/ 40
411

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 11

Chào các vị bằng hữu, buổi tốt an lành!

Bài của chúng ta đã nói đến “thần” đối với “quân”, nghĩa là cấp dưới có trách nhiệm khuyên can những sai lầm của người lãnh đạo. Cho nên không chỉ là cấp dưới phải khuyên can người lãnh đạo, kỳ thực lúc ở trong gia đình, chúng ta phận làm con cái, khi cha mẹ có lỗi lầm thì chúng ta cũng phải nên khuyên can. Gọi là: “Cha mẹ lỗi khuyên thay đổi, mặt ta vui lời ta dịu”. Cho nên, thái độ để khuyên can người khác cũng phải chính xác, nếu không có thể sẽ hoàn toàn ngược lại. Vả lại, chúng ta phải hiểu, sự hình thành quan niệm tư tưởng của một người trưởng thành đều không phải trong một sớm một chiều, cho nên khi khuyên bảo mà không nghe thì phải làm sao? Phải “vui can tiếp”. “Vui” này là vui của vui thích, nghĩa là bạn phải nắm chắc thời cơ. Khi nhìn thấy cha mẹ tương đối vui vẻ, hoặc là khi nhìn thấy người lãnh đạo tâm tình tương đối thì hãy khuyên. Không nên khuyên bảo vào những lúc cha mẹ đang không được vui vẻ, rất có thể sẽ bị mắng một trận té tát. Vì thế, phải biết xem xét tình hình.

“Dùng khóc khuyên, đánh không giận”. Dù cho cha mẹ không thể tiếp nhận thì chúng ta cũng không có một lời oán trách, bởi vì chúng ta đang làm những việc mà chúng ta phải nên làm, tự hỏi mình không thẹn với lương tâm. Cho nên khuyên cha mẹ không phải là nói họ không nghe thì thôi, về sau không khuyên họ nữa. Thái độ như vậy thì chúng ta đã quên đi bổn phận của người làm con rồi. Người khác đúng hay không đúng không quan trọng, chúng ta từng giờ từng phút phải nhắc nhở chính mình “ta có làm đúng hay không, có tận hết bổn phận hay không?”. Vì vậy, cấp dưới khuyên bảo người lãnh đạo, khuyên bảo cấp trên cũng phải biết quan sát thời cơ. Vả lại, phải ở trong một cái tiền đề là có được sự tín nhiệm của người lãnh đạo đối với chúng ta, nhất định là phải đủ mức thì mới có thể khuyên.

Chúng ta có thể nào mới vào công ty làm được ba ngày, sau đó lại có thể trực tiếp ăn nói thẳng thắn với ông chủ hay không. Việc đó thì không thể nào. Vì thế, cơ sở để khuyên can người khác là ở tín nhiệm.

Trong tiết trước chúng ta đã nói đến ông Ngụy Chủy, một vị đại thần rất nổi tiếng trong lịch sử đời nhà Đường. Ông đã biết nắm bắt thời cơ để khuyên can Đường Thái Tông. Khi Ngụy Chủy qua đời, Đường Thái Tông vô cùng đau lòng, cũng đã khóc một khoảng thời gian. Đường Thái Tông đã nói: “Lấy gương tự soi, dĩ sử vi kính, khả dĩ tri hưng thế, dĩ nhân vi kính, khả dĩ minh đắc thất”. Lấy gương đồng soi rọi gương mặt mình, nhìn vào có thể thấy quần áo chưa chỉnh tề ở chỗ nào, tóc tai đã gọn gàng chưa, có thể chỉnh sửa lại áo mũ. “Dĩ sử vi kính”, nghĩa là lấy lịch sử để làm thành tấm gương rọi chiếu chính mình. “Khả dĩ tri hưng thế”, có thể biết cách làm thế nào để trị vì một đất nước, khiến cho đất nước hưng thịnh. Làm thế nào để đất nước có thể thịnh vượng thì trong lịch sử có thể học hỏi được một số kinh nghiệm. “Dĩ nhân vi kính, khả dĩ minh đắc thất”. Giả sử có thần dân chịu khuyên can họ, họ có thể biết được mỗi một chính sách của mình đối với xã hội và đất nước là tốt hay xấu. Họ có thể từ trong những khuyên can của thần dân mà biết được vấn đề được và mất. Vì thế, Đường Thái Tông nói ông có ba cái gương đã bị bể hết một tấm, chính là Ngụy Chủy đã qua đời rồi. Đường Thái Tông có thái độ như vậy thảo nào nhà Đường lại có nhiều hiền thần xuất hiện đến như vậy. Ông cũng có thể sáng tạo ra “trinh quán chi trị” vào thời nhà Đường. Vì thế, Ngụy Chủy là một tấm gương rất tốt về việc làm một thần dân của người khác.

Rất nhiều người làm thân phận cấp dưới đều rất sợ việc khuyên can cấp trên. Có hiện tượng này hay không? Rất sợ phải khuyên can, vì sao lại sợ khuyên? Có người nói vì có tâm được mất, sợ sau khi khuyên rồi thì mất luôn chiếc ghế. Cho nên con người một khi có cái tâm được mất, khi chỉ biết lo được lo mất thì sẽ không thể nào tuân theo lý trí, không thể tuân theo chính khí để làm việc. Vì thế, người xưa đã nói: “Vô dục tắc cương”. Chữ “dục” này có ý nghĩa là gì vậy? Chữ “dục” này chính là tự tư tự lợi. Con người mà có tự tư tự lợi thì tâm của họ sẽ không ngay thẳng, sẽ làm những chuyện gì? Lo lắng chuyện đông chuyện tây, suy nghĩ chuyện này suy nghĩ chuyện kia. Cho nên hiện tại có rất nhiều viên chức của các cơ quan xí nghiệp mỗi ngày đều phiền não. Phiền não ở việc nên theo một vị quan trên nào. Nếu như theo sai người (chúng ta hay nói là thay đổi triều đại), thì công lao đổ sông đổ biển, gọi là: “Vua nào thì triều thần nấy”. Lấy tâm thái như vậy đối với cấp trên mà nói thì cuộc đời có cảm giác vững vàng hay không? Không thể nào. Dùng cái tâm cảnh như vậy thì mỗi ngày không phải là chăm chỉ làm việc mà đang làm gì? Đang phỏng đoán tâm thái của cấp trên. Cấp trên ưa thích chúng ta nói những gì thì chúng ta nói những lời nịnh hót đó, ưa thích chúng ta làm những việc gì chúng ta liền đi làm những việc đó. Sống những ngày tháng như vậy rất mệt mỏi. Phương thức làm việc như vậy thì họ có thể nào liên tục làm việc trong hai mươi - ba mươi năm một cách suôn sẻ hay không? Rất khó. Vì sao vậy? Khi họ a dua nịnh hót như vậy thì cấp trên mới trọng dụng. Mà vị cấp trên đó có thể làm được lâu hay không? Cho nên suy nghĩ thì phải suy nghĩ cho sâu, phải suy nghĩ cho xa. Chân thật một người cấp trên mà bạn a dua nịnh hót mới ưa thích bạn thì bảo đảm sẽ làm không bao lâu, đến lúc đó thì bạn đúng là công lao đổ sông đổ biển.

/ 40