QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 10
Chúng ta xem trang năm mươi ba.
Trong đoạn trên đây, tự thể của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian là Pháp Tánh. Hết thảy các pháp quyết định chẳng thể lìa khỏi tự thể, hễ lìa khỏi tự thể, sẽ chẳng thể tồn tại. Vấn đề hiện tại là một đằng thuận tánh, một đằng nghịch tánh, nghĩa là: Thuận tánh là giác, nghịch tánh là mê, then chốt ở ngay chỗ này! Rốt cuộc thuận là gì? Nghịch là gì? Cũng có thể nói: Giác là gì? Mê là gì? Kinh luận thường dạy một nguyên tắc, chỉ cần quý vị nắm được nguyên tắc, vấn đề này sẽ trọn chẳng khó hiểu, mà cũng chẳng khó tu. Đức Phật thường dạy chúng ta: “Giác tâm bất động”. Nói cách khác, trong hết thảy cảnh giới, bất luận là hoàn cảnh nhân sự hay hoàn cảnh vật chất, chỉ cần chúng ta chẳng động tâm bởi cảnh giới thì sẽ thuận tánh. Vì tánh là bất động, chúng ta có thể chẳng động tâm thì sẽ tương ứng với tánh. Pháp Tánh và Phật Tánh là một tánh. Một tánh, chẳng phải là hai tánh! Cái gọi là “chẳng tuân thủ tự tánh” chính là quý vị khởi tâm động niệm trong cảnh giới, khởi tâm động niệm là trái nghịch tánh. Trái nghịch tánh, nhưng vẫn chẳng lìa khỏi tánh, nên có khổ nạn. Vì lẽ đó, hết thảy khổ nạn do đâu mà có? Do chính mình chuốc lấy!
Con người chúng ta thường nói là rất khổ, rất đau khổ, nhưng đều chẳng chịu quay lại suy nghĩ. Nếu thật sự quay đầu, nỗi khổ ấy ở chỗ nào? Quý vị hãy tìm xem, khổ ở chỗ nào? Quý vị thật sự quay đầu lại tìm, chẳng tìm thấy! Tìm không thấy, có thể thấy nó là giả, chẳng thật! Hễ là thật, nhất định là phải ở một nơi nào đó. Quý vị giải phẫu từng tế bào trong toàn thân, cũng chẳng tìm thấy khổ trong đó. Khổ và lạc đều là giả, đều là chẳng thật, cớ gì phải so đo nó? Cớ gì phải khắt khe? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trái nghịch Pháp Tánh, nên là phàm phu. Trong hết thảy cảnh giới, chư Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, nên vĩnh viễn là thanh tịnh vô nhiễm, giống như hư không. Trong hư không, hiện ra hết thảy vạn pháp, nhưng hư không trước nay chưa hề dính mắc! Bản tánh, hoặc là Pháp Tánh như đang nói ở đây, có thể hiện hết thảy vạn pháp thế gian và xuất thế gian, nhưng hết thảy vạn pháp trọn chẳng hoen ố bản tánh, bản tánh vẫn là một mực thanh tịnh. Không chỉ chẳng bị hoen ố, mà còn chẳng bị trở ngại, đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, xác thực là chẳng bị trở ngại. Hết thảy ô nhiễm và trở ngại đều do quan niệm sai lầm tạo thành, đều do cảm nhận sai lầm tạo thành, trái nghịch Pháp Tánh. Kinh này nói là “cửu giới tuy quỹ nhi vi” (chín pháp giới tuy nương theo nhưng trái nghịch [Pháp Tánh]). Không chỉ là lục đạo phàm phu, ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát cũng trái nghịch. Các Ngài trái nghịch ít vì mê cạn. Do trái nghịch ít, nên chúng ta thoạt nhìn, sẽ thấy dường như các Ngài rất tự tại. Chư Phật Như Lai hoàn toàn chẳng trái nghịch, nên đắc đại tự tại.
Tiếp theo đó là nêu tỷ dụ, tỷ dụ ấy cũng rất hay. “Như nhân y sư” (Như người nương tựa thầy), giống như học trò theo học với thầy. Sánh ví thầy như Pháp Tánh, học trò ví như chúng sanh. Nương tựa thầy, nếu có thể thuận theo sự răn dạy của thầy, đó là tùy thuận Pháp Tánh, giống như trong phần trước đã nói là “sư quỹ Pháp Tánh”. Nếu tuy theo thầy, mà chẳng nghe theo sự răn dạy của thầy, “theo thầy” là quý vị chẳng rời Pháp Tánh; tuy chẳng rời khỏi Pháp Tánh, nhưng quý vị trái nghịch Pháp Tánh. Hai người cùng theo thầy, một người nghe lời thầy, một người chẳng nghe lời thầy, hai người ấy đều gọi là học trò của thầy. Đây là nói rõ chúng sanh trong chín pháp giới thế gian và xuất thế gian, kể cả Phật pháp giới thì là mười pháp giới, tứ thánh lục phàm đều noi theo Pháp Tánh, nhưng có kẻ nương theo và tuân thuận, có kẻ chẳng tuân thuận. Nói nghiêm ngặt, chín pháp giới đều chẳng tuân thuận, thật sự tuân thuận chỉ là Phật [pháp giới]. Nếu nới lỏng tiêu chuẩn một chút để nói thì lục phàm hoàn toàn trái nghịch, tứ thánh thuận theo Pháp Tánh. Chúng ta biết ý nghĩa trái nghịch và tuân thuận là như vậy.
Tiếp đó là nói: “Tùng Sơ Phát Tâm, quỹ pháp nhi tu” (Từ Sơ Phát Tâm đã vâng theo pháp để tu), đó là nói “duy hữu chư Phật” (chỉ có chư Phật), “kim năng cứu cánh minh hợp Pháp Tánh” (nay có thể rốt ráo ngầm phù hợp Pháp Tánh). “Chỉ có chư Phật” thì Phật mà vẫn còn phải tu hành ư? Phải tu hành! Phật được nói ở đây chẳng phải là Cứu Cánh Phật, mà là Phần Chứng Phật. Từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên đều gọi là “chư Phật”. Nếu quý vị đọc bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, [sẽ thấy] ông ta giải thích chữ “chư Phật” là từ Sơ Trụ của Viên Giáo cho đến quả vị viên mãn rốt ráo, gồm bốn mươi hai địa vị. Bốn mươi mốt địa vị là từ [Sơ Trụ] Bồ Tát cho đến Đẳng Giác, địa vị bốn mươi hai là Phật. Bốn mươi hai địa vị ấy đều là Phật, cho nên gọi là “chư Phật”. “Chư Phật” chỉ bốn mươi hai địa vị ấy. Đến địa vị cuối cùng, chẳng phải tu nữa, chứ bốn mươi mốt địa vị trước đó đều phải tu, vì sao? Chưa viên mãn, nhưng hoàn toàn là tu thuận tánh, nên mới nói là “từ Sơ Phát Tâm”.