QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 12
Xin mở trang sáu mươi hai. Trong bản Sớ Sao này, chúng ta dùng tác phẩm do pháp sư Đế Nhàn trích lục từ bộ Sớ Sao, gần như là nguyên văn, chính pháp sư Đế Nhàn thêm [những lời chú giải] rất ít, tối đa chỉ là giới thiệu từ ngữ mà thôi. Bản trích lục của lão nhân gia cũng là phần rất trọng yếu trong bộ Sớ Sao, chúng tôi vẫn hiềm thời gian quá ngắn, chẳng có cách nào giới thiệu tường tận cùng quý vị được! Chỉ là trong các phần trọng yếu, chọn lựa những điểm trọng yếu nhất đối với sự tu học bình thường của chúng ta, đặc biệt có quan hệ với sự niệm Phật, để giới thiệu đơn giản, ngắn gọn cùng mọi người.
Từ Sớ Sao, chúng ta hiểu rõ Phật pháp đích xác là sống động, hoạt bát. Trong Viên Giáo, tư tưởng, kiến giải và hành trì của người căn cơ viên đốn rất gần với Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Trong vô ngại pháp giới, điều cần phải chú ý nhất là sự khác biệt giữa tà và chánh. Một niệm chánh thì là Phật pháp, một niệm tà bèn biến thành ma sự. Tạng, Thông, Biệt, Viên đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này, trong pháp Tiểu Thừa cũng là như thế. Chọn lấy điều thiện để cố chấp là tốt, nhưng nếu chẳng hiểu rõ lý luận, chẳng biết mục đích thì hễ có những sự cố chấp ấy sẽ là sai lầm, đạt được hiệu quả trái ngược. Đối với những chỗ này, nếu chúng ta đọc nhiều kinh luận Đại Thừa sẽ có thể hiểu rõ. Đây là nói tới người thuộc Viên Giáo, tư tưởng tương đối cởi mở, hễ dốc công tu tập sẽ có thể dùng giáo nghĩa Viên Giáo để làm căn cứ tu học cho chính mình. Nói cách khác, họ có thể dùng phương pháp tu hành của chư Phật và chư đại Bồ Tát làm phương pháp tu hành của chính mình. Đã nhanh chóng, lại còn đơn giản hơn mấy thứ trên đây, đó là như cổ đức thường nói: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (Người căn cơ viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên). Nói, nghe, và học tập đều chẳng ra ngoài lệ ấy. Mấy câu kế đó (như “thật tánh, thật thể, nãi chí thật bổn mạt cứu cánh đẳng”) xuất phát từ Thập Như Thị của kinh Pháp Hoa. Thập Như Thị là nói về Thật Tướng của các pháp từ bản thể cho đến hiện tượng, cho đến tác dụng đều được bao gồm [trong mười món Như Thị ấy]. Thập Như Thị cũng có các cách giảng sâu, cạn, rộng, hẹp khác nhau, do căn tánh của mỗi người mỗi khác. Nhưng trong kinh Pháp Hoa, chánh thuyết (điều được giảng chủ yếu) đương nhiên là giáo nghĩa Viên Giáo, Pháp Hoa thuần viên mà! Hoa Nghiêm là toàn viên, Pháp Hoa là thuần viên, kinh điển Đại Thừa Viên Giáo chỉ có hai bộ ấy. Nói theo giáo nghĩa Viên Giáo, hết thảy các pháp đều là Phật pháp, chẳng có một pháp nào không phải là Phật pháp.
Chúng ta lại đọc phần tiếp theo. “Ký nhất thiết giai thật, thật ngoại vô dư” (Hết thảy đã đều là thật; nên ngoài thật ra, chẳng có gì khác), ngoài chân thật ra, chẳng có thứ gì khác nữa. “Phục vân dư giai ma sự giả hà dã?” (Lại nói “những thứ khác đều là ma sự”, là vì cớ nào?). Vì sao lại nói những thứ khác đều là ma sự? Hết thảy đều là chân thật, há có ma sự gì? Đấy là chỗ đáng nghi vấn. Tiếp theo đó là lời giải thích. “Ưng tri thử thuyết, thị dĩ lý giản tình” (Hãy nên biết: Nói như vậy là dùng lý để phân biệt tình), hoàn toàn nói theo lý trí thì phải là chân thật, trong hết thảy các pháp, chẳng có một pháp nào chẳng phải là Phật pháp. “Nhược ly tâm duyên năng sở đẳng tướng, danh vi Thật Tướng” (Nếu lìa các tướng như tâm duyên, năng, sở v.v… thì gọi là Thật Tướng), đó là lý tánh thuần túy, trí huệ thuần túy, dùng trí huệ để quán chiếu. “Giới nhĩ hữu tướng, tức vi ma sự” (Hễ có một tướng nhỏ nhoi thì chính là ma sự). “Những điều khác” vừa nói trên đây chính là chỉ điều này! “Giới nhĩ” (介爾) là một mảy tơ tóc. Hễ có mảy may chấp trước, bèn gọi là “ma sự”. Vì thế, một mảy may cũng đừng nên chấp trước. Ở chỗ này, quý vị nhất định phải hiểu rõ ràng: Ly tướng hoặc chấp trước đều từ trong nội tâm của chính chúng ta. Trong tâm chớ nên chấp trước, tâm địa phải thanh tịnh; nhưng xử sự, đãi người, tiếp vật, điều gì đáng nên chấp trước thì vẫn phải chấp trước, chỗ đừng nên chấp trước sẽ chẳng chấp trước, đó là ứng dụng. Nội tâm thanh tịnh, ứng dụng tự như. Ứng dụng là đối với người khác, họ có chấp trước thì chúng ta tùy thuận sự chấp trước của họ mà chấp trước. Họ chẳng chấp trước, chúng ta cũng có thể tùy thuận sự chẳng chấp trước của họ mà cũng không chấp trước. Như vậy thì mới có thể dung hòa, tương tức với pháp thế gian, mới có thể chung sống hòa thuận, chẳng đến nỗi đối lập pháp thế gian. [Nếu đối lập] thì sai mất rồi. Phật pháp thường gọi điều này là: “Phật pháp tại thế gian, bất hoại thế gian pháp” (Phật pháp trong thế gian, chẳng hoại pháp thế gian).