266

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 11

 

Xin mở kinh bổn, trang năm mươi sáu.

Phần trước là nói Pháp Thân “thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng nhận lãnh của họ”. Trong đoạn văn này có nói Ứng Thân của A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là có hạn lượng. Đoạn văn này nằm trong trang năm mươi sáu, nơi dòng thứ ba từ dưới đếm lên, nói về “hữu lượng chi lượng” (số lượng có hạn lượng). Xem từ câu thứ hai:

“Như A Di Đà thật hữu kỳ hạn, nhân thiên mạc số, thị hữu lượng chi vô lượng” (Như A Di Đà Phật thật sự có kỳ hạn, nhưng trời người chẳng thể tính toán được, tức là vô lượng trong hữu lượng). Vấn đề này hết sức trọng yếu, vì rất nhiều người thấy kinh nói A Di Đà Phật là vô lượng thọ, lại thấy trong kinh đức Phật có nói A Di Đà Phật trong tương lai sẽ nhập diệt, Quán Âm Bồ Tát [nối ngôi] thành Phật. Sau khi Quán Âm Bồ Tát thành Phật, hóa độ chúng sanh cũng là vô lượng thọ. Sau khi Ngài nhập diệt, Đại Thế Chí Bồ Tát thành Phật. Điều này xác thực là có nói trong kinh. Nói như vậy, thọ lượng của A Di Đà Phật là hữu lượng (có hạn lượng), làm sao có thể gọi là vô lượng? Ở đây đã giải thích, giải thích rất hay. Trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói, giả sử mười phương chúng sanh, đây là nói giả sử, chẳng thật, mười phương tất cả hết thảy chúng sanh đều chứng quả Bích Chi Phật, Bích Chi Phật còn cao hơn A La Hán, thần thông đều giống như Mục Kiền Liên, Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất, thọ mạng đều là luận bằng nhiều kiếp, người đông như thế, trọn hết tuổi thọ hợp sức cùng nhau tính toán thọ lượng của A Di Đà Phật, đều tính chẳng ra! Kinh sánh ví [con số] có thể tính được giống như một giọt nước trong biển cả, tính không ra, giống như nước trong biển cả! Chúng ta có thể suy nghĩ: Thọ lượng của A Di Đà Phật là vô lượng hay là có hạn lượng? Do tính không ra, nên là vô lượng. Vì thế, “vô lượng” nói ở đây là “vô lượng trong hữu lượng”. Tuy là hữu lượng, nhưng chẳng ai có thể tính toán ra, nên có thể nói là vô lượng. Chư vị phải biết kinh nói điều này là nói tới Ứng Thân của A Di Đà Phật, A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là Ứng Hóa Thân. Đương nhiên, đối với Báo Thân, các kinh thường có nói là “hữu thỉ vô chung” (có khởi đầu, nhưng chẳng có kết thúc), sau khi chứng đắc bèn vĩnh viễn chẳng diệt. Báo Thân là thân trí huệ, là vô lượng; đó là vô lượng trong vô lượng. Đối với Pháp Thân, chẳng bàn tới hữu lượng hay vô lượng vì nó chẳng thuộc vào số lượng, nên thảy đều chẳng thể nói được. Có khi sẽ gặp phải câu hỏi này!

Ngoài ra còn có một câu hỏi khác nơi dòng thứ hai trong trang năm mươi tám. Trong Đại Luận, tức là Đại Trí Độ Luận, có một đoạn như thế này: “Đại luận tam thập lục vân” (Đại Luận, quyển ba mươi sáu có chép). Trong quyển ba mươi sáu, chúng ta biết Đại Trí Độ Luận gồm một trăm cuốn; trong quyển ba mươi sáu có một đoạn chép như thế này: “Đương tri Thích Ca cánh hữu thanh tịnh quốc độ” (Hãy nên biết Phật Thích Ca cũng có cõi nước thanh tịnh). “Thích Ca” là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có Tịnh Độ, “như A Di Đà Phật quốc” [nghĩa là Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật] giống hệt thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. “A Di Đà Phật diệc hữu bất nghiêm tịnh quốc” (A Di Đà Phật cũng có cõi nước chẳng nghiêm tịnh), [ý nói Ngài] cũng có cõi nước chẳng phải là Tịnh Độ, cũng có uế độ, “như Thích Ca Văn Phật quốc” (giống như cõi nước của Thích Ca Mâu Ni Phật), [tức là] giống như thế giới Sa Bà của chúng ta trong hiện thời. Đã đọc Đại Trí Độ Luận, người ấy chẳng mong sanh về Tây Phương Tịnh Độ nữa, vì sao? Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có Tịnh Độ chẳng khác gì Tây Phương Cực Lạc thế giới, cớ sao lại phải sang bên ấy (cõi Cực Lạc)? Vì sao phải đến nơi xa xôi ngần ấy, qua khỏi mười vạn ức cõi Phật, sang bên đó để làm gì? Đại Luận nói không sai, nếu chúng ta hỏi: Tâm địa của Thích Ca Mâu Ni Phật có thanh tịnh hay không? Thanh tịnh thì đương nhiên hiện Tịnh Độ, đó là đạo lý nhất định. Vì thế, chuyện này nói theo Lý sẽ thông suốt, về Sự thì vẫn có thể. Vấn đề hiện thời là chúng ta phải làm như thế nào thì mới có thể sanh về Tịnh Độ của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật?

Chuyện này vẫn là điều được nói trong phần trước. Trong phần trước đã có tỷ dụ, học trò theo thầy, nhưng có nghe theo giáo huấn của thầy hay không? Nếu thật sự nghe theo giáo huấn của thầy, thầy dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là sanh về thế giới Cực Lạc của Thích Ca Mâu Ni Phật! Vì sao? Kinh đã nói rất rõ ràng, sanh về một cõi Phật tức là sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chính là sanh trong hết thảy các cõi Phật. “Hết thảy chư Phật” đương nhiên bao gồm Thích Ca Mâu Ni Phật. Thấy A Di Đà Phật, thấy một vị Phật là thấy hết thảy chư Phật. Chúng ta biết điều này, có thể khăng khăng một mực niệm A Di Đà Phật, bất luận đọc kinh luận thấy đức Phật thuyết pháp như thế nào đều chẳng còn hoài nghi nữa! Vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật không dạy chúng ta sanh về Tịnh Độ của Ngài, mà dạy chúng ta sanh về Tịnh Độ của A Di Đà Phật? Thưa cùng chư vị, sanh về Tịnh Độ của A Di Đà Phật dễ dàng! Đó là do bổn nguyện của đức Di Đà đã phát trong lúc tu nhân: Chỉ cần chấp trì danh hiệu, Ngài liền đến tiếp dẫn. Đối với Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng phát nguyện ấy, chẳng nói quý vị niệm danh hiệu của Ngài, Ngài liền đến tiếp dẫn quý vị sanh về Tịnh Độ. Tìm khắp Đại Tạng Kinh cũng chẳng tìm thấy lời ấy. Điều này nói rõ: Vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ dễ hơn hết thảy các cõi Tịnh Độ khác của chư Phật. Sanh về Tây Phương Tịnh Độ giống như sanh về Tịnh Độ của hết thảy chư Phật, vì sau khi quý vị đã đến Tây Phương Tịnh Độ, muốn đến Tịnh Độ của vị Phật nào bèn đến Tịnh Độ của đức Phật ấy; đó gọi là “một sanh, hết thảy sanh”.

Nguồn: www.niemphat.net