QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 6
Trong đoạn này, mấy câu cuối cùng rất trọng yếu. Sau khi chúng ta đã hiểu rõ, liền biết công phu của chính mình có đắc lực hay không? Có đúng pháp hay không? Trong đoạn văn này, nơi dòng thứ hai đếm từ dưới lên trong trang ba mươi bốn có nói: “Thường vận niệm vô bất niệm thời, niệm niệm giai giác, thị danh Quán Hạnh Tức Phật dã” (Khi thường vận dụng “niệm mà chẳng niệm” thì niệm nào cũng đều là giác, đó gọi là Quán Hạnh Tức Phật). Câu trước dễ hiểu, đó là chẳng gián đoạn. “Niệm nào cũng đều là giác” là chẳng xen tạp. Hễ xen tạp thì chẳng giác, xen tạp là mê. Khi chúng ta niệm Phật, xen tạp vọng tưởng, đó là bất giác. Ắt phải là niệm niệm đều chẳng xen tạp, niệm niệm đều rõ ràng, đó là giác. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, niệm Phật hoặc niệm kinh như vậy đều thuộc về Quán Hạnh Tức Phật. Ắt cần phải biết chuyện này! Nếu quý vị không biết, sẽ niệm chẳng đúng pháp, chẳng đạt được hiệu quả.
Lại xem đoạn thứ tư tiếp theo là Tương Tự Tức Phật, Tương Tự tiến cao hơn [giai đoạn] trước một bậc. Phần trước là Quán Hạnh, vẫn chưa giống. Tuy Tương Tự chưa phải là Phật thật sự, nhưng đã hơi giống, có thể thấy là công phu đã tiến một bước lớn. Quán Hạnh là chế phục phiền não, nhưng chưa đoạn. Tương Tự là đoạn Kiến Tư phiền não, cảnh giới ấy là cảnh giới của Tiểu Thừa A La Hán, Bích Chi Phật, hoặc Thất Tín Bồ Tát trở lên trong Đại Thừa Viên Giáo, đều là Tương Tự Tức Phật. “Tương Tự Phật giả, niệm Phật tướng hảo, thân đắc tương tự, tương ứng. Niệm Phật pháp môn, thân đắc tương tự, tương ứng. Niệm Phật Thật Tướng, thân đắc tương tự, tương ứng” (Tương Tự Phật là niệm tướng hảo của Phật, thân được tương tự, tương ứng. Niệm pháp môn của Phật, thân được tương tự, tương ứng. Niệm Thật Tướng của Phật, thân được tương tự, tương ứng). Đây là nói đến Tam Thân; trước hết nói về Tam Thân. Kế đó, giải thích chữ Tương Tự. “Tương tự giả, nhị vật tương loại” (Tương Tự là hai vật giống như nhau), hai vật giống nhau, cùng loại, rất gần gũi. “Như thâu tự kim” (Như vàng thô giống như vàng),“thâu” (鍮) là vàng còn trong quặng, chưa được nung luyện. Trong quặng vàng có rất nhiều vàng, nhưng xen lẫn rất nhiều tạp chất trong ấy, so với vàng thì hai thứ rất giống nhau. Đó là Tương Tự. “Như qua tỷ hồ” (Như dưa so với bầu), cũng rất giống nhau. Dưa và bầu[1] rất gần gũi, hình dáng cũng chẳng khác nhau cho mấy. “Do hỏa tiên noãn” (Ví như đối trước lửa bèn ấm), lửa tuy còn xa, nhưng chúng ta đã cảm nhận được sức nóng. Tuy chưa tiếp cận lửa, nhưng đã cảm nhận được hơi nóng, đó là Tương Tự. “Thiệp hải sơ bình” (Vào biển, thoạt đầu sẽ là chỗ cạn), giống như chúng ta vào biển cả: Vào chỗ biển rất to, trước hết bãi biển rất nông, rất phẳng, chúng ta có thể đi trên đó được, nhưng càng đi tới, sẽ càng sâu. Nông cạn là Tương Tự, sâu là biển cả. Từ những tỷ dụ ấy, khiến cho chúng ta thấu hiểu Tương Tự là như thế nào.
“Thủy tánh chí lãnh, ẩm giả nãi tri. Khát bất quật tỉnh, thính thuyết hà vi?” (Tánh nước rất lạnh, người uống vào mới biết [nước lạnh như thế nào]. Khát mà chẳng đào giếng, chỉ nghe nói thì làm sao được?). Mấy câu này nhằm khuyên chúng ta phải tu học, phải nghiêm túc tu học. Nếu chẳng nghiêm túc tu học, nghe Phật pháp sẽ chẳng có tác dụng gì! Nghe Phật pháp, nhưng chính mình chẳng chịu nghiêm túc tu tập, chắc chắn chẳng đạt được lợi ích. Mấy câu tiếp theo là nói đến chuyện chánh yếu: “Lược cử kỳ yếu, như Pháp Hoa trung” (Nêu đại lược những điểm trọng yếu thì như trong kinh Pháp Hoa), như trong kinh Pháp Hoa đã nói: “Lục căn thanh tịnh, tức thị kỳ tướng, danh Tương Tự Phật dã” (Sáu căn thanh tịnh chính là tướng của nó, gọi là Tương Tự Phật), nêu ra tiêu chuẩn. Phật là thân tâm thanh tịnh, thanh tịnh đã đạt đến tột bậc. Nếu sáu căn của chúng ta thanh tịnh, sẽ giống Phật đôi chút. Vì sao sáu căn chẳng thanh tịnh? Có phiền não thì sẽ chẳng thanh tịnh, đoạn hết phiền não bèn thanh tịnh. Phiền não là ô nhiễm. Nói cách khác, A La Hán đoạn Kiến Tư phiền não, Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín trong Viên Giáo đoạn Kiến Tư phiền não, Thất Trụ Bồ Tát trong Biệt Giáo đoạn Kiến Tư phiền não, đều gọi là Tương Tự Tức Phật. Trong Tịnh Độ Tông, nếu công phu niệm Phật đạt tới Sự nhất tâm bất loạn bèn thuộc vào địa vị Tương Tự, đạt đến Sự nhất tâm bất loạn bèn giống như A Di Đà Phật.