/ 40
408

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 9

Xin chào các vị bằng hữu!

Hôm qua nội dung chúng ta thảo luận là quan hệ thầy trò. Một vị thầy tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng, quan niệm, cuộc đời của một con người. Một con người có tuân theo giáo huấn Thánh Hiền hay không thì sự hướng dẫn của thầy là một mấu chốt rất quan trọng. Cho nên hôm qua chúng ta đã nêu ra quan hệ thầy trò của người xưa, cảm nhận được sâu sắc thái độ của người xưa đối với thầy, quả thật là: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Điều quan trọng hơn là phải đem lời giáo huấn của thầy y giáo phụng hành, suốt đời không quên. Khi chúng ta có loại thái độ này để đứng trước thầy, đứng trước lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền thì đạo nghiệp, học nghiệp của chúng ta nhất định có thể thành tựu.

Ngoài thầy tốt ra, sự thật là một người khiêm tốn, một người được giáo dục, khi đứng trước người sự vật mà họ đối diện đều có thể nhận được sự học tập rất tốt. Ví dụ đối diện người, khi họ đứng trước người thiện, họ có thể gợi nhớ đến lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”: “Thấy người thiện, nhớ học theo”. Người có đức hạnh, lương thiện mà chúng ta mỗi ngày tiếp xúc nhiều như vậy, chúng ta đều có thể sinh khởi cái tâm học tập, tâm noi theo thì người thiện cũng là thầy của chúng ta. Thế thì người ác họ có thể là thầy của chúng ta hay không vậy? “Thấy người ác, liền phản tỉnh”. Nhìn thấy người khác làm việc sai, chúng ta phải biết phản tỉnh lại chính mình có phạm sai lầm như vậy hay không? “Có thì sửa, không cảnh giác”. Có thì phải mau mau sửa, nếu không có thì tự hứa với bản thân không được phạm sai lầm giống như vậy.

Rất nhiều người sẽ nói, họ nhìn thấy người khác phạm phải lỗi lầm, trong lòng họ thấy rất khó chịu. Mỗi ngày đều cứ nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của người khác, trong lòng đùng đùng nổi giận, cho nên trong xã hội này rất nhiều người là hận đời. Mỗi ngày lúc trà dư tửu hậu, họ thường trách mắng khuyết điểm của người khác. Trong khi chúng ta đang phê phán khuyết điểm của người khác, trên thực tế nội tâm của chúng ta có bình tĩnh hay không vậy? Không bình tĩnh. Nội tâm tức giận bất bình là đi ngược lại với học vấn rồi. Cái gọi là: “Khi học vấn thâm sâu, thì tính khí bình”. Một người học vấn càng thâm sâu thì tính tình phải bình tĩnh, điềm đạm.

Có bạn sẽ nói, tôi thật sự không có cách nào không nhìn khuyết điểm của người khác. Vậy chúng tôi sẽ cho họ một kiến nghị. Nếu như nhìn thấy khuyết điểm của người trong gia đình, bạn hãy xem như là khuyết điểm của mình. Họ vừa nghe liền cảm thấy rất khó hiểu, tại sao xem khuyết điểm của người trong gia đình chính là lỗi lầm của mình? Chúng tôi sẽ tiến thêm một bước nữa hướng dẫn họ, chính là bởi vì đức hạnh của chúng ta không đủ cho nên con cái của chúng ta không bị chúng ta cảm động, mới tiếp tục học xấu. Cho nên, do đức hạnh của chúng ta không đủ nên không có cảm hóa được chúng. Nếu như nhìn thấy đồng nghiệp của chúng ta chưa có làm tốt thì chúng ta cũng phải xem như là lỗi lầm của mình, bởi do chúng ta chưa có làm nên tấm gương thật tốt, khiến họ sinh ra tâm hổ thẹn mà noi theo, cho nên đây cũng là lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta cũng phải bắt đầu làm từ việc tu thân của chính mình. Khi chúng ta dùng tâm cảnh như vậy để đối diện với người xung quanh, chúng ta từng giây từng phút sẽ thúc giục mình không ngừng tăng trưởng học vấn, chứ không phí thời gian vào trong việc quở trách khuyết điểm của người khác. Cho nên người thiện và người ác đều là thầy.

Không chỉ là người, mà sự vật cũng có thể là thầy.

Ví dụ cây trúc.

Ví dụ khi bạn nhìn thấy cây trúc, bạn có thể học ở nó điều gì? Bậc Thánh Hiền của chúng ta rất khéo về việc học tập với trời đất vạn vật. Thế thì, chúng ta hãy cảm nhận một chút, bạn nhìn thấy cây trúc cảm thấy có thể học được những đạo lý đối nhân xử thế gì từ trên thân cây trúc hay không?

Chúng ta quán tưởng một chút về cây trúc. Từng đốt từng đốt rất có chí khí, rất có nguyên tắc của nó, rất hay! Cây trúc có thể cúi xuống, khi càng cao nó sẽ hơi cúi xuống, khiêm tốn (khiêm). Khiêm cộng thêm hư. Cây trúc là tâm rỗng, thường xuyên có thể lắng lòng tiếp nhận sự phê bình của người khác, cho nên cây trúc cũng là biểu thị cho đặc tính của người quân tử. Còn gì nữa không? Cây trúc cũng có thể khiến chúng ta thể hội được đạo lý gì của đời người? Ví dụ tâm chúng ta thường xuyên rất thanh tịnh, bạn sẽ có rất nhiều gợi ý từ trong vạn vật, tánh ngộ của bạn sẽ khai. Chúng ta thử xem, cây trúc này là từng đốt từng đốt không ngừng hướng lên trên. Thực ra đời người là phải không ngừng đột phá đi lên, từng đốt từng đốt mà đột phá. Hơn nữa, trên mỗi đốt của nó có mắt rất cứng, cho nên đời người có rất nhiều giai đoạn, bạn đều phải dũng mãnh tiến lên, đột phá qua nó để đi lên.

/ 40