/ 40
264

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 7

Chào các vị bằng hữu!

Nội dung chúng ta vừa mới nhắc đến là quan hệ cha con. Trong quan hệ cha con, điều quan trọng nhất chính là đạo hiếu. Chữ “Hiếu” này là chữ hội ý, gồm một chữ “lão” cùng với một chữ “tử” hợp chung với nhau thành chữ “hiếu”. Lão là chỉ cho thế hệ trước, tử là chỉ cho thế hệ sau. Thế hệ trước cùng thế hệ sau hòa hợp thành một thể gọi là hiếu, cho nên thế hệ trước với thế hệ sau quan hệ mật thiết không thể tách rời. Chúng ta thấy chữ này giống như một người con cõng một người cha. Cho nên thế hệ trước niệm niệm luôn nghĩ đến làm thế nào bồi dưỡng tốt thế hệ sau, mới có thể tròn trách nhiệm đối với tổ tiên của họ, cha mẹ của họ, thậm chí là dạy ra một người con tốt cho xã hội cũng là làm tròn trách nhiệm với xã hội. Và con niệm niệm cõng cha cũng chính là nói niệm niệm đem trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ đặt trên vai, luôn luôn nghĩ đến cha mẹ, làm sao để cha mẹ vui sướng hơn, đời sống viên mãn hơn. Cho nên người con hiếu thời cổ đại thật sự chủ tâm của họ đều có thể từng giây từng phút nghĩ đến cha mẹ.

Cổ đại có một người con hiếu rất nổi tiếng là Tăng Tử (Tăng Sâm). Một lần ông lên núi đốn củi, ngay lúc đó bạn của ông đến tìm ông. Thời xưa khi bạn đến tìm có thể đều là đi hai ba ngày đường rất dài mới đến được. Mẹ của ông là người rất trung hậu, nghĩ là bạn đã tìm đến như vậy, xa như vậy mà đến, nếu như không gặp được Tăng Sâm thì thật không nỡ lòng nào với bạn, lập tức bà liền chích kim vào trong tay của mình. Cây kim này chích vào thì Tăng Sâm lập tức cảm thấy đau tim, cảm thấy nhất định là mẹ đã xảy ra chuyện gì rồi, liền nhanh chóng đi nhanh về nhà. Cuối cùng khi về đến nhà, nhìn thấy mẹ ông vẫn chưa nói gì, lập tức quỳ xuống và nói: “Mẹ ơi, rốt cuộc có chuyện gì mà sao tim của con đau một trận vậy?”. Cuối cùng mẹ ông mới giải thích cho ông: “Bởi vì có bạn đến thăm, mẹ muốn nhanh chóng gọi con về, cho nên mẹ mới làm như vậy”. Cho nên phận con cái thời xưa thật sự là niệm niệm luôn nghĩ đến cha mẹ. Vậy hiện nay chúng ta suy nghĩ xem, bản thân chúng ta đối với cha mẹ có còn thái độ như vậy hay không? Vì sao không có vậy?

Chúng ta hồi tưởng một chút, lúc nhỏ có người nào dạy chúng ta phải hiếu thuận hay không? Không có người dạy. Mỗi ngày trong đầu nghĩ điều gì vậy? Có lẽ niệm niệm là nghĩ đến bản thân. Chúng tôi thường thường hay hỏi các em nhỏ: “Con ơi, mẹ con thích ăn món gì?”. Chúng đều nói: “Không biết”. Cuối cùng tôi bèn hỏi các em: “Mẹ con có biết các con thích ăn món gì không?”. Các em nói: “Đương nhiên biết, nào là món này, nào là món kia”, đã nói rất nhiều món. Tôi nói: “Con thấy mẹ luôn luôn nghĩ đến con, đều biết con muốn ăn món gì, mẹ quan tâm con như vậy, con là làm thế nào để báo đáp lại mẹ?”. Rõ ràng ngay cả mẹ muốn ăn món gì các con cũng không biết.

“Cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Những món cha mẹ ưa thích chúng ta tận tâm tận lực đáp ứng cho cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ. Cho nên chúng tôi liền nói với các em nhỏ: “Sau này khi mua đồ, trước tiên mua món gì? Trước tiên mua món gì mà mẹ thích ăn”. Nhờ sự so sánh này khiến các em cảm nhận được mẹ yêu thương chúng ta như vậy, chúng ta lại ngay cả cái cơ bản đến như vậy cũng không biết. Cho nên người xưa có tâm hiếu như vậy cũng là quyết định bởi cha mẹ của họ có làm ra tấm gương tốt, cộng thêm ở trong giáo dục lấy đạo hiếu làm căn bản, từ nhỏ đã dạy họ hiếu. Thậm chí giữa hàng xóm láng giềng với nhau, nhìn thấy người con hiếu đều vô cùng khâm phục tôn kính, thậm chí noi theo. Cho nên phong khí xã hội vào thời xưa cũng rất tốt. Hiện nay, thật sự ở trong xã hội muốn nghe thấy người con hiếu có dễ hay không? Không dễ. Cho nên chúng ta hiện nay đã bị gián đoạn hai - ba đời rồi, cần phải bắt đầu lại từ đầu.

Làm sao hướng dẫn con trẻ tận hiếu đạo?

Trong giáo dục của chúng ta thường sẽ từ toàn bộ quá trình mang thai đến sinh ra. Tiếp sau đó là dưỡng dục của người mẹ, khiến con trẻ thể hội được ân đức của cha mẹ. Cái gọi là “biết ơn mới có thể báo ơn”. Cho nên chúng tôi vừa mở đầu liền nói với các em nhỏ: “Một lần Đức Phật đi qua một nơi nọ, nhìn thấy trên đất có một đống xương trắng, Đức Phật trước tiên bèn đảnh lễ những xương trắng này. Sau khi đảnh lễ xong, học trò bèn hỏi: “Bạch Phật, tại sao Ngài lại đảnh lễ với đống xương trắng này?”. Phật bèn nói: “Những xương trắng này có thể đều là tổ tiên trước đây của chúng ta, chúng ta cần phải lễ kính đối với tổ tiên”. Sau khi Ngài lễ đống xương trắng này xong, liền bảo học trò phân chia đống xương này, xương nào tương đối đen để qua một bên, xương tương đối trắng để qua một bên. Học trò liền hỏi: “Tại sao hai đống xương này một bên lại tương đối đen, một bên tương đối trắng vậy?”. Đức Phật liền nói tiếp: “Đống xương đen này là xương của người mẹ. Bởi vì người mẹ trong quá trình mang thai, toàn bộ dinh dưỡng của người mẹ phải nuôi thai nhi cho nên chất can-xi mất đi rất nhiều. Sau đó trong quá trình dưỡng dục vô cùng vất vả, cho nên thân thể người mẹ sẽ ngày dần tiều tụy đi. Hơn nữa, trong toàn bộ quá trình mang thai là thời gian gần mười tháng, nặng mấy chục cân, vô cùng cực nhọc”.

/ 40