LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP
Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Tập 8
Chào các vị bằng hữu!
Quan hệ thầy trò
Chúng ta tiếp theo bài giảng vừa rồi là quan hệ thầy trò. Quan hệ thầy trò hoàn toàn không có trong quan hệ ngũ luân, nhưng quan hệ ngũ luân nếu không có quan hệ thầy trò thì không thể chung sống thật hòa hợp. Bởi vì đạo lớn ngũ luân này đều cần phải thông qua sự chỉ dạy của thầy mới có thể khiến tất cả mọi người hiểu được đạo lớn luân thường, biết làm tròn bổn phận đời người của mình. Cho nên từ xưa đến nay, tất cả người có học thức đối với thầy của mình đều vô cùng tôn kính. Chúng ta hãy cảm nhận một chút người cổ đại dùng thái độ, tâm cảnh như thế nào để đối xử bậc thầy của họ?
Vào thời triều Minh, có một vị danh thần tên Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp lúc còn trẻ tuổi đi học vô cùng khắc khổ, vô cùng chăm chỉ. Người cổ đại thường nói: “Thập niên song hàn vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri”. Rất nhiều người có học thức đều khắc khổ, đèn sách hơn mười năm, sau đó vào kinh ứng thí, hy vọng có thể đạt được công danh để vì nhân dân phục vụ. Đương thời có một vị đại thần tên là Tả Trung Nghị Công, ông đảm nhiệm chức quan chủ khảo của lần thi này. Tả Trung Nghị Công luôn luôn nghĩ phải giúp nước chọn ra những nhân tài ưu tú, ngõ hầu tạo phúc cho dân, cho nên ông liền thay hết quan phục, cải trang đi tuần vào trong những ngôi tự miếu vùng phụ cận kinh thành để thử xem tố chất của người học trò đi thi lần này như thế nào. Bởi vì học trò đều không có tiền nên đều ở tự viện. Lúc Sử Khả Pháp viết xong một bài văn, mệt quá ngủ thiếp đi, đúng lúc Tả Trung Nghị Công đến ngôi tự viện. Tả Trung Nghị Công nhanh chóng xem qua bài văn của học trò này, trong lòng vô cùng cảm động, cảm nhận ra được loại khí tiết đền ơn nước, và còn có tấm lòng lợi ích nhân dân của người học trò này. Ông ngoài cảm động ra, liền lấy áo khoác ngoài xuống khoác lên mình của Sử Khả Pháp. Sau đó chính thức thi. Khi Tả Trung Nghị Công sửa đến bài văn của Sử Khả Pháp, lập tức phê cho ông làm trạng nguyên, đứng đầu bảng thi.
Các vị bằng hữu, tại sao Tả Công sau khi xem bài văn xong liền biết là bài văn của Sử Khả Pháp vậy? Có phải là gian dối hay không? Không phải. Bài văn bày tỏ nội tâm của một con người, tỏ rõ khí tiết của một con người. Bởi vì, Tả Công đã từng xem qua bài văn của Sử Khả Pháp, biết cái thái độ đối với nước, đối với dân của người trẻ tuổi này, cho nên vừa nhìn liền biết nhất định là bài văn của ông ấy. Sau khi Sử Khả Pháp thi đỗ rồi, có một quy định chính là phải bái quan chủ khảo ngay lúc đó làm thầy. Cho nên khi Sử Khả Pháp vào trong nhà của Tả Công, Tả Công lập tức nói với vợ của ông: “Về sau người kế thừa chí nghiệp của tôi không phải là con ruột của tôi mà là cậu học trò này”.
Chúng ta từ chỗ này có thể cảm nhận được, bậc Thánh Hiền cổ đại không sợ trong nhà không có con nối dõi, điều họ đáng sợ hơn là học vấn Thánh Hiền bị đứt từ chỗ của họ, điều họ sợ là không giúp quốc gia tìm ra trụ cột đích thực để lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia. Điều này còn căng thẳng hơn việc bản thân họ không có con cái. Cho nên thật sự lòng dạ của người có học thức đều là vì nước, vì dân, đều là chí công vô tư.
Sau đó vào cuối năm triều Minh, lúc đó hoạn quan nắm quyền, Tả Công vì tính tình thanh liêm đã đắc tội với một số tiểu nhân cho nên đã bị hãm hại, bị giam vào trong nhà tù.
Thưa các bạn, sau khi vào trong nhà tù sẽ như thế nào vậy? Nhất định sẽ bị nghiêm hình bức cung. Con mắt của Tả Công đã bị miếng sắt thiêu, cho nên khiến da đều dính liền lại với nhau, chân bị cắt cụt đến đầu gối. Sử Khả Pháp vô cùng sốt ruột, vô cùng lo lắng cho người thầy của ông ở trong nhà tù, nghĩ đủ mọi cách, hy vọng có thể vào trong nhà tù để thăm thầy của mình. Binh sĩ ở trong nhà tù bị ông cảm động, kiến nghị cho ông ngụy trang thành người lao công vào trong nhà tù quét dọn. Cho nên ông đã hóa trang thành hình dạng này, bí mật vào trong nhà tù. Kết quả khi Sử Khả Pháp từ từ tiếp cận thầy của ông ở trong nhà tù đó, bỗng nhiên nhìn thấy toàn bộ tình trạng cơ thể của thầy, tâm trạng vô cùng xúc động, dòng lệ tuôn trào. Sau đó, khi nhà tù mở cửa, Sử Khả Pháp liền phủ phục bên chân thầy, bắt đầu khóc nức nở. Tả Công vừa nghe thấy tiếng của học trò của mình cũng vô cùng kinh ngạc, lập tức dùng đôi tay vạch mắt của mình ra, ánh mắt vô cùng nghiêm túc nhìn vào Sử Khả Pháp nói: “Con hiện nay là thân phận gì? Con là rường cột nước nhà, sao có thể để mình rơi vào tình cảnh nguy hiểm như thế này? Thà bây giờ ta sẽ đánh chết con, chứ không để những loạn thần này hại chết con”. Vừa dứt lời, Tả Công liền nhặt cục đá dưới đất lên, ném thẳng vào Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp khi nhìn thấy thầy giận dữ như vậy cũng nhanh chóng rời đi. Các vị bằng hữu, tại sao Tả Công đối với Sử Khả Pháp giận dữ như vậy? Ông là vì cái gì? Là vì quốc gia, là để bảo vệ học trò của ông.