Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký
Phần 6
佛說阿彌陀經要解講記
Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch kinh,
姚秦三藏法師鳩摩羅什譯
Sa-môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh,
清西有沙門蕅益智旭解
Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
淨空法師講述
Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
劉承符居士記
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Huệ Trang, Đức Phong & Vạn Từ
(Giải) Tạng Đạo Phẩm, danh bán tự pháp môn. Tịnh Độ trược khinh, tự bất tất dụng, vi Tiểu chủng tiên thục giả, hoặc tạm dụng chi. Thông Đạo Phẩm, danh Đại Thừa sơ môn, tam thừa cộng bẩm, Đồng Cư Tịnh Độ đa thuyết chi. Biệt Đạo Phẩm, danh độc Bồ Tát pháp, Đồng Cư, Phương Tiện độ đa thuyết chi. Viên Đạo Phẩm, danh vô thượng Phật pháp, hữu lợi căn giả, ư tứ Tịnh Độ, giai đắc văn dã.
(解)藏道品。名半字法門。淨土濁輕。似不必用。為小種先熟者。或暫用之。通道品。名大乘初門。三乘共稟。同居淨土多說之。別道品。名獨菩薩法。同居方便淨土多說之。圓道品。名無上佛法。有利根者。於四淨土。皆得聞也。
(Giải: Đạo phẩm của Tạng Giáo gọi là bán tự pháp môn. Trong Tịnh Độ trược ác nhẹ nhàng, nên hầu như không cần phải dùng đến, nhưng vì người căn cơ Tiểu Thừa đã quen nghe từ trước nên tạm dùng đến. Đạo phẩm của Thông Giáo, gọi là Đại Thừa sơ môn, ba thừa cùng vâng nhận, trong Đồng Cư Tịnh Độ thường nói nhiều về đạo phẩm này. Đạo phẩm của Biệt Giáo, gọi là pháp dành riêng cho Bồ Tát, được nói nhiều trong hai cõi Tịnh Độ Đồng Cư và Phương Tiện. Đạo phẩm của Viên Giáo, gọi là Phật pháp vô thượng, kẻ có lợi căn ở trong bốn cõi ấy sẽ đều được nghe nói tới).
“Bán tự pháp môn” là nói tỷ dụ, “bán” (半: một nửa) là chưa viên mãn. Tạng Giáo chỉ đoạn Kiến Tư phiền não, chưa hoàn toàn [đoạn phiền não] viên mãn vì chưa đoạn Trần Sa và Vô Minh. Tây Phương Tịnh Độ vốn không có Ngũ Trược; ngay trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hiện tượng Ngũ Trược hết sức nhẹ ít, có thể chẳng cần dùng đến bốn thứ đạo phẩm ấy. Chỉ vì người căn tánh Tiểu Thừa phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ mà thiện tri thức dùng bốn thứ đạo phẩm ấy [để thuyết pháp] hòng xứng hợp với căn tánh của những người ấy, khiến họ sanh tâm hoan hỷ nên có thể tạm thời dùng đến. Nếu chẳng phải là căn tánh Tiểu Thừa, không cần phải dùng đến phương pháp này.
Đạo phẩm của Thông Giáo gọi là “Đại Thừa sơ môn” (môn đầu tiên của Đại Thừa), cả ba thừa cùng vâng nhận, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều phải tu học. Đây là khoa mục phổ thông thừa nào cũng phải tu. Đồng Cư Tịnh Độ là chỗ chúng sanh đới nghiệp vãng sanh ở. [Những người đới nghiệp vãng sanh] chưa đoạn Kiến Tư phiền não, chỉ do công phu niệm Phật đắc lực, có thể khuất phục phiền não [mà được vãng sanh]. Vì thế, đạo phẩm của Thông Giáo là môn tu học tất yếu nhằm giúp cho họ thấu triệt lý luận và phương pháp.
Đạo phẩm của Biệt Giáo gọi là “độc Bồ Tát pháp”, tức là pháp dành riêng cho Đại Thừa Bồ Tát, không phải dành cho cả ba thừa cùng tu. Hàng Bồ Tát trong cõi Đồng Cư và cõi Phương Tiện có những vị chuyên tu môn học này, nhưng hàng Bồ Tát trong Thật Báo và Thường Tịch Quang hoàn toàn chẳng cần đến đạo phẩm của Biệt Giáo.
Đạo phẩm của Viên Giáo gọi là “vô thượng Phật pháp”. Trong kinh Đại Thừa thường nói đức Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sanh tùy theo mỗi loài đều hiểu. Âm thanh thuyết pháp của đức Phật gọi là “viên âm”. Bốn hạng hành nhân khác nhau nghe đức Phật thuyết pháp cùng một lúc, nhưng người Tiểu Thừa được lợi ích nơi Tiểu Thừa, cho đến người Viên Giáo được lợi ích nơi Viên Giáo. Tình huống này chẳng khó hiểu cho lắm. Ví như trong trường học, thầy giảng bài, học trò mỗi đứa hiểu khác nhau. Đạo phẩm trong Viên Giáo là vô thượng Phật pháp, bất luận ở cõi nào cũng đều nghe được, vì Tây Phương thế giới bốn cõi viên dung. Hết thảy kinh luận khen ngợi Tây Phương thế giới đều chuyên khen ngợi điều này. Hết thảy các thế giới Phật cũng đều có bốn cõi, nhưng chẳng viên dung; chẳng hạn như đạo phẩm của Viên Giáo thì chỉ tại cõi Tịch Quang và Thật Báo là có thể nghe được. Đấy chính là tình hình nơi các thế giới khác. Trong Tây Phương thế giới, người căn tánh Viên Giáo sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương cũng có thể nghe vô thượng Phật pháp. Lúc đức Phật Thích Ca mới thành đạo, giảng kinh Hoa Nghiêm, đấy cũng là đạo phẩm trong Viên Giáo. Khi Ngài thuyết pháp dưới cội Bồ Đề thì có hai thuyết: Một là đức Phật thuyết pháp trong mười bốn ngày, thuyết kia bảo đức Phật thuyết pháp trong hai mươi mốt ngày, giảng cho bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, giảng Hoa Nghiêm trong Định, náo nhiệt phi phàm, nhưng phàm phu chỉ thấy Phật tịnh tọa trên đụn cỏ dưới gốc Bồ Đề, chúng sanh chẳng có phần. Người Tiểu Thừa chấp trước sự tướng bèn nói “Đại Thừa chẳng phải do đức Phật nói”. Sau khi Phật diệt độ sáu trăm năm thì Long Thọ Bồ Tát lấy kinh Hoa Nghiêm từ long cung ra. Con người hiện thời chẳng chấp nhận [điều này], cho rằng tiềm thủy đĩnh (tàu ngầm) cả Bắc Cực lẫn Nam Cực đều đã tới, mà chẳng tìm thấy long cung. Con người hiện thời đều biết là có quỷ, quỷ và người sống lẫn lộn với nhau, nhưng con người chẳng thấy được quỷ, vì chúng ta sống trong không gian ba chiều, còn bọn họ sống trong không gian nhiều chiều (đa duy không gian: multi-dimensional space). Phật có thể tùy loại hóa thân, cũng có thể biến hiện sáu trần thuyết pháp, đều là do A Di Đà Phật biến hóa ra. Đối với tình huống này, trong kinh đã nói là nếu dùng tâm sanh diệt để dò lường biển Viên Giác, quyết chẳng có lẽ ấy!