/ 40
284

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 14

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Chúng ta đã nhắc đến việc dạy dỗ con cái thì vợ chồng phải phối hợp cho tốt, phải kết hợp cương và nhu, kết hợp rộng lượng và nghiêm khắc. Việc kết hợp cương nhu thì không những vợ chồng phối hợp tốt, mà người làm cha làm mẹ cũng cần phải vận dụng phương pháp cương nhu khéo léo.

Các vị bằng hữu, các vị hiện có ai đang có con đang học lớp một hay không? Có vị bằng hữu nào mà con các vị đang học lớp một hay không? Tôi thường hay mời một người phụ huynh phối hợp với tôi, tôi nói với cô ấy: “Hôm nay tôi giả làm con của chị, gọi điện cho chị. Cô ấy giả làm mẹ của tôi”. Tôi liền gọi điện cho cô ấy nói: “Mẹ ơi, quyển vở bài tập con quên mang đi rồi, ngày hôm qua vất vả lắm mới làm xong, mẹ giúp con đem lên trường với, nhà mình chạy lên đây chừng hai phút chứ mấy, mẹ là tốt nhất, xin mẹ đấy, mau mau đem lên giúp con!”. Các vị bằng hữu, vậy có nên đem đi cho nó hay không? Có người nói nên, người nói không nên. Rất nhiều phụ huynh khi xảy ra một sự việc như vậy thì do dự rất lâu. Tôi nói, lúc này mà còn do dự thì đảm bảo khi xảy ra chuyện như vậy sẽ như thế nào? Nhất định sẽ đem đến cho chúng. Chúng ta lại xem, nếu đem đến như vậy thì sẽ tạo thành kết quả như thế nào? Có một thì sẽ có hai, “vô tam bất thành lễ”. Cho nên có thể là bạn phải đưa đồ đến cho chúng bao lâu nữa? Các vị bằng hữu, có thể là các vị sẽ phải đem đến cho chúng suốt cả cuộc đời. Bởi vì đi theo công tác giáo dục cho nên tôi thường hay quan sát trẻ con, thậm chí quan sát rất nhiều những thanh niên trẻ tuổi, cũng cảm thấy rất rõ ràng chúng ta càng giúp con cái nhiều thì con cái lại càng không biết trân trọng. Con cái của chúng ta càng cảm thấy cha mẹ giúp mình làm những việc đó là việc nên làm thôi.

Tôi còn chính mắt thấy có rất nhiều phụ huynh còn giúp con tìm việc làm tốt, sau đó lại thương lượng với con cái: “Ba xin con đấy, hãy đi làm công việc ở đó được không?”. Đứa con đó còn tỏ ra dáng vẻ không mấy hài lòng cho lắm, nó nói: “Được rồi, nể mặt ba mẹ con sẽ đi thử xem sao”. Nếu biết sớm thì việc gì phải làm như vậy? Bởi vì sao chúng lại không có tinh thần trách nhiệm như vậy? Vì sao không có thái độ tự lo liệu đối với sự việc của chính mình như vậy? Bởi vì ngay từ nhỏ khi chúng xảy ra vấn đề thì ai là người đã giúp cho chúng giải quyết tàn cuộc? Đều là cha mẹ, là ông bà, thậm chí là anh chị em trong gia đình, hết thảy đều thay chúng giải quyết vấn đề. Thế là ngay từ nhỏ, hễ xảy ra chuyện thì chúng liền nghĩ dù gì thì mình cũng có nhiều người giúp đỡ, cho nên chúng cũng không thể nào nâng cao được tinh thần trách nhiệm và tính cảnh giác.

Vì vậy, bạn đừng có xem nhẹ bất kỳ một tác động nào của bạn đối với trẻ ngay từ khi chúng còn nhỏ, việc đó đều có thể ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời của chúng sau này. Vì vậy, việc giáo dục có ba chữ vô cùng quan trọng: “Thận ư thủy”. Thủy là bắt đầu. Khi mới bắt đầu mà bạn dùng phương pháp đối với chúng không đúng thì có thể cả đời của chúng cũng không kéo trở lại được. Cho nên chúng ta nhìn thấy hiện nay có rất nhiều người cũng đã lớn đến hai mươi mấy ba mươi tuổi mà rất nhiều việc nhà lẫn công việc vẫn phải khiến cho cha mẹ của chúng bận tâm rất nhiều, thậm chí còn phải nhờ đến cha mẹ chăm lo cho chúng về mặt kinh tế. Đây là không có nuôi dưỡng được một thái độ có trách nhiệm đối với cuộc đời của chính mình.

Chú Lư (Lư tiên sinh) rất biết cách dạy con. Chú đem ví dụ này để giải thích rõ cho tôi nghe. Chú nói con gái của chú lần đầu tiên quên mang quyển vở bài tập, gọi điện về nhà nhờ chú đem lên (ba thương con gái nhất, mẹ thì tương đối thương con trai hơn), nhưng chú rất có lý trí, liền nói với con gái của mình: “Không mang theo vở bài tập là sai sót tự con làm ra, vậy thì phải tự mình chấp nhận hậu quả”, sau đó liền dập điện thoại xuống. Tôi tin rằng sau khi tắt điện thoại thì trong lòng đứa con gái như thế nào? Sẽ chấn động một chút, sẽ để lại ký ức sâu sắc. Động tác dập điện thoại xuống đó là uy nghiêm. Đứa con gái của chú đến chiều thì tan học trở về. Các vị bằng hữu, có cần phải tiếp tục trách mắng hay không? Ông bà xưa có câu: “Phải trung dung”, quá hung sẽ tổn thương đến tình thân, quá tốt thì chúng sẽ không có trách nhiệm, đều cảm thấy đó là việc nên làm. Bởi vì đã dập điện thoại đối với nó, khi trở về lại thì phải tình nghĩa chứ không thể lại dữ dằn trách mắng. Cho nên khi nhìn thấy đứa con gái trở về mặt mày ủ rũ, vào lúc này thì người làm cha liền đi đến hỏi nó. Chú hỏi: “Hôm nay con có bị thầy phạt hay không?”. Con gái của chú gật đầu. Tiếp đến chú nói: “Ba sẽ dạy cho con một phương pháp đảm bảo sau này con sẽ không còn bị thầy giáo phạt vì những chuyện như vậy nữa”. Chú vừa nói như vậy thì đôi mắt của đứa con gái liền sáng lên: “Là phương pháp gì vậy, nói cho con nghe đi!”. Người cha liền nói: “Chỉ cần mỗi ngày trước khi đi ngủ thì lấy sổ ghi nhớ ra, rồi lấy hết sách giáo khoa ngày mai học ra, sau đó đánh dấu lại. Lại lấy hết vở bài tập ra, lấy vở bài tập đã làm xong bỏ vào trong cặp, sau đó lại đánh dấu. Đánh dấu cho hết rồi thì có nghĩa là đồ đạc của con đã chuẩn bị xong rồi, vậy thì con có thể ngủ một giấc thật là ngon”. Không chỉ khiến tâm của đứa trẻ có thể an tâm đi ngủ mà quan trọng hơn là giúp huấn luyện cho trẻ năng lực tự quản lý lấy cuộc sống của chính mình.

/ 40