QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 13
Xin mở kinh bổn, trang sáu mươi tám, dòng thứ hai đếm từ dưới lên:
“Tam, Minh Tông”: Đây là phần Huyền Nghĩa, cũng là đoạn lớn thứ ba trong phần Khái Yếu. “Tông vị yếu, thử kinh chi yếu, tại tu tâm diệu quán, cảm ư Tịnh Độ” (Tông nghĩa là chánh yếu. Điều chánh yếu trong kinh này là tu tâm diệu quán cảm Tịnh Độ). Phần Biện Thể được nói trong phần trước là căn cứ lý luận, đoạn này nói đến tông chỉ, tức là phương pháp tu hành, cũng là tổng cương lãnh tu học của toàn bộ kinh này, hết sức quan trọng. Nếu hiểu rõ lý luận, nhưng chẳng biết phương pháp tu học, thì vẫn chẳng thể thụ dụng. Phương pháp tu hành trong kinh này là Quán, tức là mười sáu phép Diệu Quán. Chúng ta đọc phần tiếp theo: “Tâm quán, tức thị Nhất Tâm Tam Quán, Thích Danh chi trung, kỳ tướng dĩ ủy” (Tâm quán chính là Nhất Tâm Tam Quán. Trong phần giải thích tên kinh, đã giải thích tướng ấy). “Ủy” (委) là đã được giải thích. Trong phần trước đã nói qua, [nên lời Sao viết tiếp]: “Cảm độ chi tướng, thử văn bị luận” (Trong phần kinh văn nói về tướng trạng của các cõi nước được cảm, đã luận định đầy đủ). Tu Nhất Tâm Tam Quán, cảm được bốn thứ Tịnh Độ, bốn thứ Tịnh Độ đã được nói rõ trong đoạn ấy. “Kim kinh diệu tông, tại thử nhân quả” (Tông chỉ mầu nhiệm của kinh này ở trong nhân quả ấy): Nhất Tâm Tam Quán là nhân, cảm bốn cõi [Tịnh Độ] là quả, tu nhân chứng quả. Chúng ta xem đoạn kinh văn tiếp theo.
“Thứ minh kinh Tông” [nghĩa là] tiếp theo đây, trong đoạn thứ ba, sẽ nói rõ tông chỉ của kinh này. “Sơ giản Tông Thể, thứ chánh minh Tông” (Trước hết là biện định Tông và Thể; sau đó, sẽ chánh thức nói về Tông), chia thành hai đoạn. Chúng ta xem kinh văn: “Hữu nhân ngôn, Tông tức thị Thể, Thể tức thị Tông” (Có người nói: Tông chính là Thể, Thể chính là Tông). Có kẻ nói như vậy, coi Tông và Thể là một chuyện, thật ra, chẳng đúng, Tông và Thể có sai biệt. “Kim sở bất dụng” (Nay chẳng dùng thuyết ấy), [nghĩa là] không chủ trương tuân theo cách nói như vậy. “Hà giả? Tông ký thị nhị, Thể tức bất nhị. Thể nhược thị nhị, Thể tức phi Thể” (Vì lẽ nào? Tông đã là hai, Thể chính là chẳng hai. Nếu Thể là hai, thì Thể chẳng phải là Thể). Xác thực là bản thể chỉ có một, chẳng thể có hai; hễ có hai, sẽ chẳng thể gọi là Thể được! “Tông nhược bất nhị, Tông tức phi Tông” (Nếu Tông chẳng hai, Tông sẽ chẳng phải là Tông). Tông là phương pháp tu hành. Xác thực là đối với phương pháp tu hành, mỗi bộ kinh có phương pháp riêng của bộ kinh ấy, tuyệt đối chẳng phải là một. “Như lương trụ, thị ốc chi cương duy” (Như kèo cột, là cái khung của căn nhà): Nêu tỷ dụ về việc dựng nhà, cột và kèo trong khi dựng nhà hết sức quan trọng. Trước hết, phải gác dựng kèo cột rồi mới có thể lợp nhà. “Ốc không, thị lương trụ sở thủ” (Khoảng trống trong căn nhà là do kèo cột tạo thành), sử dụng căn nhà là sử dụng khoảng không gian [trong căn nhà ấy]. Nếu nhà chẳng có khoảng trống bên trong, căn nhà ấy sẽ chẳng thể sử dụng được! Vì thế, nói là “dùng Không”. “Bất ưng dĩ lương trụ thị ốc không, ốc không thị lương trụ” (Chớ nên nghĩ kèo cột là khoảng trống trong nhà, coi khoảng trống trong nhà là kèo cột). Nêu tỷ dụ này dễ hiểu, đó là tỷ dụ về Tông. Xét theo bản chất của Tông, thì quả thật chẳng phải là một, mà là hai; nhưng mối quan hệ giữa Tông và Thể hết sức mật thiết! Tông ắt phải nương vào Thể để kiến lập, tách rời khỏi Thể thì lấy đâu ra Tông?
Trong phần Sao tiếp đó, tức là trong phần chú giải, có hai câu nói rất khẩn yếu: “Tông thị nhân, quả thuộc Sự” (Tông là nhân, quả thuộc về Sự). Trong đây, [đã nêu lên] mối quan hệ nhân quả, tu nhân sẽ chứng quả. Vì vậy, Tông là cương lãnh tu hành, quả báo là bốn thứ Tịnh Độ ở Tây Phương. “Thể thị nhất tánh, thuộc Lý” (Thể là một tánh, thuộc về Lý), nhân cũng căn cứ trên Lý ấy, mà quả vẫn căn cứ trên Lý ấy, Lý là một. “Tuy bất tương xả, nhị nghĩa tu phân” (Tuy chẳng lìa bỏ nhau, nhưng hai nghĩa vẫn cần phải tách biệt). Xác thực là nhân quả đều có nền tảng là nguyên lý ấy, nhưng chúng ta vẫn phải phân biệt rõ ràng, chẳng thể nói hàm hồ, lẫn lộn được. Vì thế, cần phải tách hai nghĩa ra. “Chấp định thị nhất, ư nghĩa quai vi” (Chấp chặt chúng là một, sẽ trái nghịch giáo nghĩa). Nếu cứ chấp trước nói chúng là một, sẽ mâu thuẫn giáo nghĩa. Kiên quyết chấp trước [Tông và Thể] là một thì vẫn có thể nói cho suông, nhưng tu hành như thế nào, chứng quả như thế nào, sẽ rất khó! Vì thế, ắt phải phân biệt chúng.