội nghiệp là gì? Là khởi tâm động niệm, tà tri tà kiến, tham, sân, si, mạn, đó là nghiệp chướng. “Nghiệp” là tạo tác, là động tác. “Chướng” là chướng ngại bản tánh, chướng ngại tâm thanh tịnh, khiến cho công phu niệm Phật của chúng ta chẳng thể thành phiến, chẳng đạt được nhất tâm bất loạn, Chướng chính là ngăn chướng điều ấy! Có thể thật thà niệm Phật, hễ ý niệm vừa dấy lên, bèn dùng một câu Phật hiệu để thay thế. Niệm Phật hiệu rất siêng năng, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, xác thực là phương pháp tiêu nghiệp chướng thù thắng nhất. Kinh luận có dạy chúng ta: Nghiệp chướng cực nặng, tất cả hết thảy phương pháp đều chẳng tiêu thì phương pháp niệm Phật có thể tiêu. Từ đoạn này, chúng ta lại thấy, tội nghiệp cực nặng vẫn có thể vãng sanh thế giới Tây Phương.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net