/ 28
258

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 14

 

Xin mở kinh bổn, xem hàng thứ hai trong trang bảy mươi ba.

Đoạn văn này có bốn câu, nói rõ tiêu chuẩn tịnh uế trong bốn cõi Tịnh Độ. Câu đầu tiên là phân định theo sự nặng nhẹ của Ngũ Trược, đó là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Câu thứ hai nói về cõi Phương Tiện Hữu Dư, chính là “Tích Thể xảo chuyết”, luận định sự tịnh uế trong cõi Phương Tiện Hữu Dư từ chỗ này. Tích (析) là phân tích, Thể (體) là thấu hiểu. Từ phân tích, bèn nhận thức vạn pháp đều là Không (đó là Tích Không Quán), phương pháp này hơi vụng về. Có thể lập tức lãnh hội [vạn pháp đều là Không, đó là Thể Không Quán]. Căn tánh này tương đối nhạy bén hơn. Do đó, Thể Không Quán là cõi Phương Tiện tịnh, Tích Không Quán là cõi Phương Tiện uế. Phân chia theo cách như vậy.

Câu thứ ba là nói về cõi Thật Báo, nói tới Tam Quán. Thứ Đệ Tam Quán là cõi Thật Báo uế, Nhất Tâm Tam Quán là cõi Thật Báo tịnh.

Cõi Thường Tịch Quang [được phân định tịnh hay uế dựa trên] Phần Chứng và Cứu Cánh. Phần Chứng: Từ Viên Giáo Sơ Trụ đến Đẳng Giác Bồ Tát đều là Tịch Quang uế độ. Cứu Cánh Giác là đã thành Phật, đoạn sạch một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, đó là Tịch Quang Tịnh Độ. Do đó trong kinh Đại Thừa có nói: “Duy Phật nhất nhân cư Tịnh Độ” (Chỉ có một mình Phật ngự trong cõi Tịnh Độ). Cõi Tịnh Độ ấy phải là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Chúng ta phải nên biết những điều này là nói đại lược.

Đoạn văn tiếp đó nhằm giảng rõ ràng, tỉ mỉ bốn cõi Tịnh Độ. Trong hàng thứ nhất và thứ hai nơi trang bảy mươi bốn, thuyết minh cõi Đồng Cư. Đoạn kể từ hàng thứ ba trong trang bảy mươi lăm nói về cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nơi hàng thứ nhất trong trang bảy mươi bảy, có bốn dòng nói về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Trong trang bảy mươi tám, xem từ hàng thứ ba, hai hàng và một câu giảng về cõi Thường Tịch Quang. Kinh văn và chú giải trong các đoạn ấy nói khá cặn kẽ. Đối với bốn loại Tịnh Độ này, trong khi giảng kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, do đã từng nói, nên chúng tôi tỉnh lược đoạn văn này, vì cũng chẳng quan trọng cho lắm. Bởi lẽ, thời gian dành cho khóa giảng này khá ngắn, chúng ta phải chọn lựa những điểm quan trọng có liên quan đến sự tu hành của chúng ta để nói nhiều hơn một chút.

Sau đó là tổng kết, trong trang bảy mươi chín, hàng thứ tư đếm từ dưới lên: “Cố dĩ tu tâm diệu quán, năng cảm Tịnh Độ, vi kinh Tông dã” (Nên lấy “tu tâm diệu quán có thể cảm Tịnh Độ” làm Tông của kinh). Chúng ta lật sang trang tám mươi, xem chú giải. Hàng thứ nhất trong trang tám mươi, xem từ chữ thứ tư: “Thích đề Tam Quán, vi bị hà nhân, vi hà xứ dụng, tu tri chánh vị sanh Đồng Cư tịnh, cố thuyết Tam Quán” (Dùng Tam Quán để giải thích tựa đề kinh là nhằm thích ứng với hạng người nào, dùng vào chỗ nào? Hãy nên biết: Chính vì người sẽ sanh vào Đồng Cư Tịnh Độ mà nói Tam Quán). Đây là mục đích của việc đức Phật nói kinh và các tổ sư đại đức giảng giải bộ kinh này, dụng ý hoàn toàn nhắm vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Vì sao? Vì nói thật ra, chúng ta thật sự có phần nơi cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Ba cõi Tịnh Độ trên, chúng ta chưa chắc đã có phần, nhưng xác thực là có phần trong cõi [Đồng Cư Tịnh Độ] này. Tuy thế, chúng ta đã đọc từ kinh Vô Lượng Thọ, Tây Phương Cực Lạc thế giới là một thế giới bình đẳng. Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vẫn cũng có thể đạt được sự thụ dụng của thượng thượng phẩm trong cõi Thật Báo. Điều này hết sức chẳng thể nghĩ bàn! Trong hết thảy các kinh, chẳng có cách nói này. Trong hết thảy các cõi Phật, cũng chưa nghe đức Phật nói kiểu này. Đó là sự thù thắng trong thế giới Tây Phương. Vì thế, hết thảy chư Phật đều khuyên chúng sanh cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói cách khác, Tịnh Độ của mười phương thế giới chư Phật là bất bình đẳng. Thích Ca Mâu Ni Phật có Tịnh Độ, cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Thích Ca Mâu Ni Phật tuyệt đối chẳng kém Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng chúng không ở cùng một chỗ. Bốn cõi trong thế giới Tây Phương ở cùng một chỗ, sanh về một là sanh về hết thảy. Đó là chỗ khiến cho Tịnh Độ của đức Bổn Sư chẳng bằng Tịnh Độ của A Di Đà Phật, chứ không phải là đức Bổn Sư chẳng có Tịnh Độ. Chúng ta phải biết chân tướng sự thật này, mới hiểu vì sao đức Thế Tôn chẳng khuyên chúng ta sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chính Ngài, mà khuyên sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư của A Di Đà Phật, lý do ở ngay chỗ này.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28