/ 28
357

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 9


Xin mở kinh bổn, trang bốn mươi tám, dòng thứ hai. Đây là dựa theo Đại Trí Độ Luận để giải thích Nhất Tâm Tam Quán:

“Nhất Tâm Tam Quán giả, thử xuất Thích Luận. Luận vân, Tam Trí thật tại nhất tâm trung đắc. Chỉ nhất quán nhi tam quán, quán ư Nhất Đế nhi Tam Đế. Cố danh Nhất Tâm Tam Quán, loại như nhất tâm, nhi hữu sanh, trụ, diệt, như thử tam tướng, tại nhất tâm trung. Thử quán thành thời, chứng nhất tâm tam trí, diệc danh Nhất Thiết Chủng Trí, tịch diệt tướng, chủng chủng hành, loại, tướng mạo, giai tri dã. Tịch diệt tướng giả, thị song vong chi lực. Chủng chủng hành loại tướng mạo giai tri giả, song chiếu chi lực dã” (Nhất Tâm Tam Quán xuất phát từ Thích Luận. Luận dạy: “Thật ra, Tam Trí do từ nhất tâm mà đắc. Chỉ là một phép Quán mà thành Tam Quán, quán nơi một Đế mà trọn Tam Đế. Vì vậy, gọi là Nhất Tâm Tam Quán”. Giống như nhất tâm mà có ba tướng là sanh, trụ, diệt như thế trong nhất tâm. Khi phép Quán này thành, sẽ chứng nhất tâm tam trí, còn gọi là Nhất Thiết Chủng Trí, tướng tịch diệt, các thứ hạnh loại, tướng mạo đều biết. Tướng tịch diệt là do sức song vong. Các thứ hành loại, tướng mạo đều biết là do sức của song chiếu vậy). Đoạn văn này do Long Thọ Bồ Tát giảng trong Đại Trí Độ Luận. Nhất Tâm Tam Quán là pháp môn cũng như phương pháp tu học thù thắng nhất; nhưng trước hết, phải biết Thật Tướng của vũ trụ và nhân sinh thì mới có thể khởi lên Nhất Tâm Tam Quán. Trong đoạn này, cuối cùng đã nói rất rõ ràng, cũng là nhằm giải thích vì sao người ấy có thể thành tựu ba trí. [Ba trí] là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí, và Nhất Thiết Chủng Trí. Nói cách khác, trí huệ Bát Nhã trong bản tánh đã thấu lộ viên mãn. Vì tâm pháp và sắc pháp, nay chúng ta gọi là tinh thần và vật chất, cho đến toàn thể hư không pháp giới, đều từ nhất tâm biến hiện. Đó là sự thật, mà cũng là căn cứ lý luận của Nhất Tâm Tam Quán. Nói thật ra, tâm chỉ là một, há có tam tâm, nhị ý? Tam tâm, nhị ý là hư vọng. Cớ sao biến thành hư vọng? Do có phân biệt, chấp trước. Hễ khởi lên phân biệt, chấp trước, sẽ biến thành vô lượng vô biên. Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, tâm ấy là nhất tâm. Nhất tâm trọn đủ hết thảy các pháp; Tam Đế và Tam Quán là hết thảy các pháp được cô đọng lại.

Tam Quán (Không Quán, Giả Quán, Trung Quán) là Năng Quán (chủ thể thực hiện sự quán tưởng), Tam Đế (Chân Đế, Tục Đế và Đệ Nhất Nghĩa Đế) là Sở Quán (đối tượng được quán), Năng và Sở là một, không hai. Nói đơn giản, tâm Năng Quán là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tướng tịch diệt, có tác dụng Chiếu Kiến. Đoạn văn này đã giảng ý nghĩa ấy rất viên mãn, nói rất hay, nhưng kinh văn rất ngắn. “Tịch diệt tướng giả, thị song vong chi lực” (Tướng tịch diệt là do sức của song vong), “vong” (亡) là lìa khỏi, mà cũng là “chân tâm lý thể chẳng lập một pháp”. Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”, đó là chân tâm. Chân tâm là nhất tâm. Hễ có một vật, sẽ chẳng phải là chân tâm, mà biến thành vọng tâm. Vì vậy, trong chân tâm chẳng thể có mảy may vật gì trong ấy. Chân, giả, tà, chánh, đúng, sai, thiện, ác đều là Nhị. Nay chúng ta nói “song” (雙) là tương đối. Nếu triệt để lìa khỏi [tương đối] thì sau đó, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian không gì chẳng biết, không gì chẳng thể. Điều này được diễn tả là “chủng chủng hành, loại, tướng mạo giai tri” (các thứ hành, loại, tướng mạo[1] đều biết). Vì sao đều biết? Do tâm thanh tịnh khởi tác dụng giác chiếu, đó là Chiếu Kiến. Điều này nhằm phân biệt rõ: Chẳng phải là tình kiến, mà là Chiếu Kiến.

Thật ra, Nhất Tâm Tam Quán là pháp tu của bậc thượng thượng căn, kẻ bình phàm chẳng có cách nào tu tập pháp này được. Kẻ bình phàm chỉ đành nương theo Thứ Đệ Tam Quán để tu tập; [Nhất Tâm Tam Quán] dành cho bậc thượng thượng căn. Trong pháp môn Tịnh Tông, Đại Kinh dạy “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”; thưa cùng quý vị, “một mực xưng niệm” là Nhất Tâm Tam Quán. Vì sao? Vì cái tâm năng niệm là Thỉ Giác, Phật hiệu được niệm là Bổn Giác; Thỉ Giác và Bổn Giác đều trọn đủ viên mãn Tam Đế và Tam Quán, những kẻ niệm Phật bình phàm như chúng ta chẳng biết chuyện này! Vì lẽ đó, không riêng gì các vị tổ sư đại đức từ xưa đã tán thán Trì Danh niệm Phật, mà chư Phật, Bồ Tát cũng đều tán thán. Ai cũng đều có thể tu, nhưng chẳng biết pháp được tu ấy chính là pháp môn viên mãn rốt ráo. Dẫu hoàn toàn chẳng thông đạt giáo lý, chỉ cần có thể thật thà niệm Phật, niệm đến lúc kha khá sẽ đắc Định. Niệm đến khi phiền não chẳng thể dấy lên hiện hành, sẽ thành tựu Niệm Phật tam-muội; bất tri bất giác tự nhiên thành tựu tam-muội, chẳng cần quyết ý tu tập. Đó gọi là “nước chảy thành khe suối”, tự nhiên thành tựu. Sau khi thành tựu tam-muội, vẫn tiếp tục niệm, niệm đến một mức độ kha khá, sẽ hoát nhiên khai ngộ, giống như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Chẳng nhờ vào phương tiện mà tâm được mở mang). Tâm khai bèn kiến tánh, Nhất Tâm Tam Quán liền đạt được, liền viên mãn. Vì vậy, pháp môn này đúng là chẳng thể nghĩ bàn, vượt trỗi hết thảy các pháp môn. Tu tập dễ, thành công cao! Nói thông thường, Nhất Tâm Tam Quán là sự chứng đắc viên đốn của Bồ Tát và Phật, nào ngờ lũ phàm phu chúng ta cũng có thể tu pháp môn viên mãn, rốt ráo dường ấy. Vì lẽ đó, sau khi chư vị đọc bộ kinh này, biết chân tướng sự thật này, chúng ta mới chịu khăng khăng một mực thật thà niệm Phật. Đối với người tu Tịnh Độ chúng ta, bản kinh này có cống hiến lớn nhất, dạy chúng ta hãy khăng khăng thật thà niệm Phật.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28