LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Tập 31
Chúng ta vừa đề cập đến khoa mục quan trọng thứ hai trong việc tu thân, đó chính là: “Hành đốc kính”. Hành vi của chúng ta phải đốc thực, phải cung kính. Chúng ta đối với người, đối với sự, đối với vật đều phải có tâm cung kính.
Phần trước, chúng ta đã đề cập đến việc cung kính đối với người nhất định phải bắt đầu thực hiện từ gia đình. Trong gia đình, trước tiên nhất định phải hiếu thuận cung kính cha mẹ của chính mình. Tiếp theo, mở rộng ra đến cung kính anh chị em, trưởng bối. Chúng ta cũng vừa nói đến trong cuộc sống đều là thực tiễn một thái độ cung kính. Sau cùng, chúng ta cũng đã nói đến việc cúp điện thoại thì nhất định phải để người lớn cúp trước, sau đó chúng ta mới được cúp. Mỗi chút đều là để trưởng dưỡng tâm cung kính của trẻ.
Trong “Đệ Tử Quy” lại nói: “Sắp vào cửa, hỏi có ai”. Muốn vào nhà một ai đó, chúng ta nên gọi điện trước xem họ có ở nhà hay không. Khi gọi điện cũng nên hỏi xem người ta có thuận tiện hay không, không nên nói: “Bây giờ tôi qua có được hay không vậy?”. Bạn gấp rút như vậy thì người ta cũng đành nói: “Ờ được, cũng được”. Bạn chính là “thính tư thông”, nghe người ta nói “cũng được” nghĩa là rất miễn cưỡng. Lúc này thì bạn phải chủ động hỏi xem có phải người ta chút nữa có việc gì hay không, nếu như không tiện thì ta đổi sang một thời gian khác. Như vậy thì người ta mới không cảm thấy đường đột.
Bất luận là bạn đến thăm hay gọi điện thoại thì cũng phải tôn trọng cung kính về thời gian, không nên vào thời gian ăn cơm, cũng không thể vào thời gian quá trễ. Nếu đến vào thời gian ngủ thì là bạn không biết suy nghĩ cho người khác, không tôn trọng người khác. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn từ chính mình mà bắt đầu làm. Đúng lúc vào giờ cơm, bạn lại gọi điện cho người ta, người ta mới ăn được muỗng cơm thì cũng không biết phải nói với bạn làm sao. Bất kỳ thời gian nào gọi điện thì câu đầu tiên bạn cũng nên hỏi xem có thuận tiện hay không. Khi bạn lúc nào cũng đều có thể cung kính như vậy, người khác giao thiệp với bạn mới cảm thấy dễ chịu, mới không có áp lực. Cho nên phải từ mình mà bắt đầu làm. Khi ngôn ngữ của chúng ta biểu lộ ra sự cung kính thì con cái ở bên cạnh cũng sẽ học được những lời nói cung kính. Việc này có hiệu quả một cách âm thầm.
Khi vào nhà, trước tiên chúng ta cũng phải hỏi, phải gõ cửa. Hoặc giống như chúng ta xem “Thương Đạo” trong Hàn kịch, trước tiên lên tiếng nói: “Đô Phòng đại gia! Tôi là Thượng Ốc”. Đợi người trong nhà trả lời, bảo chúng ta vào nhà thì chúng ta mới bước vào. Nếu như họ bảo chúng ta đợi một chút, thì chúng ta liền cung cung kính kính mà ở đó đợi.
Khi bạn đi vào nhà người khác, lầu một không có người, vào lúc này bạn có thể tiếp tục đi lên nữa hay không? Nhìn thấy không có người, bạn lại chạy tiếp lên lầu hai. Kết quả đúng lúc người ta trở về: “Bạn sao lại ở trên lầu nhà tôi?”. Cho nên, chúng ta phải hỏi xem có ai ở nhà không. “Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”.
Rất nhiều động tác bạn không thể tùy tiện, nếu không sẽ tạo thành sự hiểu lầm cho người khác. Sự cung kính vẫn là phải cung kính đến chỗ không còn hiềm nghi, tránh được sự hoài nghi của người ta đối với bạn. Cho nên có một câu nói: “Lý hạ bất chỉnh quan, qua điền bất nạp lữ”. Có nghĩa là qua vườn dưa, bạn không nên ngồi xuống chỉnh lại giày. Bởi vì dưa mọc ở dưới đất, nếu như người ta nhìn từ xa thì nghĩ mình đang ăn trộm dưa của người ta. “Lý hạ bất chỉnh quan”, khi cây mận đang có trái, bạn chỉnh lại nón mão, người ta nhìn thấy dường như là mình đang hái mận của họ. Phải nên tránh hiềm nghi.