LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Tập 13
Chào các vị bằng hữu, buổi chiều tốt lành!
Hôm qua chúng ta đã bàn đến một luân trong ngũ luân là “phu phụ”. Luân về “phu phụ” này vào thời xưa rất được xem trọng. Chúng ta từ lễ nghĩa của ngày xưa mà xem, nghiêm túc, trang trọng nhất, long trọng nhất không gì hơn lễ nghĩa của việc kết hôn. Bởi vì nó vô cùng long trọng cho nên nó đại biểu cho sự việc quan trọng nhất của đời người. Hôn nhân có thể hạnh phúc, gia tộc hòa thuận thì việc giáo dục thế hệ sau cũng có thể được thành tựu, vì vậy mối quan hệ vợ chồng vô cùng quan trọng.
Vào thời xưa, ba ngày trước ngày lễ con cái kết hôn, cha mẹ hai bên đều không tắt đèn. Ba ngày đó ân cần tận tâm dạy bảo con cái của chính mình về sau làm thế nào để làm một người chồng tốt, về sau làm người cha tốt như thế nào, về sau làm như thế nào để gánh vác trách nhiệm của gia đình. Đối diện với con gái mình cũng khuyên bảo nhắc nhở con gái làm thế nào để làm tốt vai trò một người vợ, làm thế nào để làm tốt vai trò một nàng dâu, làm một người mẹ tốt thì như thế nào. Cho nên, ngày xưa đều có ba ngày không tắt đèn, chúng ta có thể nhìn ra được tầm quan trọng của hôn nhân. Tin rằng tuyệt đối không phải ba ngày đó làm việc theo kiểu nước đến chân rồi mới nhảy. Quan trọng nhất, nhất định từ nhỏ đến lớn cha mẹ phải biểu diễn việc vợ chồng hòa thuận cho con cái xem. Vả lại, ở trong rất nhiều cơ hội, cha mẹ phải tận dụng để dạy bảo con cái nên đối đãi như thế nào với người bạn đời, đối đãi như thế nào với người khác phái. Bởi vì mưa dầm thấm lâu, lại thêm việc ân cần dặn dò trước khi kết hôn, cho nên con cái đối với việc làm một người chồng, làm một người vợ, những chức trách và những bổn phận này sẽ vô cùng rõ ràng, không đến nỗi lờ mờ lẫn lộn. Hiện tại, thanh niên nam nữ chúng ta có thể đều chưa chuẩn bị tốt cho việc làm một người vợ tốt như thế nào hay là một người chồng tốt như thế nào, cũng không nghĩ đến việc phải gánh vác trách nhiệm gia đình. Kết quả là thế nào? Có thể khi bước vào giai đoạn đó rồi, trong khi tâm lý lại chưa được chuẩn bị tốt, không những chưa có chuẩn bị tốt mà bản thân lại còn có rất nhiều cách nghĩ không đúng. Vào lúc này thì những bậc trưởng bối có khuyên bảo họ hay không? Có kịp thời đến dạy bảo họ hay không?
Hiện nay có rất nhiều bậc trưởng bối sau khi con của mình kết hôn rồi có một số tình huống không mấy tốt cho lắm, nhưng họ cũng không để tâm đến, lại còn nói: “Ôi, thanh niên bây giờ có cách nghĩ của riêng chúng”. Tôi mỗi lần nghe thấy câu nói này đều rất lo. “Nuôi không dạy, lỗi của cha”. Không chỉ không có dạy con cái cho tốt, mà hiện tại đối với hôn nhân của chúng cũng bỏ mặc không lo. Như vậy có thể không chỉ là không dạy tốt con cái mà ngay cả cháu, ngay cả những đời sau nữa cũng không dạy cho tốt.
Những việc chung sống với người khác này, những thái độ đối với người khác phái này rất quan trọng với cuộc đời của chúng. Chúng ta là bậc làm cha mẹ, thầy cô có thể trước khi chúng được hai mươi tuổi đã không dạy bảo chúng về các phương diện này.
Ngày xưa, kỳ thực đã đem việc làm chồng như thế nào, làm vợ như thế nào dung hòa vào trong hai chữ “phu phụ” này. Cho nên người xưa bất luận là văn tự hay là nghệ thuật hoặc là những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống đều dung hợp ý nghĩa giáo hóa vào bên trong đó.
Làm Chồng Phải Như Thế Nào?
Chúng ta xem trong chữ “phu” này có chứa ý nghĩa một chữ “phù”, nghĩa là nâng đỡ, cho nên làm chồng thì phải phù trợ cho sinh kế của một gia đình. Làm chồng người ta thì phải có ân nghĩa, tình nghĩa, và cả đạo nghĩa. Người làm chồng phải hiếu thuận cha mẹ, cho nên phải tận hết ân nghĩa. Có câu nói: “Phu nghĩa phụ đức”. Làm chồng người ta, duy trì một gia đình thì trước phải báo ơn, biểu diễn ra một tấm gương tốt, biễu diễn hiếu đạo để cho con cái đời sau xem thấy, là tận một phần ân nghĩa. Còn đối với người vợ, phải có thể khiến cho cuộc sống của vợ được an định, để cho cuộc sống của người vợ được ổn định yên ổn. Cho nên có tình nghĩa, làm chồng của người khác cũng phải có đạo nghĩa. Đạo nghĩa gì vậy? Đó là dạy dỗ cho tốt thế hệ con cái, như vậy thì mới không có lỗi với cha mẹ tổ tiên của chính mình, như vậy mới có thể không có lỗi với người vợ, như vậy mới không có lỗi với xã hội. Cho nên người làm chồng phải biết đảm đương trách nhiệm, phải có thể tận báo ân nghĩa, có thể tận báo tình nghĩa, tận báo đạo nghĩa.