/ 28
321

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 8

 

Xin xem trang bốn mươi ba, dòng thứ năm:

“Quán giả quán dã, hữu Thứ Đệ Tam Quán, Nhất Tâm Tam Quán” (Quán là quan sát, có Thứ Đệ Tam Quán và Nhất Tâm Tam Quán). Đây là giải thích chữ thứ ba trong tựa đề kinh, chữ này là cương lãnh tu hành. Đại Thừa Phật pháp chẳng rời khỏi nguyên tắc này, trong nhà Thiền nói là Quán Chiếu, Chiếu Trụ, và Chiếu Kiến, công phu cũng là ba tầng cấp. Chúng ta đọc Tâm Kinh, “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”, đó là tầng cấp tu hành cao nhất. Tầng cấp thấp nhất là Quán Chiếu, chúng tôi bàn từ chỗ này. Ba tầng cấp này trong các tông có danh xưng khác nhau, nhưng cảnh giới như nhau. Chiếu Kiến trong Thiền Tông tương đương với Lý nhất tâm bất loạn trong Tịnh Độ Tông. Họ nói Chiếu Trụ thì tương đương với Sự nhất tâm bất loạn của chúng ta. Họ nói Quán Chiếu thì tương đương với công phu thành phiến của chúng ta. Do vậy có thể biết, trong Tịnh Tông nói danh từ khác biệt, nhưng cảnh giới như nhau, phải nên hiểu điều này. Trong Phật môn thường nói “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, cảnh giới công phu đều giống nhau, chỉ là sử dụng phương pháp và phương thức khác nhau. So với các tông khác, phương pháp và phương thức trong Tịnh Tông thật sự dễ dàng hơn, ổn thỏa, thích đáng hơn. Đó là cái hay của Tịnh Tông.

Chúng ta thấy trong lời Sớ, [Trí Giả] đại sư đã giảng rõ hai thứ Tam Quán ấy. Xin hãy xem dòng đầu trong trang bốn mươi bốn: “Tùng Giả nhập Không Quán, diệc danh Nhị Đế Quán. Tùng Không nhập Giả Quán, diệc danh Bình Đẳng Quán. Nhị Không Quán vi phương tiện, đắc nhập Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế Quán, tâm tâm tịch diệt, tự nhiên lưu nhập Tát Bà Nhã hải, thử danh xuất Anh Lạc Kinh” (Từ Giả nhập Không Quán, còn gọi là Nhị Đế Quán. Từ Không nhập Giả Quán, còn gọi là Bình Đẳng Quán. Nhị Không Quán làm phương tiện để nhập Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế Quán. Tâm tâm tịch diệt, tự nhiên lưu nhập biển Nhất Thiết Chủng Trí. Danh xưng này xuất phát từ kinh Anh Lạc[1]). Những gì đại sư nói đều có kinh điển làm căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện. Nhị Đế là Chân Đế và Tục Đế; Tam Quán là Không Quán, Giả Quán, và Trung Quán, những phép Quán này do Thiên Thai đại sư thành lập. [Những điều này] sẽ nói cặn kẽ [trong phần sau], chúng ta đọc lời giải thích của Ngài nơi dòng hai từ dưới đếm lên trong trang bốn mươi bốn: “Kim thích kỳ ý” (Nay giải thích ý ấy), giải thích những ý nghĩa được bao hàm trong các danh từ ấy. “Giả thị hư vọng, Tục Đế dã. Không thị thẩm thật, Chân Đế dã” (Giả là hư vọng, là Tục Đế. Không là suy xét lẽ chân thật, là Chân Đế). “Thẩm” (審) là thẩm tra, xem xét nó là thật, là thực tại. Không là thực tại, Giả là hư vọng. Không là gì? Giả là gì? Ở chỗ này, phải nói đơn giản cùng quý vị. Giả là nói theo Tướng, Không là nói theo Tánh. Vì sao Tướng là giả? Tướng là pháp sanh bởi nhân duyên; nói cách khác, nó có sanh và diệt. Phàm những gì có sanh diệt thảy đều là giả, chẳng thật. Thân thể này của chúng ta, kể cả tất cả động vật, những tế bào trong thân thể đổi mới, thay cũ, sanh diệt trong từng sát-na, không chỉ là sanh, lão, bệnh, tử. Vì thế, theo cách quan sát trong Phật pháp, chúng đều là giả, chẳng thật. Thứ thật sự, thật sự bất sanh bất diệt, đó là thật. Vì thế, thân là giả, tâm cũng là giả, niệm này khởi lên, niệm kia diệt, tâm ấy là tâm gì? Tâm sanh diệt. Tâm sanh diệt là tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở, chúng ta gọi nó là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, mà là vọng tâm. Chân tâm bất sanh bất diệt. Chân thân là Pháp Thân, cũng là bất sanh bất diệt.

Chúng ta hãy suy nghĩ và quan sát kỹ càng, tất cả hết thảy các pháp trong thế gian này, thứ nào là bất sanh bất diệt? Chẳng tìm được thứ nào! Địa cầu có thành, trụ, hoại, không, vẫn là một pháp sanh diệt. Mặt trời sẽ có ngày tiêu mất độ sáng. Toàn thể đại vũ trụ là pháp sanh diệt, chẳng có gì là bất sanh bất diệt. Do đó, Phật pháp quy nạp hết thảy các pháp, quy nạp đến mức đơn giản nhất, dễ dàng nhất để dạy kẻ sơ học, tức là quy nạp thành một trăm pháp. Một trăm pháp là hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Quy nạp thành một trăm pháp sẽ giảng giải khá dễ dàng. Trong một trăm pháp ấy, chín mươi bốn pháp trước đều là pháp sanh diệt, đều là giả, đều chẳng thật. Chín mươi bốn pháp bao gồm tám thức, tám thức là tâm, [nên tám thức] là tâm pháp, năm mươi mốt pháp là Tâm Sở pháp, tức là tác dụng tâm lý, Sắc pháp là nói đến vật chất, lục căn, lục trần. Trong lục căn, Ý Căn là tâm pháp, nó chính là Mạt Na Thức. Do đó, trong lục căn có năm căn thuộc Sắc pháp, lục trần là Sắc pháp, sáu [trần] cộng với năm sắc pháp [của Ngũ Căn] thành mười một loại. Nay chúng ta gọi mười một loại ấy là vật chất.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28