LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Tập 30
Xin chào các vị bằng hữu! Chúc mọi người một buổi chiều tốt lành!
Bài học trước, chúng ta nói đến thái độ nói chuyện phải bình tĩnh, lúc nói chuyện phải xem đối phương, phải có thái độ giữ chữ “tín”. Chúng ta vừa nói đến vào thời đại Xuân Thu có một vị có học thức tên là Quý Trát. Ông hoàn toàn không nhận lời người khác bằng lời nói, nhưng mà trong tâm ông đã hứa muốn đem thanh bảo kiếm của ông tặng cho vua nước Từ. Ngay cả một khởi tâm động niệm của mình, ông cũng giữ vững chữ “tín”. Chúng ta cần phải học tập theo những bậc Thánh Hiền nhân như vậy, chứ không phải kiếm cớ cho mình. Khi chúng ta luôn luôn kiếm cớ thì bản thân chúng ta sẽ càng sống càng không an tâm, sẽ ngày càng không được người khác tín nhiệm.
Đương nhiên lời nói ra, chúng ta phải thực hiện. Nhưng trước khi nói ra, chúng ta cần phải suy nghĩ. “Sự phi nghi, vật khinh nặc” (Việc không tốt, chớ dễ nhận), không nên dễ dàng nhận lời người khác.
- Trước khi nhận lời người khác, chúng ta cần phải suy nghĩ xem nhận lời việc này có hợp với chánh nghĩa hay không, có hợp với pháp luật hay không. Có khi chúng ta nhận lời việc của họ, có thể sau này vợ họ sẽ oán trách chúng ta. Cho nên, cần phải suy nghĩ sự việc này có đúng hay không, bạn mới được nhận lời.
- Trước khi nhận lời người khác, chúng ta còn phải suy nghĩ xem năng lực của chúng ta có đủ để thực hiện xong lời hứa này hay không. Nếu như không được, bạn nhận lời rồi, đến khi làm không được, bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy thật không biết làm sao. Đối phương cũng sẽ rất khó chịu. Cho nên, trước khi nhận lời người khác, phải biết “liệu cơm gắp mắm”.
Trước khi nhận lời người khác, chúng ta có thể hòa hoãn một chút. Bởi vì người hiện nay rất nôn nóng, họ muốn thỉnh cầu bạn giúp đỡ cũng rất gấp, bạn vội nhận lời có được không? Nếu chúng ta bị sự nóng vội của họ dắt đi, thì chúng ta rất có thể dễ dàng nhận lời. Bởi vì lúc họ rất nóng vội thì đối với sự việc này, khả năng họ vẫn chưa tìm hiểu rõ ràng. Đối với sự việc này, có thể trong tâm lý họ cũng chưa chuẩn bị tốt thì đã bị kéo đi rồi. Vào lúc này, nếu bạn vào chung với họ thì có khả năng đi được nửa đường họ không làm nữa. Vậy rốt cuộc, bạn có giúp được gì hay không? Tự mình cảm thấy rất bực bội. Cho nên, trước tiên bạn nên hòa hoãn, giữ một khoảng cách, tự mình suy nghĩ rõ ràng một chút thì cũng khiến đối phương nguội lạnh hơn một chút. Trong thời điểm tiến thoái này, chúng ta phải biết đắn đo. Ở trong thời khắc rất cấp bách mà ra quyết định, về cơ bản đều rất dễ xảy ra tình huống, cho nên bạn vẫn phải đợi đến khi làm rõ ràng rồi mới nhận lời.
Ngoài ra còn mấy loại thái độ ở trong ngôn ngữ của chúng ta không được phép phạm.
Trong thiên “Tín” của “Đệ Tử Quy” có nói: “Gian xảo ngữ, uế ô từ” (Lời gian xảo, từ bẩn thỉu).
“Gian xảo ngữ” (Lời gian xảo) tục ngữ gọi là thêu dệt, chính là lời ngon tiếng ngọt. Thực ra, lời ngon tiếng ngọt là tâm bất trung, tâm đều có mục đích, tâm là gian ác khó lường. Cái này đã mất trung, mất cung kính. Chúng ta không nên dùng lời ngon tiếng ngọt để lừa gạt người khác.
“Uế ô từ” (Từ bẩn thỉu) chính là những lời lẽ bẩn thỉu của thế tục, tương đối thô tục, thậm chí là lời chửi mắng người, cái này gọi là ác khẩu. Ác khẩu sẽ khiến người ta rất khó chịu, thậm chí còn dẫn đến xung đột giữa người với người. Khi chúng ta thường xuyên nói lời thô tục, bẩn thỉu thì chắc chắn sẽ không được người khác tôn trọng đối với chúng ta. Thậm chí, người ta ở sau lưng cũng sẽ phê bình, xem thường chúng ta. Cho nên, ngôn ngữ cũng là hình tượng của một con người, cần giữ gìn tốt.
Khi làm việc ở trong văn phòng, bạn không nên hùa theo người khác nói chuyện tùy tiện. Nếu không, bạn cũng sẽ dần dần nói chuyện tùy tiện giống như vậy. Vì như vậy, bạn sẽ bị người khác xem thường, bạn không có oai nghi rồi. Cho nên, việc không đúng, không được theo. Giống như hiện nay trong văn phòng, rất nhiều người nói những lời thêu dệt, những lời bông đùa đồi bại. Phong khí này không nên phát triển. Khi giữa người với người tùy tiện như vậy, rất có khả năng bầu không khí của toàn bộ tập thể cũng trở nên tệ hại, thậm chí là hại tâm trí của người khác, làm hỏng hứng thú làm việc của người khác. Những việc này đều không nên phát triển. Và khi bạn làm chủ quản thì càng phải nên ngăn chặn loại nếp sống này.