LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Tập 32
Xin chào các vị bằng hữu!
Chúng ta vừa nói đến, đối với tất cả mọi người, chúng ta phải cung kính, phải có lòng yêu thương, bao gồm cả việc đối với người xấu cũng không ngoại lệ. Bởi vì thời đại hiện nay đang thiếu dần sự giáo dục. Người Trung Hoa đã mất đi sự giáo dục của Thánh Hiền từ hai đến ba thế hệ rồi. Bởi vì “tiên nhân bất thiện”, cha mẹ họ vô tri không biết đạo đức. Chúng ta không lời gì để nói, cũng không thể trách họ vì không có ai dạy họ. Chúng ta phải ngừng việc chỉ trích, phê bình người khác, phải đề khởi sự quan tâm, bao dung của chúng ta. Khi chúng ta hiểu được rồi thì phải có sứ mệnh này, có phần trách nhiệm này, đem những giáo huấn Thánh Hiền truyền phát lại cho những người có duyên bên cạnh chúng ta.
“Phiếm ái chúng”, yêu thương những người thân, bạn bè bên cạnh chúng ta phải thực tiễn từ chỗ nào vậy? “Đệ Tử Quy” có nói: “Mình có tài, chớ dùng riêng. Người có tài, không chỉ trích”. Bản thân mình có năng lực thì phải chủ động đi giúp đỡ người khác. Người khác có tài hoa thì tuyệt đối không nên đố kỵ với họ, hễ có sự đố kỵ thì tâm cung kính của chúng ta đã mất đi rồi. Thời đại hiện nay, người ta rất sợ giúp đỡ người khác, sợ bản lĩnh của mình bị người ta học mất.
Tôi có nghe một bài báo cáo. Có hai chị em nọ ngồi thảo luận với nhau. Người chị nói: “Hôm nay có một đứa bạn học hỏi chị bài toán này làm như thế nào, chị biết làm nhưng chị không chỉ cho nó”. Đứa em nói: “Nếu là em thì em sẽ chỉ cho nó biết, nhưng em sẽ chỉ cho nó làm sai bài toán”. Hiện tượng này hiện nay đang tồn tại. Vì sao vậy? Bởi vì trẻ từ nhỏ đã được dạy cạnh tranh, cho nên không thấy được người tốt, tâm lượng càng ngày càng nhỏ hẹp. Tâm lượng vừa nhỏ hẹp thì phước phần cũng giảm xuống. Tâm lượng hễ nhỏ hẹp thì sẽ không biết lấy dài bù ngắn, sẽ không biết thấy người tài mà muốn học theo, thế là rước lấy cho cuộc đời những họa hại rất lớn. Cho nên chân thật chúng ta phải luôn luôn giáo huấn cho trẻ: “Tự mình có khả năng giúp đỡ người khác thì phải tận thêm một phần sức lực”.
Vậy giúp đỡ cho người khác thì có lợi ích gì? Đương nhiên người giúp người thường được người giúp lại. Vì sao rất nhiều người khi xảy ra chuyện thì lại có rất nhiều bạn bè tranh nhau để giúp đỡ họ? Đó đều không phải ngẫu nhiên. Vì sao khi chúng ta có chuyện thì không có một người nào đến giúp đỡ chúng ta vậy? Nhân chính là ở việc thời thời, khắc khắc rộng kết thiện duyên.
Tôi còn nhớ khoảng thời gian tôi đi học thêm, lúc đó học phụ đạo mười môn, tổng cộng có mười ba môn. Các vị bằng hữu sẽ rất khó tưởng tượng từ môn âm nhạc, môn mỹ thuật cho đến môn thể dục, môn nào tôi cũng đều phải học thêm, vả lại đều phải thi từ đầu đến cuối. Tôi lúc đó đã lâu không đụng đến sách giáo khoa, có một số môn đã mười mấy năm không hề đụng đến, nhưng mà khi tôi đi thi thì tôi rất có lòng tin. Vì sao vậy? Bởi vì mục tiêu của tôi kiên định, tôi nhất định phải làm giáo viên. Thi một năm mà không đậu thì tôi sẽ thi hai năm, thi hai năm không đậu thì tôi sẽ thi ba năm, thi chừng nào đậu thì thôi. Cho nên mục tiêu là xác định. Rất nhiều người vì đường dài mà bỏ cuộc giữa chừng, họ không thể kiên nhẫn.
Bởi vì, thứ nhất, tôi đã rất kiên định. Thứ hai, tôi rất chuyên chú, không nghĩ ngợi gì khác, không nghĩ này, nghĩ nọ (chắc bởi vì tôi không có bạn gái). Người ta có bạn gái cho nên người ta phân tâm. Cho nên khi làm việc thì phải chuyên chú. Tiếp đến, thứ ba, thái độ khi đọc sách và thái độ khi nghe giảng của tôi chính là: Bài giảng hôm nay sau khi học xong thì tôi phải nắm hết. Nếu như hôm nay học xong mà tôi còn có chỗ nào đó chưa hiểu thì tôi sẽ lập tức chạy đi tìm vị thầy đó. Nếu như vị thầy đó đi quá nhanh, tôi đuổi theo không kịp thì tôi sẽ đi tìm người bạn học giỏi môn đó nhất để thảo luận. Việc học tập tuyệt đối không thể cứ gác lại đó, mà phải ngay lập tức hiểu. Bạn mỗi ngày đều gác lại một ít, đến sau cùng dồn lại sẽ rất nhiều, lúc đó sẽ không thể làm gì cả. Cho nên: “Việc hôm nay, hôm nay làm”.
Còn có một điểm làm tôi ấn tượng sâu nhất. Đó là bất kỳ một bạn học nào đến hỏi tôi, tôi đều nhất định tận tâm, tận lực hướng dẫn. Kết quả là chúng tôi vô tình trồng cây, cây lại thành hàng. Chúng tôi chỉ giúp đỡ người khác một cách tự nhiên, ví dụ như bài toán này tôi không phải biết làm nhưng mà biết dạy người khác cách làm. Vì chúng tôi thường hướng dẫn cho người khác nên cảnh giới được nâng thêm một bậc. Khi đề tài đó thay đổi thì rất nhiều người không thể tính. Cho nên, chúng ta luôn luôn chỉ dẫn người khác phải làm thế nào để hóa giải vấn đề, thì tuy là đề mục làm ít nhưng cảnh giới nâng cao rất nhanh. Điều này đích thực đã ấn chứng được việc bố thí pháp thì được thông minh trí tuệ.