LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Tập 27
Xin chào các vị bằng hữu, chúc mọi người một buổi chiều tốt lành!
Chúng ta vừa giảng đến then chốt thứ tư của cầu học vấn là phải “minh biện”. Những chỗ nào phải biết “minh biện”, phân biệt rõ đúng sai vậy? Trước tiên chúng ta vừa mới nói đến cần “minh biện” thế nào là thiện. Trong khóa trình của chúng ta vừa mới nói đến, từ lúc khởi đầu phải từ căn bản của thiện mà phân biệt thiện. Căn bản ở đâu vậy? Ở chủ tâm. Từ động cơ của họ, chủ tâm của họ, bạn có thể biết được họ là thiện thật hay là thiện giả. Từ chủ tâm và động cơ của họ có thể biết được chân thiện hay giả thiện thì chúng ta mới không bị phán đoán sai lầm. Bởi vì nhìn sai một người có ảnh hưởng đối với cuộc đời không vậy? Ảnh hưởng rất lớn. Cho nên rất nhiều người, bởi vì trong đời nhìn lầm một người mà mấy mươi năm nỗ lực đều bị hủy hoại trong chốc lát. Mà những người bị hủy hoại trong chốc lát này họ sẽ như thế nào vậy? Sẽ oán trời trách người, ăn năn hối hận. Như vậy có giúp ích gì không? Không có ích gì. Nhìn lầm người, không sao! Hiểu rõ được nguyên nhân của nhìn lầm, đứng lên làm lại từ đầu. Đời người chỉ cần có khởi đầu thì sẽ không sợ quá muộn, chỉ sợ cả đời đi trong mơ hồ, không rõ ràng minh bạch. Cho nên, năng lực nhìn người nhất định phải học cho tốt. Cái gọi là “nam sợ chọn sai nghề”. Không chỉ phải phân biệt ngành nghề đúng mà bạn còn phải theo đúng người lãnh đạo, như vậy bạn cả đời mới không đi sai đường, bạn cả đời mới có thể có được dìu dắt nhiều, đề bạt nhiều. Cho nên phải theo đúng người. “Nữ sợ gả lầm chồng”. Nếu như bạn phán đoán sai lầm rồi, có thể cả đời bạn cũng sẽ cảm thấy rất bất lực, nhưng mà bất lực không phải là thái độ chính xác của đời người. Rất nhiều người nói: “Thế tôi cũng đã kết hôn rồi, không kịp rồi!”. Học vấn của Thánh nhân từng giây từng phút đều có thể khiến cuộc đời của bạn từ trạng thái không tốt đạt đến trạng thái viên mãn, đây gọi là học vấn. Cho nên, khi cuộc sống chúng ta đã rơi vào thế nghịch, rơi vào trạng thái không tốt, vào lúc này bạn phải bảo với chính mình “lòng dạ chí thành đá cũng tan chảy”.
Các vị bằng hữu, tình cảnh của bạn có thê thảm giống như Đại Thuấn hay chưa? Đại Thuấn ngay cả cha mẹ cũng muốn hại chết ông, xin hỏi cái tình cảnh này của bạn có thê thảm hơn Đại Thuấn hay không? Cuối cùng, Đại Thuấn có thể sống cuộc sống đầy ý nghĩa, sống hạnh phúc mỹ mãn. Không chỉ gia đình của mình hạnh phúc mà còn khiến mọi người trong nước đều cảm động và khâm phục đức hạnh của ông, tiến tới nâng cao đức hạnh, hiếu thuận cha mẹ. Bởi vì đạo hiếu của Đại Thuấn là xếp hàng đầu, cho nên “thân tắng ngã, hiếu phương hiền”. Đại Thuấn dùng tâm chân thành của ông đã cảm động cha mẹ, đã cảm động tất cả thần dân của ông. Cho nên chúng ta đừng sợ tình cảnh cuộc đời này khó vượt qua, chỉ sợ chúng ta không có chân thành, chỉ sợ học vấn đạo đức của chúng ta không có nền tảng. Chỉ cần có học vấn, có trí tuệ, thì cuộc đời bạn đều có thể sống rất có ý nghĩa. Nhìn người cũng phải từ căn bản thiện ác mà nhìn.
Tôi thường nêu một ví dụ, cần cù có tốt hay không? Tốt à? Có rất nhiều người một ngày làm việc mười mấy giờ, nhưng mà bạn phải biết động cơ gì khiến họ làm đến mười mấy giờ vậy? Cho nên vẫn phải xem chủ tâm và động cơ. Bạn xem rất nhiều người nam dốc hết sức vì cái gì? Vì danh, vì lợi, vì cờ bạc rượu chè trai gái đều có. Cho nên, bạn thấy họ rất siêng năng làm việc bạn liền nói họ là tốt, vậy chúng ta không có trí tuệ phán đoán, không có nhìn từ căn bản, chủ tâm. Bạn không nên nhìn thấy một người nam liều mạng làm việc thì nói “quá tốt rồi, ta phải gả cho anh ấy”. Cuối cùng sau khi bạn gả cho anh ta rồi cũng liều mạng giúp anh ta kiếm tiền, nhưng sự nỗ lực của anh ta không phải vì hiếu thuận cha mẹ, sự nỗ lực của anh ta không phải vì muốn khiến cho vợ con có cuộc sống tốt đẹp, mà anh ta chỉ hy vọng đứng trước mặt người khác vỗ ngực: “Tôi có xe hơi xịn, tôi có biệt thự sang trọng”, sợ người ta coi thường anh. Cho nên, nhất định phải xem chủ tâm khi làm bất cứ việc gì thì bạn nhìn người sẽ không đến nỗi nhìn lầm.