/ 28
360

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 7


Xin mở tới trang ba mươi chín trong kinh bổn, xem hàng thứ hai, [phần nói về] Cứu Cánh Tức:

“Cứu Cánh Phật giả, đạo cùng Diệu Giác, vị cực ư Trà. Cố duy Phật dữ Phật nãi năng cứu cánh chư pháp Thật Tướng, biên tế trí mãn, Chủng Giác đốn viên. Vô Thượng Sĩ giả, danh Vô Sở Đoạn. Vô Thượng Sĩ giả, cánh vô quá giả” (Cứu Cánh Phật là đạo cùng tột Diệu Giác, địa vị vượt trỗi tột bậc, nên chỉ có Phật và Phật mới có thể hiểu thấu rốt ráo Thật Tướng của các pháp, trí huệ viên mãn tột cùng bờ mé, mau chóng viên mãn Chủng Giác. Vô Thượng Sĩ còn gọi là Vô Sở Đoạn (không có gì để đoạn). Vô Thượng Sĩ là không có ai hơn được), đến đây là một đoạn. Đoạn kế đó là tỷ dụ: “Như thập ngũ nhật nguyệt, viên mãn cụ túc, chúng tinh trung vương, tối thượng, tối thắng, oai đức đặc tôn, thị danh Cứu Cánh Phật nghĩa” (Như trăng rằm, tròn đầy vẹn toàn, là vua của các ngôi sao, tối thượng, tối thắng, oai đức đặc biệt tôn quý, đó là ý nghĩa của từ ngữ Cứu Cánh Phật). Cứu Cánh Phật là quả vị viên mãn trong Viên Giáo, địa vị cao hơn Đẳng Giác, đã đoạn sạch bốn mươi mốt phẩm vô minh; khi đó, chúng ta gọi Ngài là Diệu Giác. Chữ Trà (茶) trong câu “vị cực ư Trà” chính là [chữ Trà] trong Phạn văn của Ấn Độ. [Phạn văn] giống như Anh Văn, do từng chữ cái ghép lại tạo thành âm; có tất cả bốn mươi hai chữ cái, Trà (kṣa: क्ष) là chữ cái cuối cùng. So với bốn mươi mốt quả vị trước đó, [quả vị] bốn mươi hai là rốt ráo viên mãn thành Phật, tỷ dụ như vậy. Chữ Trà là tiếng Phạn dịch âm, [“vị cực ư Trà”] tức là bốn mươi hai chữ cái đã đến cuối cùng, sau đó chẳng còn gì nữa, tỷ dụ quả vị đã đạt tới chỗ tột cùng. “Duy Phật dữ Phật”: Chỉ có bậc đã chứng cực quả mới có thể hiểu rõ triệt để viên mãn chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Đẳng Giác Bồ Tát tuy hiểu rõ, vẫn chưa thể nói là rốt ráo hiểu rõ. Phải đạt đến quả vị Như Lai thì mới thật sự hoàn toàn hiểu rõ, phá sạch vô minh.

Vì thế, nói đến chuyện tu hành; nói chung, phải đặc biệt chú ý, phương pháp tu hành rất nhiều, thường nói là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, hoặc “vô lượng pháp môn”, chúng ta dùng các pháp môn ấy chẳng có hiệu quả, chớ nên không biết điều này! Thật giống như ngã bệnh phải uống thuốc, sau khi uống thuốc, bệnh trạng có khá hơn hay không? Tôi tin mỗi người bị bệnh đều biết chuyện này. Nếu uống thuốc vào mà bệnh chẳng chuyển biến khá hơn, nhất định là phải tìm tòi lần nữa, hoặc lại đi khám bệnh lần nữa. Nếu uống thuốc chẳng đúng với chứng bệnh, uống vào không chỉ chẳng khá hơn, mà uống vào bệnh ngày càng nguy ngập hơn, đáng sợ quá! Phật pháp giống như thuốc. Hiện thời, mọi người cũng chẳng đi khám bác sĩ, cũng chẳng có kiến thức thông thường về y học, cứ uống thuốc loạn xạ, đáng sợ thay! Tu hành chẳng có thành tựu thì vẫn còn chưa đáng ngại, chứ trong tương lai đoạn mất Pháp Thân huệ mạng, vấn đề sẽ nghiêm trọng, nhất định phải chú ý điều này!

Căn bệnh nặng của chúng ta, nói thật ra, trừ phiền não ra, sẽ là vô minh. Vô minh là gì? Tà tri tà kiến; tà tri tà kiến là vô minh. Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (Từ trên tri kiến lại lập ra một cái biết nữa, đó là cội gốc của vô minh), trên tri kiến lại lập thêm một cái tri kiến, đó là tà tri tà kiến. Cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm, đó là bệnh nặng. Nguyên tắc trị liệu là trước hết dạy chúng ta điều gì cũng đều không nghĩ tới, cách nghĩ và cách nhìn thảy đều ngưng dứt, khiến cho cái tâm khôi phục sự thanh tịnh, điều này được gọi là “tu Định”. Bất luận pháp môn nào, hễ nói đến công phu thật sự đều là tu Định. Đầu tiên là tu tâm thanh tịnh. Tâm chẳng thanh tịnh thì niệm Phật cũng vô dụng, cũng chẳng thể tương ứng. Đẳng Giác Bồ Tát vì còn có một phẩm vô minh chưa đoạn, nói cách khác, nếu so với Phật, tâm Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thanh tịnh. So với chúng ta, tâm Ngài đúng là thanh tịnh tột bậc, nhưng so với Phật thì chẳng bằng! Do đó, Đẳng Giác Bồ Tát vẫn đới nghiệp, nhưng Ngài mang theo nghiệp ít nhất. Vì còn có chút chướng ngại, Ngài vẫn chưa thể rốt ráo triệt để hiểu rõ Thật Tướng của các pháp. Chẳng hạn như nói đến y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới và công đức thù thắng do niệm Phật vãng sanh, Đẳng Giác Bồ Tát chưa thể hoàn toàn hiểu rõ, Ngài còn có chút chướng ngại như thế. Do đó, người thật sự tu hành phải luôn biết mình đang tu gì? Trừ bỏ hết thảy những sai lầm, khôi phục chánh tri chánh kiến, đó là đúng. Kinh Pháp Hoa nói rất hay: “Khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”. Tri kiến của Phật là chánh tri chánh kiến, như vậy thì mới có thể đạt đến Cứu Cánh Giác.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28